Trách nhiệm cao hơn nữa trong chăm sóc sức khỏe nhân dân
Lượt xem: 219

Ngày 14/6, kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ 18. Các đại biểu QH làm việc tại hội trường, tiếp tục phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng. Các thành viên Chính phủ đã trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn nội dung liên quan.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.


Ðại biểu Quốc hội thành phố Ðà Nẵng chất vấn Bộ trưởng Y tế.

Phát triển du lịch bền vững

Mở đầu buổi sáng, tiếp tục phiên chất vấn đối với Bộ trưởng VHTTDL, tham gia trả lời tranh luận của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) về vấn đề khu du lịch quốc gia Sơn Trà liên quan trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho rằng, Chính phủ không để Ðà Nẵng tự quyết định về khu du lịch Sơn Trà, bởi nếu Chính phủ để Ðà Nẵng tự quyết thì đã không có việc bàn về quy hoạch, việc trao đổi cụ thể về những vấn đề liên quan khác. Trước đây, vì chưa có quy hoạch du lịch, cho nên Ðà Nẵng đã chủ động theo thẩm quyền của mình cấp phép các dự án với nhà đầu tư. Bây giờ, khi có quyết định khác ảnh hưởng nhà đầu tư thì Ðà Nẵng cần chủ động làm việc với các nhà đầu tư. Khi Ðà Nẵng chủ động vào cuộc thì sẽ tìm được giải pháp, tạo được sự đồng thuận. Cuối cùng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định vấn đề này và trên tinh thần phát triển du lịch phải bền vững.

Trả lời chất vấn về quản lý, bảo vệ, khai thác, trùng tu bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa mà các đại biểu: Ðiểu Huỳnh Sang (Bình Phước); Phan Thị Mỹ Dung (Long An) và một số đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện nay nước ta có hơn 3.329 di tích đã được xếp hạng quốc gia, 85 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt…; di sản văn hóa ở nước ta có số lượng rất lớn và đây là tài sản rất lớn của quốc gia và đất nước. Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Trách nhiệm quản lý nhà nước là của Bộ VHTTDL, và trong những năm qua đã làm khá tốt, đặc biệt công tác kiểm kê về xếp hạng. Nhưng vấn đề bảo tồn, tôn tạo, phát huy vẫn còn những hạn chế.

Phát biểu ý kiến kết thúc chất vấn đối với Bộ trưởng VHTTDL, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, xây dựng. Các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp để khắc phục, trong đó tập trung rà soát, sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm cấp phép biểu diễn nghệ thuật, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phù hợp với thực tiễn; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ thuật. Có biện pháp cụ thể trong việc sử dụng có hiệu quả các công trình văn hóa, thể thao...

Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong hoạt động tổ chức lễ hội. Sớm tham mưu trình Chính phủ ban hành văn bản về quản lý và tổ chức lễ hội, nghi thức, nghi lễ tổ chức hội nghị ngay trong năm 2017. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong các hoạt động văn hóa, đặc biệt là việc tổ chức lễ hội, hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, làm tốt công tác quản lý, hướng dẫn du lịch, bảo đảm hiệu quả, an ninh, an toàn. Chú trọng việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và quản lý cũng như tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch phát triển du lịch… Ðối với quy hoạch du lịch bán đảo Sơn Trà, trên cơ sở cân nhắc mọi mặt, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sớm có giải pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật và quy hoạch phát triển chung của cả nước để cử tri, nhân dân Ðà Nẵng và cả nước yên tâm.

Chú trọng chất lượng khám, chữa bệnh

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên); Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) và một số đại biểu nêu vấn đề: Thời gian qua, tình trạng lạm dụng, lợi dụng, trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT) có xu hướng ngày càng gia tăng. Một số cơ sở y tế có những biểu hiện tiếp thị trong khám, chữa bệnh, xuất hiện tình trạng người có bảo hiểm đi khám, chữa bệnh nhiều lần trong ngày, trong tuần, trong tháng để lấy thuốc. Cơ sở khám, chữa bệnh tăng chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X-quang, điều này làm tăng chi phí khám, chữa bệnh, đồng thời gây quá tải tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh và gây bội chi quỹ BHYT. Các đại biểu đề nghị, Bộ Y tế có biện pháp mạnh nào để chấm dứt tình trạng này ?

Giải đáp nội dung nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Bộ vừa tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát ở các địa phương và đơn vị trực thuộc y tế về bảo hiểm xã hội (BHXH) và BHYT, thấy có tình trạng lạm dụng từ hai phía, một là từ phía cơ quan y tế, hai là người dân. Việc thông tuyến đã khiến một số người dân lạm dụng đi khám rất nhiều, có những người khám từ 20 đến 30 lần, sáng đi khám, chiều lại đi khám, khám ở huyện này xong lại sang huyện khác khám... Ðối với các cơ sở y tế, do cơ chế tự chủ tài chính cho nên muốn tăng nguồn thu từ kỹ thuật xét nghiệm, từ dịch vụ y tế, kéo dài thời gian nằm viện hoặc chưa thật sự cần thiết nhưng vẫn nhập viện tạo nên tăng chi đối với người bệnh…

Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, giải pháp của Bộ là sẽ làm quy trình khám, chữa bệnh chặt chẽ, kèm theo giám sát và cùng với BHXH sẽ có những định mức chi, trong đó chú trọng quyền lợi của người dân. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm việc tự chủ, nhưng có sự quản lý chặt của Nhà nước và đổi mới toàn diện mô hình tự chủ. Hiện nay, Bộ đã ban hành thông tư để hướng dẫn, quy định công nhận kết quả xét nghiệm của các cơ sở y tế khác. Trước mắt, từ tháng 6 này, các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh phải công nhận các kết quả xét nghiệm của nhau và lộ trình này đến năm 2018 sẽ hoàn thành.

Ðề cập thực trạng tuyến y tế cơ sở hiện nay, các đại biểu: Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận); Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Cạn); Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) và một số đại biểu chất vấn: Ðội ngũ y tế ở cơ sở vừa thiếu lại vừa yếu, chất lượng chuyên môn kém, dẫn đến trạm y tế xã chỉ đảm nhiệm được 50% công việc. Nhất là, nhiều nơi y tế xã không có cả nhân lực lẫn trang, thiết bị. Các đại biểu đề nghị, thời gian tới Bộ Y tế có giải pháp gì để nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Giải đáp về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Y tế cơ sở đang được ngành y tế tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là khắc phục những vấn đề còn yếu kém. Ngoài ra, về tài chính đầu tư cho tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng thực tế chỉ chiếm 3 đến 5%, trong khi nhu cầu cần lên đến 30%. Các nguồn tài chính, trong đó có trái phiếu Chính phủ, nguồn ODA đã đầu tư cho tuyến bệnh viện huyện, tỉnh và các cơ sở, nhưng trạm y tế xã thì chưa có… Do vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và sắp tới Bộ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về bộ máy, nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng và hoạt động cho y tế xã. Trong đó, Bộ sẽ phối hợp Tổ chức Y tế thế giới xây dựng đội phản ứng nhanh, hiện đang vẽ bản đồ hơn 10.000 trạm y tế xã trong toàn quốc và sẽ giao cho Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế tuyến huyện vẽ bản đồ và chọn những trạm cần đầu tư. Ðồng thời, tranh thủ nguồn ODA viện trợ không hoàn lại của EU thông qua các dự án ODA để đầu tư hạ tầng cho trạm y tế xã ở địa bàn Tây Nguyên và một số địa phương miền núi phía bắc…

Ðại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Y tế về giá thuốc chữa bệnh hiện nay quá cao, đồng thời đề xuất giải pháp để khắc phục tình trạng này là cần tạo điều kiện để phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam, vận động người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam, từ đó có thể sản xuất thuốc phục vụ khám, chữa bệnh và xuất khẩu thuốc… Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Y tế cho biết, Bộ đã có chương trình vận động Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam và có nhiều hoạt động ưu tiên thuốc chữa bệnh do Việt Nam sản xuất. Về phát triển công nghiệp dược, đây là nội dung đã được quy định trong Luật Dược và Bộ Y tế đang tích cực phối hợp Bộ Công thương để triển khai các công việc liên quan.

Tham gia trả lời chất vấn về các vấn đề chung quanh BHYT, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã báo cáo thêm về Quỹ BHYT - vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm. Theo đó, BHYT hiện nay đang phát huy khá hiệu quả vai trò trong đời sống của người dân, trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế, mỗi năm khám, chữa bệnh cho 150 triệu lượt người; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên… Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT đang diễn ra tương đối phổ biến. Ðể Quỹ BHYT không bị bội chi, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả BHYT để Quỹ BHYT thật sự có tác dụng đối với người bệnh; những đối tượng, trường hợp lạm dụng BHYT sẽ không được thanh toán.

Quan tâm những nội dung nêu trên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan ( TP Hồ Chí Minh) đã tranh luận với Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về sự bền vững của Quỹ BHYT. Ðại biểu này cho rằng, cơ chế quản lý Quỹ BHYT hiện nay còn lỏng lẻo, chưa thể kiểm soát toàn diện một cách hiệu quả. Việc thu BHYT ít mà phải chi nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ Quỹ BHYT… Vì vậy, đề nghị BHXH Việt Nam cần xem xét và nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý của mình đối với Quỹ BHYT. Ðại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cũng phát biểu ý kiến trao đổi lại với Bộ trưởng Y tế và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Theo đại biểu này, Bộ Y tế cần sớm có văn bản hướng dẫn về thanh toán BHYT để tránh hiểu lầm, hiểu sai trong quá trình thanh, quyết toán cho các địa phương. Bên cạnh đó, việc mất cân bằng Quỹ BHYT rất dễ xảy ra trong tương lai, vì vậy đề nghị Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần khẩn trương họp để trao đổi, thống nhất với nhau về phương thức thanh toán BHYT phù hợp, chuẩn xác.

Kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn. Bộ trưởng Y tế nắm chắc tình hình, thực trạng, những vấn đề bức xúc thuộc ngành mình quản lý. Phần trả lời của Bộ trưởng Y tế đã nhận được sự đồng tình, hài lòng của nhiều đại biểu QH, tuy nhiên, một số nội dung trả lời, trao đổi còn chưa rõ ràng.

Chủ tịch QH nêu rõ những hạn chế của ngành y tế hiện nay, đồng thời đề nghị Bộ Y tế, các cơ quan liên quan cần nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu QH, từ đó có các giải pháp quyết liệt chỉ đạo, khắc phục những hạn chế. Ngành y tế cần tiếp tục triển khai tốt, đầy đủ các quy định về chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện hiệu quả đề án tự chủ cho các cơ sở y tế công lập gắn với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tăng cường điều động, luân chuyển, thu hút cán bộ y tế có chuyên môn, trình độ về công tác tại y tế cơ sở, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân ở địa phương, qua đó góp phần giảm tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến trên. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh để nâng cao tinh thần trách nhiệm khám, chữa bệnh của các y, bác sĩ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, cần kiên quyết xử lý các vi phạm trong lĩnh vực y tế, sớm sửa đổi các quy định về đấu thầu mua thuốc chữa bệnh, quản lý chặt chẽ việc bán thuốc theo đơn… Ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc khám, chữa bệnh bằng BHYT để hạn chế việc lạm dụng Quỹ BHYT.

Còn lãng phí, thất thoát trong sử dụng vốn đầu tư công

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các đại biểu tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu Phạm Ðình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lê Thu Hà (Lào Cai) nêu vấn đề: Thời gian qua, công tác phân bổ, bố trí vốn cho từng dự án ở các bộ, cơ quan, địa phương có nhiều bất cập, kéo theo hệ quả là thời gian hoàn thiện kéo dài, quá trình tổng hợp và giao kế hoạch không đáp ứng thời hạn theo quy định, giao vốn làm nhiều lần...Việc mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng nguồn vốn cũng dẫn tới tình trạng co kéo trong bố trí vốn đầu tư, bố trí không đủ tỷ lệ, không đáp ứng tiến độ thực hiện dự án, không rõ ràng về sắp xếp thứ tự ưu tiên, bố trí vốn dàn trải. Ðề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của ngành và nêu rõ giải pháp khắc phục.

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước kia, việc quản lý pháp luật chưa chặt chẽ, cho nên hiệu quả đầu tư công còn hạn chế, nhất là sự dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn và các dự án phê duyệt vượt quá khả năng thu xếp vốn rất lớn (gấp khoảng ba lần). Ðể khắc phục, thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng các giải pháp, triển khai đồng bộ chủ trương, định hướng cơ cấu lại đầu tư công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong đầu tư công để các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, lãnh thổ, quy hoạch phát triển đô thị là căn cứ xây dựng các chương trình và kế hoạch đầu tư công.

Ðối với chất vấn của đại biểu Trần Ðình Gia (Hà Tĩnh) về giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Luật Ðầu tư công, Bộ trưởng cho biết, Luật Ðầu tư công được ban hành đã quy định nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ, với sự liên quan của nhiều cơ quan, tổ chức nhằm mục tiêu kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh dàn trải, lãng phí, khắc phục những hạn chế. Tuy nhiên, do Luật Ðầu tư công lần đầu được ban hành và áp dụng, cho nên còn nhiều bất cập và hạn chế, nhất là sự bất cập về đáp ứng thời gian hoàn thiện các thủ tục theo quy định cũng như hoàn thiện phương án, dẫn tới hệ quả là giao vốn chậm, ảnh hưởng đến giải ngân vốn và hiệu quả dự án.

Nhận trách nhiệm khi chưa kiên quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Luật Ðầu tư công, cũng như Nghị quyết của QH và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới sẽ thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công và các văn bản hướng dẫn hiện hành; chủ động khắc phục những khó khăn, bất cập về quy định pháp lý để đáp ứng các điều kiện và thủ tục theo quy định, rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục, phương án phân bổ... Ðổi mới phương pháp quản lý đầu tư công, trong đó triển khai áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống quản lý đầu tư công trực tuyến nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan cũng như khắc phục những sai sót.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) về giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt đã được đưa ra, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là hiệu quả đầu tư. Từ đó, sẽ tạo ra sức lan tỏa cũng như niềm tin để khu vực FDI tự tham gia, mở rộng đầu tư, làm cho tổng vốn đầu tư tăng lên. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án FDI phù hợp định hướng phát triển của Việt Nam.

Tại phiên chất vấn chiều qua, nhiều đại biểu nêu nhiều câu hỏi liên quan các giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công; trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án quan trọng quốc gia…

Các câu hỏi chất vấn của đại biểu sẽ được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục giải trình vào sáng nay, 15/6.

Hiện nay, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, các lễ hội đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội đang có xu hướng thương mại hóa, làm biến tướng, mất đi giá trị văn hóa, làm giảm giá trị truyền thống của lễ hội.

                                                     Ðại biểu TRIỆU THỊ THU PHƯƠNG (Bắc Cạn)

Trong năm 2017, các hình thức phản cảm trong một số lễ hội đã giảm bớt, như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ hai không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội Phết đình Ðông Lai (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn, không tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi, nhằm bảo đảm cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn; Lễ hội cầu trâu Phú Thọ đã không tổ chức nghi lễ đập đầu trâu mà thay bằng nghi lễ thực hành trình diễn; Lễ hội Ðông Cuông (Yên Bái) bỏ tục treo cổ trâu… Mùa lễ hội vừa rồi đã tổ chức tốt hơn. Ðể có được kết quả đó, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đã vào cuộc và tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị và đặc biệt là trao đổi với cộng đồng dân cư tổ chức lễ hội để cùng thống nhất bỏ các nghi thức phản cảm…

                        Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch NGUYỄN NGỌC THIỆN

Tình trạng bán thuốc không cần kê đơn của bác sĩ và tình trạng lạm dụng thuốc nói chung, thuốc kháng sinh nói riêng trong suốt thời gian qua khiến nhiều bệnh nhân bị kháng thuốc, dị ứng thuốc, nặng hơn thì bị sốc thuốc phải nhập viện. Hằng năm có rất nhiều người chết do kháng thuốc. Theo khảo sát cho thấy, trong số gần ba nghìn hiệu thuốc ở nông thôn và thành thị phía bắc có từ 88 đến 91% hiệu thuốc không bán theo đơn của bác sĩ. Ðây là một thực trạng đáng báo động. Chính phủ và Bộ Y tế đã có các quy định cũng như chế tài xử phạt, nhưng dường như các chế tài chưa đủ mạnh. Do vậy, tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan, thậm chí ngày càng gia tăng.

                                                                 Ðại biểu DƯƠNG MINH ÁNH (Hà Nội)

Trong thời gian qua, hơn bảy nghìn cán bộ y tế trong toàn ngành đã bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo, khiển trách, cảnh cáo toàn bệnh viện cho đến đuổi khỏi ngành. Chúng tôi cũng ban hành kèm theo đổi mới cơ chế tài chính để nâng mức thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế thông qua điều chỉnh giá dịch vụ trên lộ trình tính đúng, tính đủ, cho nên thu nhập của những đơn vị sự nghiệp tăng lên. Như vậy, những giải pháp vừa rồi đã tạo nên sự thay đổi về thái độ, tinh thần phục vụ của y, bác sĩ, nhân viên y tế đối với người bệnh. Theo đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế, của UNDP thì thấy rằng, chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đã cải thiện rất rõ về thái độ, nhất là ở tuyến tỉnh và tuyến xã.

                                                               Bộ trưởng Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN

Nguyễn Thanh (tổng hợp)-Theo Báo Nhân Dân

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner