Võ Lao - Một sắc xuân

Trong cái rét nhẹ cuối đông như mơ hồ, bởi xuân đã về tỏa ấm trên những búp hoa đào chúm chím đợi bung nở sắc hồng, chúng tôi về Võ Lao (Văn Bàn) - vùng đất giàu truyền thống cách mạng năm xưa, nay đang “thay da đổi thịt” từng ngày, vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Xuôi theo Tỉnh lộ 151, bứt ra khỏi Khu Công nghiệp Tằng Loỏng (Bảo Thắng) tua tủa ống khói của hàng chục nhà máy, qua Phú Nhuận, Văn Sơn, hiện ra trước mắt cánh đồng rộng nhất nhì của tỉnh Lào Cai, bao quanh là những ngôi nhà sàn, với rừng cọ, đồi chè, dòng suối mát như dải lụa vấn vít quanh những bản người Tày thơ mộng và yên bình - đó là Võ Lao. Ở Lào Cai quê ta, có lẽ ít nơi nào có cái “đặc sắc” riêng như Võ Lao, đất đai rộng, giao thông huyết mạch thuận lợi, nguồn nước dồi dào, đồng bào cần cù, chịu khó. Chẳng thế mà Võ Lao đã từng một thời là “vựa lúa, bồ thóc” của quê hương Lào Cai thời kháng chiến, hạt gạo Võ Lao đã từng góp công làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, thống nhất đất nước. “Lợi thế là vậy, cuộc sống đồng bào hôm nay không còn đói nữa, nhưng làm sao để Võ Lao thoát nghèo, mới là bài toán cần lời giải của cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây” - Bí thư Đảng ủy xã Võ Lao Hà Văn Thảo suy tư. 

Người dân Võ Lao "đánh thức" đất bằng tăng thêm vụ đông.

Hướng đi đã mở, đó là nghị quyết chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa của Đảng và chính sách hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật của Nhà nước. Đi vào cụ thể, tỉnh Lào Cai còn quy định rõ hỗ trợ mô hình kinh tế trang trại, khuyến khích ứng dụng kỹ thuật cao vào đồng ruộng và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; trồng rừng; chế biến nông sản… được mức hỗ trợ bao nhiêu, thủ tục như thế nào… Vế còn lại là làm thế nào để nghị quyết, chính sách đi vào thực tiễn đời sống, với mục tiêu là xóa nghèo, vươn lên làm giàu, lời giải nằm ở lãnh đạo và từng người dân Võ Lao.

Đi trên con đường bê tông mới mở dẫn ra cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” ở thôn Chiềng, bà con đang chạy đua làm đất để ra Tết là xuống mạ, khi nắng xuân mang hơi ấm về xua tan giá rét. Với Võ Lao hôm nay, nông nghiệp vẫn là “căn cốt” nhưng đã mang luồng sinh khí mới theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, chăn nuôi, trồng rừng… để bắt đất “đẻ” ra tiền, nâng cao mức sống của người dân. “Chúng tôi quy hoạch và khuyến khích bà con canh tác theo cánh đồng một giống, áp dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI- đó là chìa khóa để nâng cao năng suất, chất lượng hạt gạo ở địa phương, nhà báo ạ”- Chủ tịch UBND xã Võ Lao Lương Văn Điệp chia sẻ. 

Ở một vài thửa ruộng cấy sớm, trong nắng xuân, những thân mạ cứng cáp vươn cao trên mặt nước, đón ánh sáng và khí trời Võ Lao, hứa hẹn một mùa bội thu. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội, anh Nguyễn Văn Vệ, cán bộ nông nghiệp xã còn rất trẻ, nhưng am hiểu SRI như một “chuyên gia” thực thụ: Áp dụng SRI, nông dân có thể thu được sản lượng cao hơn từ những giống lúa truyền thống, chứa hàm lượng sắt và prô-tê-in cao hơn các giống lúa lai, vì thế giá bán cao hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và điều quan trọng nhất là “đầu ra” thuận lợi, được người tiêu dùng ưa chuộng, sản phẩm dễ bán. Nghe cán bộ nông nghiệp xã nói càng hiểu thêm công việc làm nông trong thời buổi thị trường, cần phải biết học hỏi, “bám thắt lưng” người tiêu dùng mà cung ứng sản phẩm chứ không thể manh mún, nhỏ lẻ, duy ý chí được.

“Vậy thực tế ở cánh đồng hơn 540 ha, rộng nhất nhì tỉnh, đứng thứ năm ở vùng Tây Bắc này thì sao? - Tôi hỏi. Không đắn đo, Chủ tịch xã Lương Văn Điệp có ngay câu trả lời: Chúng tôi tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con đồng bào thực hiện “cánh đồng một giống” và ứng dụng phương pháp canh tác tiên tiến nhất hiện nay SRI vào đồng ruộng. Đến nay, đã có 250 ha thực hiện canh tác SRI toàn phần và bán phần, năng suất lúa bình quân tăng cao hơn khoảng 15 - 17 tạ/ha, mang lại thu nhập tăng thêm chừng 10 - 12 triệu đồng/ha. Chỉ tính riêng lúa, Võ Lao đạt sản lượng gần 5.000 tấn/năm, không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho địa phương mà còn là nguồn thu nhập ổn định cho nông dân nơi đây.

Tôi nghe chuyện cây lúa ở Võ Lao mà mừng lắm, vì người Võ Lao cần cù, chịu khó đang từng bước đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tạo hiệu quả kinh tế cao hơn từ chính đồng đất quê mình. Nhưng mừng hơn nữa là người Võ Lao đã biết làm vụ ba, biết “quay vòng” đất để tăng nguồn thu. Trước kia, sau vụ gặt, bà con để hoang cho đất mọc cỏ dại, còn bây giờ thì “đánh thức” đất bằng tăng thêm vụ đông, “dưỡng sức” đất bằng tưới nước, bón phân theo khuyến cáo của khuyến nông, để bắt đất quay vòng “đẻ” ra tiền. Sản phẩm rau sạch các loại “made in” Võ Lao đang dần chiếm lĩnh thị trường thị trấn công nghiệp Tằng Loỏng.

Theo con đường bê tông thẳng tắp từ Tỉnh lộ 151 chạy xuyên các thôn Chiềng, Én, Lủ, chúng tôi đến khu quy hoạch thâm canh vụ đông của xã. Trải dài tít tắp, bạt ngàn là ngô nếp, khoai lang ruột vàng và đỗ cô-ve leo xanh ngăn ngắt trong tiết đông se lạnh. “Vì sao lại chọn ba loại cây này để trồng vụ đông” - tôi buột hỏi. “Ngô nếp mang lên phố bán bắp luộc chín cho du khách thập phương, đỗ cô-ve bán cho bếp ăn công nhân Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, còn khoai lang ruột vàng bán cho đơn vị xuất khẩu sang Nhật”- Chủ tịch Điệp lý giải. Thì ra vậy, sản xuất nông nghiệp luôn phải gắn với đầu ra, có vậy mới hiệu quả kinh tế và bền vững. Ngay như cây ngô, Võ Lao không trồng giống ngô lai hạt đỏ để bán hạt khô như nhiều nơi khác mà trồng thuần ngô nếp, bẻ bắp mang lên phố đổ buôn 3.000 đồng/bắp, tính ra cao gấp 3 - 4 lần bán ngô hạt khô. Thấy rõ cái lợi, bà con các thôn Chiềng, Bất, Là, Én, Lủ nằm cạnh Tỉnh lộ 151, tích cực làm vụ đông. Bây giờ, ngoài hai vụ lúa, người Võ Lao có thêm tiền từ 390 ha cây vụ đông. Đó quả là một bước chuyển trong nhận thức và lề lối làm ăn của bà con các dân tộc nơi đây. “Nhờ làm vụ đông, nhiều hộ đã có thêm thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng, góp phần đẩy nhanh xóa nghèo ở địa phương”- Chủ tịch Điệp phấn khởi. Thế nhưng, Võ Lao còn hàng chục thôn vùng cao, vùng sâu, đất canh tác nông nghiệp rất ít, nguồn nước khó khăn thì làm gì để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân? Lời giải là trồng rừng lấy gỗ và chăn nuôi. Ví như ở các thôn Ngầu 1, Ngầu 2, Bất 3, Vinh 2, Én 1… bà con đưa cây quế, mỡ, xoan, trẩu, bồ đề lên đồi cao tạo nguồn thu lâu dài. Chỉ tính riêng ba năm gần đây, Võ Lao đã có thêm hơn 200 ha rừng trồng, phủ xanh những quả đồi trọc, tôn thêm vẻ đẹp cảnh quan sinh thái của vùng quê đang đổi thay từng ngày.

Khu du lịch sinh thái Lâm viên Thủy Hoa thu hút khách du lịch.

Ngày xuân, đi giữa quê hương Võ Lao xanh mướt ruộng, vườn, rừng với hai dòng suối mát bao quanh cánh đồng Chiềng rộng lớn càng thêm yêu vùng đất trù phú và con người hồn hậu nơi đây. Nằm trên doi đất cao, cạnh suối Nậm Mả nổi bật là Khu du lịch Lâm viên Thủy Hoa của HTX Tây Bắc, do các thành viên chung sức đồng lòng khơi mở tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp ở vùng đất sơn thủy hữu tình, ẩn chứa bản sắc văn hóa dân tộc Tày đậm nét. Anh Hà Văn Hải, Giám đốc HTX Tây Bắc hồ hởi nói về kiến trúc nhà sàn, vật dụng sinh hoạt và “khắp” Nôm của người Tày ở Võ Lao. Nhận thấy nét văn hóa đặc trưng và vẻ đẹp thiên nhiên ít có của đất và người Võ Lao, lại thuận tiện giao thông, ý tưởng bật ra là làm sao để lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa, biến “di sản văn hóa” thành tài sản, nghĩa là hút khách du lịch đến khám phá, trải nghiệm đời sống và thưởng thức văn hóa người Tày nơi đây, mở hướng phát triển du lịch nông nghiệp ở vùng quê này. Nghĩ là làm, anh Hải đã kêu gọi 7 thành viên chung vốn, công sức và trí tuệ xây dựng Khu du lịch Lâm viên Thủy Hoa, rộng vài ha. Nét nổi bật thu hút du khách bốn phương đến Lâm viên Thủy Hoa là không gian đồng quê, với những mái nhà sàn lợp cọ, vật dụng sinh hoạt của đồng bào Tày, đồng lúa mênh mông xanh ngút mắt và không khí trong lành, cây xanh mướt mát bao quanh, hoa các loại nở tưng bừng khoe sắc thắm rực rỡ, huyền ảo. “Chúng tôi chinh phục du khách bằng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và bản sắc văn hóa của cha ông”- anh Hải nói.

Mới đưa vào hoạt động từ vài năm nay, nhưng Lâm viên Thủy Hoa đã cuốn hút và chinh phục hàng nghìn lượt du khách từ thành phố Lào Cai, thị trấn Phố Lu, Khu Công nghiệp Tằng Loỏng và huyện Văn Bàn tới khám phá văn hóa, trải nghiệm lao động nông nghiệp bản địa và thưởng thức ẩm thực truyền thống người Tày ở miền quê Võ Lao.

Vẫn còn vương cái rét lạnh mơ hồ, nhưng nắng xuân đã tràn tới, rải ánh vàng trên ruộng lúa, vườn khoai và những cánh rừng xanh ngát bao bọc quanh thị tứ Võ Lao đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Tôi thả bước trên Tỉnh lộ 151 chạy xuyên thị tứ bình yên trong gió xuân nhẹ bay những lá cờ Tổ quốc trên mỗi căn nhà, hòa cùng sắc hồng hoa đào đón xuân về. Xuân này, Võ Lao đón niềm vui lớn là xã thứ 6 của huyện Văn Bàn đạt chuẩn nông thôn mới.

QUỐC HỒNG

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner