Người giữ lửa cho văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Dao
Lượt xem: 223

Văn hóa phi vật thể là một bộ phận quan trọng trong đời sống của mỗi con người. Đặc biệt là văn hóa riêng của từng dân tộc, bởi nó tạo nên sự đặc trưng, độc đáo khác biệt cho dân tộc đó. Khi xã hội ngày càng phát triển, văn hóa hiện đại bùng nổ, các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một, biến mất thì việc bảo tồn và phát huy chúng là vô cùng cấp bách. Không nằm ngoài guồng quay đó Nậm Dạng, với hơn 90% dân số là người Dao thì văn hóa tinh thần đặc trưng dân tộc Dao chiếm vị trí độc tôn. Khi cuộc sống công nghệ đang dần phá vỡ các lớp vỏ văn hóa tộc người. Thì già làng chính là những người quan trọng nhất luôn gìn giữ, thắp và truyền lửa cho các thế hệ trẻ học tập gìn giữ, phát huy văn hóa của dân tộc mình. Tại Nậm Dạng đó là cụ Triệu Nguyên Minh.

Cụ Triệu Nguyên Minh sinh năm 1934, năm nay 83 tuổi là một già làng được thế hệ trẻ, bà con dân bản quý trọng. Cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất Nậm Dạng, cụ thông thuộc từ con người đến thiên nhiên nơi đây, am hiểu sâu rộng các tri thức về phong tục, tập quán  dân tộc Dao, các tri thức về canh tác nông nghiệp (mở mương dẫn nước, đào ruộng...), đồng thời cụ còn là thầy cúng, người dạy chữ của làng bản. 

Cụ Triệu Nguyên Minh bên những trang sách.

Theo phong tục, tập quán từ xưa của người Dao, con trai ngoài việc là trụ cột gia đình, đứng đầu làm ruộng, làm nương rẫy, còn phải biết biết chữ Nôm Dao, biết cúng các bài cúng cầu may, cầu mùa, bài cúng cấp sắc 3 đèn, 7 đèn của từng dòng họ... Với tinh thần đó, từ bé cụ đã được bố mẹ động viên, tạo điều kiện cho học chữ Nôm Dao và các phong tục tập quán của người Dao, trước phục vụ cho gia đình, làng xóm sau là truyền dạy cho con cháu.

Sau hơn 10 năm học tập (từ năm 1951 - 1964) chữ viết và các loại hình thờ cúng từ nhiều thầy khác nhau, với kiến thức phong phú, chắt lọc kỹ càng qua chứng kiến thực tế toàn bộ các phong tục, tập quán của dân tộc mình như cưới xin, ma chay, lễ hội, tín ngưỡng, các bài hát, điệu múa và các tri thức dân gian trong lao động sản xuất, kinh nghiệm làm nhà ở, các bài thuốc chữa bệnh... Năm 1964 cụ bắt đầu thực hành truyền dạy những tri thức mình tiếp nhận được cho mọi người. Qua hơn 50 năm cụ đã truyền dạy cho trên 500 học trò trong và ngoài  tỉnh, trong đó học trò tiêu biểu có: Triệu Kim Hin sinh năm 1970 tại xã Dần Thàng (huyện Văn Bàn)  Phùng Kim Định sinh năm 1963 Thôn Thượng, xã Nậm Dạng (huyện Văn Bàn).

Là người gương mẫu, luôn đi đầu cũng như vận động bà con nhân dân nghiêm túc thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bên cạnh đó sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của các giá trị văn hóa tộc người, cụ đã nỗ lực hết mình, đưa ra nhiều hình thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Dao. Tâm huyết với công việc truyền dạy chữ Nôm Dao, cụ mở lớp truyền dạy. Cuối năm 1990 lớp đầu tiên được mở dạy chữ cho con cháu trong xã với thời gian hơn một tháng có 45 học trò. Từ năm 2005 đến nay cụ tiếp tục mở thêm 9 lớp học, có 254 học trò đến học cụ thể như: năm 2005 có 50 học trò; năm 2009 có 27 học trò; năm 2010 có 28 học trò; năm 2011 có 27 học trò; năm 2012 có 20 học trò; năm 2013 có 27 học trò; năm 2014 có 25 học trò; năm 2015 có 30 học trò; năm 2016 có 20 học trò. Các lớp học đều được mở tại nhà, có chỗ ăn và nghỉ cho học trò. Học trò đến học mang theo gạo, giấy, bút, còn sách học do cụ t chép và soạn. Có nhiều người từ các xã khác đến học như: Thẩm Dương, Dần Thàng, Nậm Tha, Tân An, Sơn Thủy (huyện Văn Bàn), xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng). Để đọc thông, viết thạo, thực hành được các bài cúng phải theo học 2 đến 3 năm liên tục. Trong các khóa học của cụ, có nhiều học trò rất xuất sắc, tiếp thu nhanh, nhớ được mặt chữ và hiểu được nghĩa của từng từ và thực hành tốt.


Bảng đen, phấn trắng - Nơi cụ dạy các học trò

Bên cạnh việc tự biên soạn sách phục vụ cho giảng dạy, cụ còn ghi chép lại đầy đủ các cuốn sách cổ từ cha ông để lại về các bài hát, các phong tục lễ tết, ma chay, cưới xin và các mối quan hệ dòng họ, cộng đồng, làng xóm của dân tộc Dao... Một số loại sách rất có giá trị như Thông sâu dùng để xem ngày tốt, xấu; Sài dung sâu, Ì chía sâu, Thính sính kho dùng trong đám cấp sắc. Sau ghi chép lưu giữ cụ thực hành và trực tiếp hướng dẫn hướng dẫn thực hành, truyền dạy chữ Nôm Dao, hướng dẫn học trò xem sách chọn ngày làm nhà, kết hôn, làm chuồng gia súc, gia cầm...


Những tri thức đã học và tích lũy cả đời, được cụ ghi chép cẩn thận

gìn giữ cho thế hệ sau


Cụ, m
ột người am hiểu văn hóa của dân tộc mình, trước đó là một cán bộ Y tế xã có trách nhiệm, có uy tín  cao trong cộng đồng, tuy  học chữ, học các bài cúng của người Dao song cụ luôn thường xuyên vận động anh em, họ hàng, người dân trong làng, trong xã không mê tín dị đoan, không buôn thần bán thánh, khi có người ốm đau phải đưa đi khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế, không dùng cúng bói để chữa bệnh. Cũng nhờ sự tuyên truyền đó của cụ mà bà con thay đổi nhận thức về việc khám chữa bệnh, giữ gìn sức khỏe, đảm bảo lao động sản xuất, nâng cao đời sống.


Thành tích của cụ.

Với những đóng góp có ý nghĩa to lớn trong việc gìn giữ và phát triển văn hóa của người Dao, cụ Triệu Nguyên Minh đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử tặng Kỷ niệm chương Vì sự phát triển các dân tộc (theo Quyết định số 92 ngày 26/4/2012). Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn tặng Giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (theo Quyết định số 775/QĐ-UBND ngày 05/12/2012). Công nhận những đóng góp của cụ.

Vũ Thị Thanh Huyền - UBND xã Nậm Dạng






Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner