Văn Bàn đổi mới công tác giáo dục lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng trong trường học
Lượt xem: 49

Thời gian qua, huyện Văn Bàn đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng. Đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh, thông qua hình thức thăm quan, trải nghiệm thực tế và nghe nhân chứng lịch sử kể lại những câu chuyện tại các căn cứ cách mạng, di tích lịch sử; Đang góp phần bồi đắp lý tưởng, niềm tự hào truyền thống dân tộc cho các em.

anh tin bai

Khu du kích Gia Lan là minh chứng cho một giai đoạn lịch sử hào hùng, là niềm tự hào của Đảng bộ quân và dân các dân tộc Văn Bàn. Hiện nay còn là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng

Giữa không gian bao la của núi rừng, câu chuyện về khu du kích Gia Lan được ông Phan Đức Nhung - Nguyên Ủy viên BTV, Trưởng ban Dân Vận Huyện ủy, nhân chứng lịch sử, kể lại rõ ràng, đầy tự hào. Các em học sinh trường THCS Khánh Yên Thượng ai nấy đều chăm chú lắng nghe. Ông Nhung kể: “Được hình thành từ năm 1947, khu du kích Gia Lan là khu căn cứ bí mật trong vùng địch do huyện uỷ Văn Bàn chỉ đạo xây dựng. Khu du kích Gia Lan trở thành nơi gặp gỡ cán bộ, bộ đội, du kích để họp bàn kế hoạch thực hiện các đợt huấn luyện, nơi xuất phát các hoạt động tiễu phỉ, trừ gian, quấy rối tấn công đồn pháp trên địa bàn. Góp phần góp phần quan trọng vào cuộc chiến giải phóng Văn Bàn, giải phóng Lào Cai ngày 1/11/1950”. Bằng giọng kể trầm ấm, ông Phan Đức Nhung đã tái hiện lại chặng đường lịch sử đầy gian khó của quân và dân Văn Bàn, các em học sinh được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Từ hồi hộp, lo lắng tới phấn khởi, tự hào. Em  Hoàng Thu Hương – Lớp 8B trường, THCS Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn chia sẻ: “Cháu cảm thấy nơi này rất thiêng liêng và khi bước chân vào đây thì cháu không có cảm xúc nào lệch lạch ngoài sự nghiêm trang. Qua lời kể của bác Nhung, cháu và các bạn có thể hình dung ra ngày xưa chiến tranh gian khổ như thế nào. Cháu rất tự hào vì được sinh ra ở mảnh đất Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn”.

anh tin bai

Ông Phan Đức Nhung hào hứng kể lại những câu chuyện lịch sử cho thế hệ trẻ

Là một trong số các nhân chứng lịch sử hiếm hoi của huyện, thời gian qua ông Phan Đức Nhung được mời tham gia nhiều chương trình, hoạt động của huyện về giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng. Dù tuổi đã cao, nhưng ông luôn có sự chuẩn bị chu đáo về kiến thức, những câu chuyện lịch sử để có thể truyền tải tới người nghe một cách dễ hiểu, dễ nhớ. Đặc biệt là thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí lão thành cách mạng để lắng nghe và ghi chép tư liệu. Ông Phan Đức Nhung chia sẻ: “Tôi cũng muốn đóng góp trách nhiệm của mình với đảng bộ Khánh Yên Thượng, Đảng bộ huyện Văn Bàn để có một buổi ôn lại truyền thống lịch sử của khu du kích Gia Lan để các đồng chí, các bạn cũng như là các cháu học sinh nắm được, biết được truyền thống cha ông ta; Các bác, các chú đi trước đã vất vả đấu tranh cách mạng để giành chính quyền, giải phóng huyện Văn Bàn tháng 11/1950 mới có cuộc sống như ngày hôm nay”.

Văn Bàn với truyền thống cách mạng lâu đời, toàn huyện có 22 xã, thị trấn, đa dạng sắc màu văn hoá truyền thống các dân tộc. Do vậy, Huyện uỷ Văn Bàn đã chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng. Hết năm 2023, 22/22 xã, thị trấn, 10 cơ quan đơn vị đã hoàn thành biên soạn, xuất bản Lịch sử Đảng. Năm 2024, phê duyệt 22 bộ tài liệu rút gọn lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn, 5 bộ tài liệu rút gọn lịch sử truyền thống ngành. Để góp phần phát huy giá trị các ấn phẩm lịch sử đã xuất bản, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương, năm 2024 Huyện uỷ Văn Bàn đã chỉ đạo tổ chức hội thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện và cơ sở trong khối trường học; Được cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là giáo viên, học sinh các trường học trên địa bàn huyện hưởng tích cực, chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công, có tính lan tỏa cao. Toàn huyện có 50 trường học tham gia với 85 đội thi, 1.770 học sinh dự thi. Là huyện đầu tiên trong toàn tỉnh tổ chức hội thi này, thành công lớn nhất mang lại đó là kiến thức lịch sử đã được học sinh tiếp thu một cách chủ động, tích cực; Giáo viên là người định hướng, truyền cảm hứng; Lịch sử không còn bó hẹp trên phạm vi sách vở mà đã đi vào thực tiễn cuộc sống.

anh tin bai

Các nhân vật, sự kiện lịch sử được “tái hiện” qua hình thức sân khấu hoá

Huyện Văn Bàn hiện có 84 cơ sở giáo dục các cấp học. Thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ huyện và cơ sở, các trường học cũng đã sử dụng tài liệu do Ban Tuyên giáo Huyện uỷ biên soạn để tích hợp trong giảng dạy lịch sử và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Việc giảng dạy Lịch sử địa phương đã đi vào nền nếp, nhiều trường đã tổ chức cho các em học sinh đi thăm quan, ngoại khóa, hoặc trực tiếp giảng dạy tiết học lịch sử địa phương tại các di tích nơi diễn ra các sự kiện hoặc nhà lưu niệm trên địa bàn huyện, nơi giữ những hình ảnh, hiện vật về các sự kiện, nhân vật để nâng cao hiệu quả của tiết học. Từ đó giúp các em hiểu rõ hơn về truyền thống, lịch sử cách mạng hào hùng của quê hương, đất nước.

anh tin bai

Tiết học Lịch sử của các em học sinh trường Tiểu học Khánh Yên Thượng được diễn ra ngay trong khuôn viên trường học với các mô hình di tích, mô phỏng sự kiện lịch sử

Với sự đổi mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục, huyện Văn Bàn đang tiếp tục thực hiện lời căn dặn của Bác “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Mục tiêu lớn hướng tới đó là hình thành được lớp kế cận “đủ đức, đủ tài”, đưa địa phương ngày càng phát triển.

 

Hà Phương - Trung tâm VHTT-TT Văn Bàn
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner