Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn tự hào với thành tựu đạt được trong 72 năm qua
Lượt xem: 323

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là một sự kiện đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Tuy nhiên, thời điểm này nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn vẫn phải sống trong lầm than, cơ cực dưới ách thống trị của địa chủ phong kiến, thực dân Pháp và bè lũ tay sai.

 Tháng 6/1946, Ban cán sự Đảng huyện Văn Bàn mới được thành lập với 3 Đảng viên do đồng chí Đào Đình Bảng là trưởng ban. Chỉ sau một thời gian ngắn, năm 1950, toàn huyện đã phát triển lên được 11 chi bộ, 191 Đảng viên. Ngày 27/9/1947, Huyện ủy Văn Bàn được thành lập, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Đảng bộ huyện Văn Bàn. Từ đây, thế và lực của quân dân huyện Văn Bàn ngày càng lớn mạnh, đây là yếu tố quan trọng để tiến đến ngày 16/11/1950, huyện Văn Bàn được giải phóng.

Sau giải phóng, Đảng bộ huyện huyện Văn Bàn tập trung lãnh đạo nhân dân diệt giặc đói, giặc dốt, phá âm mưu gây phỉ của thực dân Pháp, huy động dân công phục vụ các chiến dịch Điện Biên Phủ. Riêng 3 đợt phục vụ lớn huyện Văn Bàn đã có 2.420 lượt người tham gia, với 91.913 công. Bên cạnh chiến đấu và phục vụ chiến đấu là khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, phát động quần chúng đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt. Từ đó làm cho thế và lực của ta ngày càng tăng, nhân dân thêm tin tưởng vào Đảng, ra sức thi đua lao động sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến chống Pháp đến ngày thắng lợi. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế, huyện Văn Bàn luôn sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Nhìn lại chặng đường 72 năm đã qua, dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, huyện Văn Bàn đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực.

 

Về phát triển kinh tế, nông lâm nghiệp vẫn được xác định là mặt trận hàng đầu, trọng tâm xuyên suốt. Nhờ đẩy mạnh sản xuất tăng vụ, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2018, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 62.000 tấn. Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác đạt gần 70 triệu đồng/ha. Phong trào trồng rừng, bảo vệ rừng được nhân dân tích cực tham gia, góp phần nâng độ tán che phủ rừng của huyện Văn Bàn đạt gần 65%. Sản xuất công nghiệp, TTCN của huyện có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều sản phẩm đã trở thành hàng hóa, có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài huyện. Hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ phát triển tới trung tâm xã, cụm xã vùng sâu, vùng xa góp phần thúc đẩy sản xuất, nhất là mặt hàng nông sản của nông dân. Trên cơ sở khai thác, nuôi dưỡng tốt các nguồn thu, nhiều năm liên huyện Văn Bàn đều vượt chỉ tiêu tỉnh giao về thu ngân sách. Năm 2018, tổng thu ngân sách huyện đạt gần 160 tỷ đồng.

 

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển vượt bậc, huyện Văn Bàn được công nhận đạt chuẩn PCGD Mầm Non cho trẻ 5 tuổi, PCGDTH-CMC, Phổ cập GDTHĐĐT, PCGDTHCS đều sớm hơn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực, đến nay toàn huyện đã có 62/86 trường học đạt chuẩn Quốc gia. Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ ngành y tế được tăng cường, đáp ứng tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân ở tất cả các tuyến; Đến nay toàn huyện có 20/23 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng có sức lan tỏa rộng rãi trong nhân dân. Nhiều nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc được duy trì, khôi phục như: Lễ hội xuống đồng, Lễ cúng rừng, Lễ hội Đền cô Tân An, Đền Ken. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững, hết năm 2018 toàn huyện còn 17,64% hộ nghèo, 13,16% hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên trên 35 triệu đồng/người/năm.

 

Với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” được cả hệ thống chính trị vào cuộc và nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Đem đến diện mạo mới, đổi thay rõ nét ở những vùng nông thôn của Văn Bàn. Đến hết năm 2018 toàn huyện đã có 8 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới đòa là các xã: Văn Sơn, Hòa Mạc, Khánh Thượng, Khánh Trung, Võ Lao, Khánh Yên Hạ, Làng Giàng, Tân An. Vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX là 02 xã.

Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, từ một Chi bộ nhỏ với 5 Đảng viên hoạt động trong vùng thực dân Pháp chiếm đóng. Đến nay Đảng bộ huyện Văn Bàn đã có 61 tổ chức cơ sở Đảng, 411 Chi bộ, 5.638 Đảng viên; 100% thôn bản, tổ dân phố có Chi bộ độc lập. Với những cố gắng nỗ lực vượt bậc, nhiều năm liền Đảng bộ huyện Văn Bàn được Tỉnh ủy Lào Cai công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã khẳng định vai trò quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua ở cơ sở. Tập hợp, phát huy sức mạnh của nhân dân thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Với những thành tích nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, trong chặng đường 72 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1982; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1999; Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (thời kỳ chống pháp) năm 2007; Huân chương Độc Lập hạng Ba vào năm 2010 và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Phấn khởi, tự hào với những thành tựu đạt được trong 72 năm qua. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn đang ra sức thi đua, quyết tâm phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn thách thức. Phấn đấu hoàn thành vượt mức 25 chi tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Đưa huyện Văn Bàn sớm trở thành huyện phát triển của tỉnh Lào Cai trong những năm tới.

 

Mạnh Lộc, Trung tâm VHTT-TT

Mạnh Lộc, Trung tâm VHTT-TT (ảnh tuấn)
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !