Bộ Y tế ban hành giá dịch vụ y tế mới thay thế Thông tư 37
Lượt xem: 211

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB BHYT trong một số trường hợp.

Thông tư 15/2018/TT-BYT được ban hành thay thế Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC (ngày 29/10/2015) của liên bộ Y tế- Tài chính, chính thức có hiệu lực từ 15/7/2018, áp dụng đối với các cơ sở y tế, đơn vị, tổ chức và cá nhân có tham gia vào quá trình KCB và thanh toán, quyết toán chi phí KCB theo chế độ BHYT.

Theo đó, cơ cấu giá DVYT trong Thông tư 15 vẫn giữ như quy định tại Thông tư 37, bao gồm: Chi phí trực tiếp, tiền lương, phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, điều chỉnh giá của dịch vụ khám bệnh, dịch vụ ngày giường bệnh, 1.903 DVKT và xét nghiệm đã được quy định tại Thông tư 37; đồng thời bổ sung ghi chú và điều chỉnh giá của 60 DVKT được quy định tại Thông tư 50/2014/TT-BYT.

Cụ thể, so với Thông tư 37, giá dịch vụ khám bệnh tại Thông tư 15 được điều chỉnh giảm tối đa 5.900 đồng tại tất cả các hạng BV, như: Giá khám bệnh tại BV hạng I và BV hạng đặc biệt là 33.100 đồng, hạng II là 29.600 đồng, hạng III là 26.200 đồng, hạng IV và trạm y tế xã là 23.300 đồng. Trường hợp hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca, chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở KCB) là 200.000 đồng.

Thông tư 15 cũng hướng dẫn các cơ sở y tế phải điều phối, bố trí nhân lực, số bàn khám theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng khám bệnh; đồng thời điều chỉnh tăng định mức số lượt khám/bàn khám/ngày. Theo đó, từ lượt khám 66 của một bàn khám/ngày, cơ quan BHXH sẽ chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh. Trong thời gian tối đa một quý, nếu cơ sở y tế vẫn còn có bàn khám khám trên 65 lượt/ngày, thì cơ quan BHXH không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó.

Riêng giá dịch vụ ngày giường bệnh được điều chỉnh tăng với một số loại giường, như: Điều trị hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng hoặc ghép tủy hoặc ghép tế bào gốc tại BV hạng đặc biệt; hồi sức cấp cứu tạị BV hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III; giường bệnh nội khoa loại 4... Giá ngày dịch vụ giường bệnh còn lại được điều chỉnh giảm, nhưng với biên độ rất nhỏ (từ 2-14.000 đồng).

Trước đó, một trong các lý do BHXH Việt Nam đưa ra trong kiến nghị sửa đổi Thông tư 37 là tiền ngày giường bệnh bất hợp lý trong cơ cấu giá, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Theo kết quả tổng hợp, có những cơ sở KCB, tiền ngày giường bệnh lên tới 60-70% tổng chi phí KCB BHYT. Do vậy, trong quá trình soạn thảo Thông tư 15, dựa trên khảo sát của mình, BHXH Việt Nam đề nghị mức giá giường bệnh tại các hạng BV nên được xây dựng bằng 70% giá của Thông tư 37.

Với các DVKT và xét nghiệm, Thông tư 15 điều chỉnh giá giảm với nhiều dịch vụ chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, lại điều chỉnh tăng định mức tính giá lên 120% so với Thông tư 37 đối với các dịch vụ, như: X-Quang, CT, MRI, siêu âm và nội soi tai mũi họng. Cụ thể, định mức tính giá (số ca/máy/ngày làm việc 8 giờ) cho dịch vụ siêu âm tăng từ 40 lên 48 ca; chụp X-Quang thường, chụp X-Quang số hóa từ 48 lên 58 ca; chụp CT-Scanner đến 32 dãy từ 24 lên 29 ca; chụp cộng hưởng từ (MRI) từ 16 lên 19 ca.

Trong đó, số ca thực hiện theo định mức được tính 100% biểu giá xây dựng. Còn với số ca lớn hơn số ca tối đa này, cơ quan BHXH thanh toán theo mức giá không bao gồm chi phí tiền lương, với mức giá thanh toán cụ thể như sau: Dịch vụ siêu âm (chẩn đoán) bằng 55% mức giá quy định; chụp X-Quang thường và chụp X-Quang số hóa bằng 85% mức giá quy định; chụp CT-Scanner đến 32 dãy bằng 95% mức giá quy định; chụp cộng hưởng từ (MRI) bằng 97% mức giá quy định.

Thông tư 15 nêu rõ, định mức kinh tế kỹ thuật là cơ sở để xây dựng giá dịch vụ KCB, không sử dụng làm căn cứ để thanh toán đối với từng dịch vụ KCB cụ thể (trừ một số trường hợp đặc thù về tiền ngày giường bệnh hằng quý quy định tại Khoản 16, Điều 6 và dịch vụ chẩn đoán hình ảnh quy định tại Khoản 8, Điều 7 của Thông tư này). Trong quá trình thực hiện, nếu có các định mức chưa phù hợp, các đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Y tế để xem xét, điều chỉnh định mức và giá cho phù hợp.

Đối với người bệnh đang điều trị tại cơ sở KCB trước thời điểm Thông tư có hiệu lực hoặc ra viện, kết thúc đợt điều trị ngoại trú sau thời điểm Thông tư có hiệu lực, sẽ tiếp tục được áp dụng mức giá theo quy định của cấp có thẩm quyền trước thời điểm thực hiện mức giá theo quy định tại Thông tư này cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú.

Hà Toàn (Tổng hợp) - Theo Báo Bảo hiểm xã hội
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner