Văn Bàn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện
Lượt xem: 225

Huyện Văn Bàn là vùng đất giàu bản sắc văn hoá dân tộc, có 7 dân tộc anh em sinh sống. Sự đa dạng đó đã gắn liền với nhiều loại hình di sản vật thể, phi vật thể phong phú và độc đáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống của các dân tộc như: Tày, Dao, Mông… Để khai thác tiềm năng trên, những năm qua huyện Văn Bàn đã luôn chú trọng và xem đó là thế mạnh to lớn để tạo đà cho sự phát triển kinh tế-xã hội chung của huyện trong giai đoạn mới thông qua việc phát huy, đưa bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững.

 Theo Phòng Văn hóa  Thông tin huyện tính đến tháng 9 năm 2024, Văn Bàn có 14 di sản văn hóa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, 07 di tích lịch sử văn hóa (trong đó, có 01 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và 06 di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh) gắn liền tên tuổi các anh hùng dân tộc, sự kiện lịch sử văn hoá đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như: Di tích lịch sử văn hóa Đền Cô Tân An, Di tích lịch sử văn hóa Đền Ken, Địa điểm chiến thắng Đồn Khau Co, Phế tích Đồn Trấn Hà, Khu du kích Gia Lan…

Ông Lương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết: UBND huyện đã tham mưu với Huyện ủy tổ chức quán triệt, tuyên truyền thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU của Tỉnh ủy và Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện uỷ về phát triển văn hoá, du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn toàn huyện đến toàn thể cán bộ, đảng viên thông qua các Hội nghị, chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc, Mặt trận tổ quốc các tổ chức chính trị - hội để đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện Đề án. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động du lịch phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, quan, đơn vị. Để tạo đòn bẩy cho du lịch văn hóa phát triển trong giai đoạn mới, huyện Văn Bàn tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; đề cao vai trò của Nhân dân trong việc tham gia quản lý di sản văn hóa.

Ngoài các di tích, di sản đã được xếp hạng và công nhận ở các cấp, huyện Văn Bàn còn có hệ thống các lễ nghi, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn học nghệ thuật dân gian của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện như: Mừng cơm mới của người Xa Phó, xã Sơn Thủy; Trình diễn nhạc cụ dân tộc Pí Lè; Đan lát truyền thống của dân tộc Tày, Mông, Dao; Làng nghề dệt vải người Dao đỏ… Đó là các vốn quý về văn hóa, tô đậm thêm bức tranh văn hóa đa màu sắc của con người và mảnh đất Văn Bàn.

Đồng thời, hệ thống di tích, di sản trên địa bàn huyện cũng được quan tâm bảo tồn, trùng tu đảm bảo sự tồn tại lâu dài của di tích. Một số lễ hội, di tích được nâng tầm giá trị, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Các di sản văn hoá phi vật thể được Nhân dân quan tâm tham gia gìn giữ, bảo tồn phát huy bằng hình thức duy trì tổ chức thực hành di sản vào dịp lễ, tết (Lễ hội xuống đồng, Lễ cúng rừng...). Phát triển các loại hình du lịch tâm linh tại Đền Cô Tân An, xã Tân An; Đền Chiềng Ken, xã Chiềng Ken, du lịch cộng đồng thôn Đồng Qua xã Liêm Phú, thôn Bản Pàu xã Dương Quỳ gắn với trải nghiệm các loại hình văn hóa, trình diễn nghệ thuật dân gian, ẩm thực dân tộc, phong tục tập quán đã dần định hình, tạo thêm nhiều không gian và sản phẩm du lịch cho huyện Văn Bàn phát triển bền vững.

anh tin bai

Du lịch cộng đồng tại xã Liêm Phú

Để quảng bán sản phẩm du lịch rộng khắp, UBND huyện đã phối hợp với Hội văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai tổ chức trại sáng tác tại huyện từ ngày 12-14/4/2024 nhằm quảng bá hình ảnh về đất và người Văn Bàn qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024, các hoạt động thu hút trên 120.000 lượt người tham gia; tổ chức thành công 03 giải thể thao cấp huyện, thu hút 53 đoàn với 923 vận động viên tham gia, gần 10.000 lượt người tham gia cổ vũ. Bên cạnh đó, các xã tăng cường duy trì và phát triển, nâng cao 33 sản phẩm OCOP nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương thông qua gian hàng trưng bày tại Hội chợ; Lễ hội xuống đồng đầu năm; Hội báo xuân; Đại hội Đại biểu MTTQVN huyện; Đại hội đại biểu Dân tộc thiểu số; Ngày Hội văn hóa các dân tộc huyện Văn Bàn, năm 2024. UBND huyện thường xuyên phối hợp với các đơn vị truyền hình Trung ương; truyền hình tỉnh Lào Cai thực hiện xây dựng các chương trình phóng sự giới thiệu quảng bá về hình ảnh, văn hoá các dân tộc và du lịch huyện Văn Bàn. Phối hợp với các Sở, ban ngành của tỉnh, các công ty Lữ hành trong và ngoài tỉnh quảng bá một số hoạt động, sản phẩm du lịch của huyện như các hoạt động lễ hội; văn hoá truyền thống các dân tộc của huyện, giới thiệu logo, slogan về du lịch Văn Bàn. Nhờ có sự chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền tính đến cuối tháng 9/2024 huyện Văn Bàn đón trên 170.000 lượt khách, luỹ kế từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 9/2024 đạt 450.000/500.000 lượt đạt 90% so với mục tiêu Đề án 02 của huyện; tổng thu từ khách du lịch đến chiêm bái, công đức tại Đền Cô Tân An đạt trên 12 tỷ đồng, đạt 3% tổng thu ngân sách huyện. Thu hút lao động trong lĩnh vực du lịch 200 người.

Nhà thơ Pờ Sào Mìn đến với mảnh đất Văn Bàn trong đợt tham gia trại sáng tác đã thốt lên: Văn Bàn đẹp vô vàn, đẹp từ những cung đường cho đến những rừng cây cheo leo, đẹp từ mùa lúa chín vàng ươm tới mùa gặt, đẹp từ mùa hoa rừng đến cỏ dại bậu bên rào liêu xiêu. Người Văn Bàn chân chất, thân thiện, cởi mở, mến khách, trọng tình nghĩa. Bên chén rượu đầy du dương cùng điệu hát dân ca ấm áp, ngọt ngào thấm đẫm ân tình được cất lên từ bờ môi của những cô gái để trao những tâm tư, tình cảm và lời thề hẹn. Nhà thơ được hòa mình vào những “pho cổ tích sống” cảm nhận được mạch nguồn di sản chảy mãi. Văn Bàn mảnh đất luôn để thương, để nhớ trong lòng. Chính vì thế, đã làm cho nhà thơ ngây ngất, cảm hứng dạt dào, mãnh liệt có cảm xúc viết ra tập thơ "Văn Bàn ơi! Thương nhớ ngàn năm".  

Bên cạnh đó, UBND huyện Văn Bàn phối hợp với các công ty, doanh nghiệp đề xuất quy hoạch du lịch huyện Văn Bàn thông qua Đề án chiến lược phát triển Du lịch huyện Văn Bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch du lịch tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đề xuất, xây dựng điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới (thôn Đồng Qua, xã Liêm Phú; thôn Bản Noỏng, xã Khánh Yên Thượng). Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá theo hướng bền vững, bao trùm đa giá trị truyền thống thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Lập Kế hoạch xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận là di tích, danh thắng cấp tỉnh đối với Đỉnh núi Sinh Cha Pao xã Nậm Xé; Hoàn thiện 02 hồ sơ di sản sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia: Mừng cơm mới của người Xa Phó, xã Sơn Thủy; Tết tháng 7 và nghề dệt của người Mông Xanh, xã Nậm Xé.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Văn Bàn cho biết: UBND huyện đã tăng cường sự lãnh chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã, thị trấn trong xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch. Phát huy vai trò tham mưu của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch trong đổi mới nội dung, hình thức, tạo điểm nhấn riêng khác biệt của huyện Văn Bàn, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, đồng thời thu hút du khách trong và ngoài huyện đến với Văn Bàn. Huy động và lồng ghép có hiệu quả các chương trình, Đề án, xã hội hóa trong đầu tư, phát triển lĩnh vực văn hóa, du lịch. Biểu dương nhân rộng kịp thời cách làm hay, cách làm sáng tạo trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời chấn chỉnh, uốn nắm những biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa. Tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư, nhằm thu hút đầu tư, khai thác và phát triển du lịch huyện Văn Bàn.

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng với sự quyết tâm đưa ngành du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Đề án số 03-ĐA/TU của Tỉnh ủy Lào Cai, huyện Văn Bàn đã và đang cố gắng phát huy nội lực. Đồng thời tạo cơ chế chính sách khuyến khích mở rộng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với địa phương, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện vào năm 2025. 

Nguyễn Thị Hằng - xã Tân An, huyện Văn Bàn
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 1,322
  • Trong tuần: 6,001
  • Tất cả: 1,855,745
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner