Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các địa phương trên cả nước, được xem là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua tại huyện Văn Bàn sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đã được nâng cấp, phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, hướng đến xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Qua gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện Văn Bàn về lãnh đạo thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Văn Bàn giai đoạn 2021-2025, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người dân từ chỗ “thụ động, trông chờ, ỷ lại” sang “tự lực, tự chủ, sáng tạo”. Đến nay, huyện Văn Bàn đã có 33 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP (trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao; 31 sản phẩm đạt 3 sao). Các sản phẩm được phát triển dựa trên đặc trưng thế mạnh của địa phương và đáp ứng yêu cầu về quy mô vùng nguyên liệu như sản phẩm: Măng sặt tươi, hồng ngâm Tân Thượng, tương ớt Khánh Yên Thượng, rượu nếp Cường Thịnh, gạo nếp dẻo Nậm Xây... Cùng với đó, Văn Bàn đã thực hiện quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng nhãn mác, bao bì, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi hình thành sản phẩm OCOP. Hàng năm, các ban, ngành của huyện phối hợp với sở, ngành của tỉnh triển khai các lớp tập huấn, tư vấn, định hướng phát triển sản phẩm OCOP cho các địa phương, tổ chức rà soát, lựa chọn, hỗ trợ các sản phẩm tham gia thi đánh giá, phân hạng.
Trò chuyện với anh An Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông, Lâm nghiệp Thế Tuấn chúng tôi được biết: Hợp tác xã Thế Tuấn thành lập năm 2015, sản xuất tinh dầu xả, tinh dầu Đại Từ Bi nhưng theo phương thức thủ công gia truyền nhỏ lẻ, bán theo đơn đặt hàng trong tỉnh, còn lại là bán lẻ tại các địa phương trong huyện, hàng tiêu thụ chậm, thu nhập bấp bênh. Do có sự cố gắng trong việc thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm, năm 2021, sản phẩm tinh dầu Đại Từ Bi của HTX đạt OCOP 3 sao, từ đó xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm truyền thống của địa phương để đông đảo người tiêu dùng trong cả nước biết tới. Sản lượng tiêu thụ tăng, doanh nghiệp cũng yên tâm gắn bó với nghề và chú trọng tới đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất. Đến nay, HTX đã có 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao (Tinh dầu Đại Từ Bi, Trà búp tía tô, Trà túi lọc tía tô, Trà túi lọc Đại Từ Bi, Trà cao tía tô, Trà cao đại bi), HTX đã mở rộng sản xuất, liên kết với các hộ dân trồng cây dược liệu, giải quyết việc làm cho 30 công nhân tại địa phương với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng.

Sản phẩm ocop của HTX Thế Tuấn tham gia trưng bày.
Các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, trên trang thương mại điện tử, gửi sản phẩm trưng bày sản phẩm OCOP tại các gian hàng của các cơ quan tham gia kênh bán hàng hiện đại trên sàn thương mại điện tử, tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử… các sản phẩm sau khi được công nhận xếp hạng đạt tiêu chuẩn OCOP đều tăng doanh thu và lợi nhuận lên ít nhất 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa được công nhận đạt tiêu chẩn OCOP. Kết quả này thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện và sự tích cực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự cố gắng nỗ lực của các chủ thể sản xuất đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ ngày càng lớn của chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy nhanh việc tái cơ cấu trong nông nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt; đồng thời chương trình OCOP còn thúc đẩy việc hình thành các tổ chức, doanh nghiệp, HTX ở vùng nông thôn mà người dân chính là chủ thể, trở thành chủ nhân của quá trình phát triển, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn.
Ông Triệu Quốc Chưởng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: Theo quy định của chương trình, thời hạn công nhận sản phẩm OCOP là 36 tháng kể từ ngày được cấp có thẩm quyền ký quyết định công nhận. Do đó, bên cạnh việc phát triển các sản phẩm mới, ngành nông nghiệp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để các chủ thể OCOP hiểu rõ hơn về nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP và có trách nhiệm đối với việc đề nghị đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP. Các chủ thể cần chủ động, tích cực cân đối nguồn lực, tiếp tục đăng ký đánh giá lại đối với các sản phẩm sắp đến hạn 36 tháng để duy trì và khẳng định thương hiệu, góp phần xây dựng hệ sinh thái sản phẩm OCOP chất lượng, có trách nhiệm, hiệu quả, bền vững.
Việc tuân thủ tiêu chuẩn OCOP tạo ra một hướng đi mới hiện đại và hiệu quả hơn trong sản xuất và kinh doanh các sản phẩm truyền thống. Không chỉ vậy, những mặt hàng này còn có cơ hội vươn ra thị trường rộng lớn như các sản phẩm của HTX Thế Tuấn đã gửi trưng bày sản phẩm tại các gian hàng ở nhiều tỉnh, thành. Ngoài ra, chương trình OCOP còn góp phần chuyển đổi tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu sang nền kinh tế thị trường. Chị Triệu Thị Thảo, Giám đốc HTX Nông, Lâm nghiệp và Dịch vụ cho biết: những năm trước sản phẩm bưởi đường chưa đạt OCOP người tiêu dùng chưa biết đến. Năm 2023 sản phẩm đạt OCOP tiêu chuẩn 3 sao và đạt sản lượng hơn 100 tấn, các thương lái tới tận vườn thu mua. Hiện tại HTX có gần 40 nghìn gốc bưởi đã cho thu hoạch, dự tính cuối năm 2024 sản lượng thu về 150 tấn. Nhiều người dân trong và ngoài xã thấy hiệu quả từ trồng cây bưởi đã đến thăm quan, học về kĩ thuật trồng bưởi, chị Thảo đã nhiệt tình hướng dẫn bà con kĩ thuật trồng, chăm sóc và cung cấp cây giống. Mô hình Bưởi đường nhà Triệu Thị Thảo đã giúp người dân chuyển đổi diện tích trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng loại cây có hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết việc thực hiện chương trình OCOP tại huyện vẫn còn gặp một số khó khăn như: Một số sản phẩm của địa phương vẫn chủ yếu là sơ chế, sản lượng tiêu thụ nhỏ, chủ yếu thông qua tư thương mà ít có hợp đồng tiêu thụ, liên doanh, liên kết, chưa có sản phẩm tham gia đánh giá 5 sao cấp Quốc gia. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, tăng cường tập huấn cho cán bộ quản lý, đẩy mạnh các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, chú trọng quảng bá sản phẩm tại các khu du lịch. Phấn đấu đến 2025, huyện có thêm từ 3- 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, nâng cấp sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao, sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao. Đặc biệt lưu tâm đến các xã chưa có sản phẩm OCOP.
Sản phẩm OCOP tại huyện không chỉ khẳng định về chất lượng mà còn tạo cơ hội việc làm, mức sống của người dân được nâng cao, góp phần làm giảm số người từ nông thôn lên thành phố tìm việc, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu. Đây là yếu tố cần thiết để phát triển kinh tế nông thôn bền vững.