Giáo dục & Đào tạo Văn Bàn sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)
Lượt xem: 506

         Những năm qua, với sự tham mưu tích cực của Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện, sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Công tác Giáo dục & Đào tạo trên địa bàn huyện đã có sự phát triển mạnh mẽ. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, đội ngũ không ngừng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, nhiều hoạt động giáo dục được triển khai, đổi mới mạnh mẽ về phương pháp và cách thức tổ chức dạy học, thực hiện triệt để phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục đối với cấp xã và các cơ sở giáo dục, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội

         Ngay sau khi Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN" được triển khai, đặt yêu cầu nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục trong tình mới; nắm vững những quan điểm, mục tiêu và các giải pháp của Đảng về công tác giáo dục. Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và Ngành Giáo dục từ huyện đến cơ sở tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên các đơn vị trường học trên địa bàn huyện. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn chỉ đạo, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch về triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; các địa phương, đơn vị trường học trên địa bàn huyện căn cứ để xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị, nhằm đảm bảo thực hiện đạt kết quả nhiệm vụ giáo dục được giao. …Sau 7 năm chỉ đạo, thực hiện nghị quyết 29-NQ/TW, nền giáo dục Văn Bàn đã có những bước phát triển mạnh mẽ về cả chất và lượng.

         Quy mô, mạng lưới trường lớp được giữ vững đảm bảo tất cả các xã, thị trấn đều có các trường học từ mầm non đến trung học cơ sở, năm 2013 toàn huyện có 93 cơ sở giáo dục, đến năm 2019 còn 86 cơ sở giáo dục, giảm 07 trường tiểu học do sáp nhập. 100% các cơ sở giáo dục có chi bộ đảng độc lập để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng về công tác giáo dục.

         Quy mô và chất lượng đội ngũ CBQL, giáo viên các ngành học, bậc học tiếp tục được củng cố theo hướng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo. Toàn huyện có 1849 CBQL, giáo viên, nhân viên; trong đó, đội ngũ CBQL giáo dục có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 5,8% (108 người). 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó có 227 người có trình độ trung cấp chiếm 11,35%, 502 người có trình độ Cao đẳng chiếm 25,1%, có 1259 người có trình độ Đại học chiếm 62,95%, 33 người có trình độ Thạc sỹ chiếm 1,65%. Việc thực hiện đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn huyện đã cơ bản thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, huy động sự đóng góp của người học vì vậy trong thời gian qua đã có nhiều cán bộ công chức, viên chức được tham gia học tập nâng cao trình độ về mọi mặt với chủ trương cơ quan tạo điều kiện về thời gian, người học tự túc kinh phí để tham gia học tập, vì vậy hằng năm đều có một số lượng không nhỏ cán bộ công chức, viên chức tham gia học tập và đào tạo ở các loại hình góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức viên chức đang công tác.

Hội nghị ký giao ước thi đua đầu năm học

         Công tác bồi dưỡng, sử dụng và quản lý viên chức, đánh giá, bổ nhiệm, thi đua, khen thưởng, quy hoạch cán bộ quản lý, chế độ chính sách đối với người lao động được thực hiện đúng quy định của Nhà nước. 100% các đơn vị trường học và cơ quan Phòng GD&ĐT thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp theo tinh thần của Nghị định 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ gắn với  thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, triển khai thực hiện 10 lời hứa Nhà giáo Lào Cai làm theo lời Bác, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục ký cam kết thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, đạo đức công vụ và 10 lời hứa Nhà giáo Lào Cai làm theo lời Bác.

         Ngành giáo dục đã chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, giáo viên, học sinh qua việc tổ chức quán triệt, triển khai, học tập các chủ trương, chính sách của Đảng về giáo dục và đào tạo, quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp học, bậc học. Hằng năm, Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì phối hợp tổ chức mở các lớp bồi dưỡng về chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Đồng chí Phạm Thành Long - Phó trưởng phòng LLCT-LSĐ; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai nội dung tại lớp bổi dưỡng

         Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các đơn vị trường học theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Hết năm 2019, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã được giao tự chủ về tài chính. 100% các đơn vị trường học đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học. Triển khai thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và quản lý các cơ sở giáo dục thông qua hệ thống thư điện tử để trao đổi, điều hành công việc, thực hiện 3 công khai theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GD &ĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đến nay đa số các cơ sở giáo dục đã có Website của trường để thực hiện trao đổi thông tin điều hành và thực hiện công khai các lĩnh vực về công tác giáo dục để cha mẹ học sinh và người dân được biết tham gia quản lý và giám sát hoạt động giáo dục trong các nhà trường.

         Toàn huyện đã triển khai khá đồng bộ chủ trương đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông, thay sách giáo khoa và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp giáo dục mới cho cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn kiến thức, kỹ năng nhằm phát triển tư duy sáng tạo, tích cực của học sinh từng bước đáp ứng yêu cầu của xã hội, từ đó thực hiện các điều kiện phân luồng học sinh cho phù hợp với năng lực, sở trường.

Buổi Hội thảo chuyên đề

         Hệ thống các cơ sở giáo dục được đầu tư các trang thiết bị, máy tính phục vụ dạy ngoại ngữ, tin học. Đến nay, 86/86 trường học trong toàn huyện đã được kết nối mạng Internet; Các trường vùng thuận lợi đã tiến hành tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh theo hình thức xã hội hóa; năm học 2019- 2020, ở cấp Tiểu học có 28/31 trường dạy Tin học; 30/31 trường dạy Ngoại ngữ (Tiếng Anh) cho học sinh theo chương trình quy định của Bộ GD&ĐT (Trong đó có 15 đơn vị trường thực hiện tiếng Anh 4 tiết/tuần, 15 trường dạy Tiếng Anh 2 tiết/tuần; 10 trường dạy Tiếng Anh Phonic; 04 trường tăng cường Tiếng Anh với người nước ngoài. 100% các trường THCS và THPT tổ chức dạy học ngoại ngữ và Tin học cho học sinh. Đến nay, 100% các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đăng kí xây dựng thực hiện mô hình trường học gắn với thực tiễn, trong đó tập trung xây dựng các mô hình trường học sinh thái gắn với trồng trọt chăn nuôi; 02 trường xây dựng trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng, 01 trường học năng động, ... Toàn huyện đã được đầu tư xây dựng 16 vườn rau công nghệ cao để cho học sinh được trải nghiệm học tập thông qua dạy học trên mô hình. Các hoạt động giáo dục gắn với mô hình đã tạo được hứng thú cho học sinh khi tham gia các hoạt động học tập, góp phần giáo dục kĩ năng sống, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, học sinh được trải nghiệm thực tế và được làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch để sử dụng. Việc tổ chức tiển khai mô hình trường học gắn với thực tiễn trên địa bàn toàn huyện đã góp phần định hướng và giáo dục nghề nghiệp cho học sinh thực hiện có hiệu quả nguyên lý giáo dục đó là học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và xã hội trên cơ sở đó học sinh thích ứng với các điều kiện đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Một số hình ảnh về trường học gắn với thực tiễn

Huyện đã được công nhận phổ cập giáo dục Tiểu học xóa mù chữ năm 1998; năm 2004 đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi; năm 2006 công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; năm 2013 được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi. Thực hiện đúng kế hoạch, lộ trình đề ra về PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng nâng lên, 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi được đánh giá chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ trẻ đến trường tăng nhanh trong các năm. Duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục các cấp học từ năm 2013 đến nay, trong đó năm 2019 duy trì vững chắc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ độ 3, phổ cập THCS mức độ 2. Đến nay toàn huyện đã có 71/85 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia đạt 83,5% tổng số trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia, vượt 8,5% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Bàn lần thứ XX, trong đó Mầm non 24/27 trường đạt 88,9% tổng số trường mầm non, Tiểu học có 26/29 trường đạt 89,7% tổng số trường tiểu học, THCS có 19/24 trường đạt 79,2% tổng số trường THCS, có 2/5 đạt 40% tổng số trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Có 20 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

 

Quang cảnh Lễ đón Bằng công nhận trường học đạt chuẩn Quốc gia

          Phong trào xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh, nâng cao ý thức học tập cho mọi người dân, nhất là việc xây dựng mô hình xã hội học tập. Hiện nay trên địa bàn huyện có 23 Trung tâm học tập cộng đồng gắn với 23 xã, thị trấn. Các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động tương đối tích cực, hằng năm xây dựng kế hoạch hoạt động để tổ chức triển khai nhiệm vụ giáo dục suốt đời cho người lao động trên địa bàn xã, là nơi để tổ chức các lớp tuyên truyền pháp luật, bồi dưỡng và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt các phong trào cộng đồng học tập, dòng họ học tập, gia đình học tập. Việc thực hiện xã hội hóa giáo dục là thế mạnh của huyện, thông qua các chủ trương về xã hội hóa giáo dục được Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn, UBND huyện đã cụ thể hóa những nội dung để giúp chính quyền cấp xã và các cơ sở giáo dục huy động các nguồn lực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, hằng năm việc huy động xã hội hóa bằng ngày công, tiền mặt, vật liệu xây dựng, các đồ dùng vật dụng và trang thiết bị để phục vụ cho học sinh trị giá hàng chục tỷ đồng, bên cạnh đó nhân dân còn hiến đất, nhường đất để xây dựng trường học tạo điều kiện thuận tiện cho con em đến trường. Trong những năm qua, từ nguồn huy động xã hội hóa giáo dục đã giúp cho việc tôn tạo, tu bổ, xây dựng các trường học ngày một khang trang hơn, học sinh đến trường được chăm sóc đầy đủ hơn tạo điểu kiện để các trường học duy trì tốt số lượng, nâng cao chất lượng toàn diện cho học sinh         Hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục ở các cấp học, bậc học được đổi mới căn bản, bảo đảm trung thực, khách quan theo hướng chú trọng đánh giá hoạt động trên lớp, hồ sơ học tập, phẩm chất và năng lực của học sinh... kết hợp với đánh giá trong quá trình dạy học, giáo dục và tổng kết cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và nhận xét, góp ý của học sinh. Coi trọng đánh giá để giúp đỡ, động viên sự cố gắng, tiến bộ của học sinh trong cả quá trình dạy học. Việc đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT được triển khai nghiêm túc, tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT tăng qua các năm. Công các kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo luôn được quan tâm chú trọng, thực hiện đổi mới về hình thức và nội dung đánh giá, trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi tập thể, cá nhân trong tổ chức thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với mục tiêu thực hiện chất lượng giáo dục thực chất nên trong công tác chỉ đạo, quản lý về chất lượng giáo dục luôn coi trọng việc đánh giá đúng, sát đối tượng học sinh thông qua các hoạt động đánh giá theo phương pháp truyền thống là cho điểm và kết hợp đánh giá bằng nhận xét đã làm giảm áp lực về điểm số đối với học sinh giúp cho học sinh được nhẹ nhàng không quá chú trọng về việc đánh giá bằng điểm số. 100% các trường học trên địa bàn tự tổ chức đánh giá mức độ đạt được theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT đối với các cấp học, trên cơ sở tự đánh giá các đơn vị xây dựng kế hoạch để hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt. Kết quả đến cuối năm 2019 đã có 48/85 trường học được đánh giá chất lượng giáo dục, trong đó Mầm non 18 trường, Tiểu học 14 trường, THCS 15 trường.


          Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29, thời gian tới, Huyện ủy Văn Bàn đang tiếp tục chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp đối với việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29, nhất là tập trung vào các mục tiêu phấn đấu đến năm 2020. Cùng với đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tính tất yếu phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả, thực chất việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, việc triển khai mô hình trường học mới và tổ chức đánh giá, rút ra bài học chuẩn bị cho việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới thực sự hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Lê Dũng Mạnh, Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

Lê Dũng Mạnh, Ban Tuyên giáo Huyện ủy
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner