Làm việc với Đoàn khảo sát của Tổ chức Phát triển Hà Lan
Lượt xem: 212
Thực hiện đề xuất hợp tác đối tác
“phát triển hệ thống thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm Quế
nhằm tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ tỉnh Lào Cai do Tổ chức Phát triển Hà
Lan tại Việt Nam (SNV Việt Nam) và Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp
tỉnh Lào Cai.
Ngày 03/10/2019 tại Phòng họp số 2 -
Hội trường huyện Văn Bàn
các cơ quan chuyên môn làm việc với Đoàn khảo sát của Tổ chức Phát triển Hà Lan. Về phía huyện Văn Bàn có Đồng chí Đỗ
Đình Duyền - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, đồng chí Lý Văn Xuân - Giám đốc
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, đồng chí Chu Việt Hòa - Chuyên viên Phòng
Nông nghiệp và PTNT, đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến - Chuyên viên Phòng Lao động
Thương binh và Xã hội; đại diện Đoàn khảo sát của Tổ chức Phát triển Hà Lan có
ông Nguyễn Hữu Hiếu - quản lý dự án, ông Nguyễn Đức Tố Lưu, tư vấn chuỗi giá
trị. Tại buổi làm việc đã trao đổi về thực trạng quản lý sản xuất, kinh doanh
và tiêu thụ cây Quế trên địa bàn huyện Văn Bàn.
Ảnh quang cảnh tại buổi làm việc
Tổng diện tích trồng Quế toàn huyện khoảng trên 5.000 ha, mỗi
năm khai thác gần 300 - 500 tấn vỏ, chất lượng Quế thuộc hàng loại tốt do có
nguồn gốc chủ yếu từ Văn Yên - Yên Bái một trong những nơi có chất lượng quế
tốt nhất Việt Nam. Quế là cây trồng truyền thống của đồng bào Dao, tày tập
trung chủ yếu tại xã Nậm Tha, Tân An, Nậm Dạng, …. Cây Quế không những có giá
trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ
đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các
nguồn gen quý của cây bản địa, đồng thời góp phần quan trọng giúp nhiều hộ đồng
bào dân tộc xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu; nhiều hộ thu hàng trăm
triệu đồng mỗi năm từ rừng Quế, hàng ngàn gia đình có cuộc sống ổn định và trở
nên giàu có nhờ cây Quế. So với nhiều cây trồng khác,
cây Quế đã mang lại cho người dân một nguồn thu lớn và ổn định. Hiện nay, thân,
cành, lá đều bán được với giá cao. Vỏ Quế khô đang được các cơ sở chế biến thu
mua với giá từ 55.000 - 60.000 đ/kg, quế tươi bào sáo 23.000 đ/kg và các sản
phẩm phụ như quế vụn cũng bán được 45.000 đ/kg còn lá, cành quế bán cho các cơ
sở chế biến tinh dầu với giá từ 1.300 - 1.500 đ/kg. Thân quế sau khi bóc
vỏ có đường kính từ 12 cm trở lên bán cho các cơ sở chế biến gỗ làm bao bì với
giá từ 1,3-1,5 triệu/m3.
Vương
Thị Thảo - VP.HĐND&UBND
Vương Thị Thảo - VP.HĐND&UBND
04/10/2019