Yêu thương trên núi Tà Moòng
Lượt xem: 296

         Chúng tôi đã đi qua không nhớ nổi biết bao quả đồi, đi qua bao con suối nhỏ và có cả những đoạn lên dốc bánh xe sau xoay tít, buộc tôi phải xuống xe đi bộ mất cả đoạn dài để cuối cùng thấy được điểm trường Tà Moòng ở ngay trước mắt. Tà Moòng nằm sâu trong núi như một ốc đảo buồn vắng, xa xôi. Nơi đó có 28 hộ đồng bào người Mông sinh sống và hơn 30 em nhỏ đang độ tuổi đến trường. Nơi con chữ được mang đến với học sinh bằng cả tình yêu và tấm lòng của những người thầy cắm bản.

         Đó là một buổi sáng đẹp trời chúng tôi xách ba lô, xỏ ủng xuất phát từ trung tâm xã Dương Quỳ cách điểm đến khoảng 15 km tới thôn Tà Moòng. Nơi đây được giới thiệu là điểm trường xã xôi nhất của xã Nậm Chày (Văn Bàn). Tôi hăm hở theo chân thầy Hà Công Toản, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Chày. Thầy hồ hởi: “Hôm nay không mưa nên cũng không phải vội, ngày nắng đi xe máy từ Dương Quỳ lên đến Tà Moòng đơn giản chỉ hết khoảng hơn 1 giờ đồng hồ. Nếu ngày mưa thì chưa chắc đã đi nổi, giáo viên để xe ở trung tâm xã Dần Thàng rồi vừa đi vừa “bò” trên con đường trơn trượt vào tới điểm trường cũng phải hết cả 3 tiếng đồng hồ.” Điều đơn giản mà thầy Toản chia sẻ, với tôi cũng chẳng dễ dàng gì, nhưng cuối cùng cũng vào được điểm trường theo giờ dự kiến nhờ có tay lái vững vàng của thầy Toản, người giáo viên đã nhiều năm dạy ở trường vùng cao

         Điểm trường có 3 thầy giáo đang dạy học, thấy chúng tôi đến các thầy khá ngạc nhiên vì không được báo trước. Học sinh đang chăm chú học bài thấy người lạ đến đứng dậy chào bẽn lẽn. Sau màn giới thiệu, các thầy tiếp tục buổi dạy còn chúng tôi đi quanh khu vực trường một vòng. Trước mắt tôi là căn nhà xiêu vẹo nằm chênh vênh bên sườn núi. Đây là lớp học của 18 em nhỏ Điểm trường Tà Moòng-Trường Tiểu học Nậm Chày được phụ huynh góp công , góp sức xây dựng nên. Vách nhà là những tấm gỗ ngắn dài đã cũ kỹ, bạc màu thời gian, mái nhà fibro xi măng thủng lỗ chỗ do dỡ ra lợp lại nhiều lần. Lớp học ngăn thành 2 gian, có 4 tấm bảng đen treo trên vách lớp. Những bộ bàn ghế học sinh đang ngồi học cũng cao thấp khác nhau. Sân trường mới được san gạt khá rộng, nhưng không hề có một công trình phụ trợ nào cho học sinh chơi.

         Người nhiều tuổi nhất tại điểm trường là thầy giáo Lương Văn Lưu. Thầy Lưu sinh năm 1974, quê ở xã Hòa Mạc. Hơn 20 năm theo nghề “gõ đầu trẻ” đi qua biết bao điểm trường nhưng gắn bó với nơi này lâu nhất, đến giờ cũng đã 8 năm. Thầy dạy lớp ghép cho học sinh lớp 1 và lớp 3. Khi chúng tôi đến thầy đang dạy môn Tiếng Việt. Chậm rãi đọc bài cho các em ở lớp 3 tập chép, hết câu thầy lại ngó sang phía 3 em lớp 1 đang tập đánh vần. Mỗi lúc các em đọc to, anh chị lớp 3 cũng lại cùng ngó sang bởi lớp ghép tráo đầu đuôi nhìn và nghe rõ chứ chẳng ngăn cách gì. Thầy Lưu chia sẻ: Ngày mới tới đây trường làm bằng vách nứa, mái gianh, ghế ngồi của học sinh là ống vầu bổ đôi. Nhà ở của chúng tôi cũng cùng cảnh như vậy, thầy và trò khó khăn trăm bề. Ngày đó đi xe máy vào đây cũng khó, thầy đi bộ theo đường tắt từ xã Hòa Mạc vào trường. Tới nơi nhìn xuống chân vắt bám đầy, người lấm lem. Cực nhất là ngày mưa, đã lên tới trường là không thể quay xuống nổi, có khi hết gạo, hết thức ăn toàn phải đến nhà dân vay. Đến nay thì trường cũng không khá hơn là mấy. Đường đi vẫn khó khăn, ngày mưa thì không thể nào xuống trung tâm nổi. Vào những này mùa đông băng giá, sương muối xuống, các thầy quay bạt kín lớp học mới có thể giữ ấm cho các em học tập. Lúc đó cả thầy và trò lọ mọ học trong gian phòng tối om.

Thầy giáo: Lương Văn Lưu đang giờ lên lớp

         Cùng dạy tiểu học tại Phân hiệu Tà Moòng còn có thầy Đặng Ông Hằn, sinh năm 1977. Thầy Hằn hiện đang dạy ghép lớp 2 và lớp 4. Thầy lấy vợ ở Phú Nhuận (Bảo Thắng). Thầy Hằn có thâm niên công tác ở Nậm Chày đã 15 năm. Hơn chục năm công tác ở nơi xa nhà, phân hiệu nào của Nậm Chày thầy cũng từng dạy qua. Thầy tâm sự : “Đến một nơi vất vả như thế này cũng cảm thấy nản, buồn nhất là nhớ nhà, nhớ con. Ở đây chẳng có sóng điện thoại muốn liên lạc về nhà là phải ra hứng sóng, cả điểm trường có vài chỗ bắt được. Tôi treo luôn điện thoại ở đó, phòng khi nhà có việc gì còn biết. Có chuông thì tắt đi nhắn tin, chứ nghe cũng không rõ. Công tác những năm đầu cũng muốn xin chuyển về nơi gần gũi với gia đình hơn nhưng giờ thì nghĩ chuyển đi hay công tác ở đâu cũng vậy chỉ mong ở điểm trường nào thì học sinh của mình cũng có điều kiện học tập, các thầy cô được hỗ trợ, giúp đỡ có cuộc sống tốt hơn mà thôi”.

Thầy giáo: Đặng Ông Hằn hướng dẫn học trò viết chữ

         Ngay sát cạnh 4 lớp tiểu học là lớp mầm non. Lớp mầm non trông kiên cố hơn, vách đóng ván gỗ kín gió, nền lát gạch hoa và có các công trình phụ cho học sinh được xây dựng theo đề án phổ cập trẻ 5 tuổi. Điểm trường này ban đầu vốn do cô Vương Thị Thiết phụ trách nhưng vì cô Thiết có con nhỏ nhà trường tạo điều kiện để cô ra dạy ở điểm trường chính. Một mình thầy Lương Xuân Hiển dạy 15 học sinh mầm non. Thầy Hiển sinh năm 1990 là giáo viên trẻ nhất tại phân hiệu Tà Moòng. Hiển dáng người thư sinh, trông rất hiền. Có kinh nghiệm 6 năm cắm bản tại trường Mầm non Bản Hồ (huyện Sa Pa) nên đến một điểm trường khó khăn với thầy không quá xa lạ. Thầy Hiển có vợ dạy ở Trường Mầm non số 2 Dương Quỳ, cứ nghĩ rằng chuyển về Nậm Chày sẽ gần nhà, gần vợ con nhưng thầy cũng không thể ngờ đường lên Tà Moòng lại khó khăn đến thế. Chuyển sang Nậm Chày được 6 tháng, ban đầu thầy dạy ở điểm Khâm Trên, vừa chuyển xuống Tà Moòng được hai ngày thì thầy lên cơn sốt li bì, khi tôi lên thầy vừa hết sốt, giọng vẫn thều thào: “May mà tôi không co giật đấy. Tôi lo bị sốt rét lắm. Hôm qua mới sang trường chẳng mang theo thuốc thang gì hết. Ốm ở đây thì chẳng biết phải làm sao vì ở gần chẳng có một nhà nào có thuốc ”…

         Hơn 11 giờ trưa học sinh lớp tiểu học tan, các em lớp mầm non cũng ăn xong bữa trưa và chuẩn bị đi ngủ. Lúc này 3 thầy giáo mới xúm tay vào nấu nướng. Sau ngày thứ 2 thì gần như bữa ăn nào cũng vậy, lạc rang, thịt lợn ướp muối và hoa chuối rừng nấu canh là món ăn quen thuộc. Thi thoảng các thầy mua được chuột rừng từ người trong bản là quý hóa lắm. Gian bếp sát ngay lớp học mầm non, với chiếc bếp tự chế được kê bằng gạch và 3 thanh sắt dài. Thầy Hằn vừa nhóm bếp vừa tâm sự: “Giá có bộ bếp ga, nồi cơm điện chắc nấu nướng cũng nhanh hơn. Chúng tôi cũng mong có tủ lạnh để đựng thức ăn nữa, ăn đồ ướp muối mãi chán quá nhưng điện ở đây chắc chẳng tải nổi”. Hơn 12 giờ chúng tôi mới ăn trưa. Bữa trưa ngay trong phòng ngủ của các thầy, cũng là nhà kho của học sinh mầm non được các thầy kê ván cao làm chỗ ngủ. Ở đây từ nhà bếp, chỗ ngủ, công trình phụ các thầy đều dùng nhờ của học sinh mầm non. Thầy Hiển sang lớp học tắt bớt điện để bật tivi xem thời sự. Vừa ăn, vừa ngó xem  tivi - “người bạn quý” của các thầy ở nơi đây. Chỉ có tivi đêm của các thầy mới bớt dài, bớt nhớ nhà và cô đơn. Bạn ngày chỉ bật giờ trưa vì điện từ máy phát điện mini yếu, thường xuyên mắc rác nên điện dùng cũng chập chờn.

         Sau bữa cơm, trời bất chợt đổ mưa, các thầy lo lắng cho chúng tôi trên đường về nên vội vàng chuẩn bị để đưa chúng tôi “xuống núi”. Tạm biệt những người thầy đầy lưu luyến, đường quay xuống còn khó hơn lúc đi lên, mưa ngấm vào đất dần trơn trượt. Mới đi được một đoạn đường ngắn nhìn sang đã chỉ thấy đồi núi và cây, bóng dáng của 3 thầy giáo và điểm trường Tà Moòng đều bị che khuất. Cuộc gặp của ngày hôm nay khiến tôi hiểu hành trang của các thầy lên Tà Moòng ngoài những con chữ còn có cả tình yêu thương lớn dành cho học sinh và chất chứa cả những tâm sự giấu kín của những người thầy.  

Đào Văn Vinh - Phòng GD&ĐT
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner