Minh chứng về thời ký phát triển thịnh vượng (Bảo tồn di tích lịch sử phế tích đồn Trấn Hà)
Xã Tân An, huyện Văn Bàn (Lào Cai) nằm ở phía Đông Bắc, cách trung tâm huyện 22km. Phía Bắc, phía Đông giáp sông Hồng, phía Nam giáp xã Châu Quế Thượng (Văn Yên), Phía Tây và Tây Nam giáp xã Tân Thượng, Chiềng Ken huyện Văn Bàn. Tân An có diện tích 3.150,29ha, dân số 4.267 người, có 11 dân tộc anh em sinh sống. Thế kỷ XIX, xã Tân An ngày nay thuộc Châu Văn Bàn, tỉnh Hưng Hoá, là một trong hai cửa ngõ giao thông quan trọng yếu của tỉnh (cửa ngõ giao thông về đường bộ và đường thuỷ). Khu vực đường thuỷ tại đây có nước chảy xiết, muốn đi lại, thông thương đều phải qua bến đò Trấn Hà. Qua nhiều thời đại phong kiến, đến thời Nguyễn, vùng đất Tân An ngày nay là khu vực phòng thủ, án ngữ cả một vùng được Triều đình cất đặt lính canh và tướng lĩnh chỉ huy gọi là Đồn Trấn Hà (Bảo Trấn Hà). Đồn Trấn Hà được xây dựng kiên cố, có pháo đài, xung quanh có hào bao quanh.
Phế tích Đồn Trấn Hà được công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh năm 2020 (Quyết định số 2254/QĐ-UBND ngày 17/7/2020 của UBND tỉnh Lào Cai), hiện nay có địa chỉ tại thôn Tân An 1, xã Tân An (Văn Bàn) nơi có phong cảnh hữu tình, trên bến dưới thuyền. Giao thông đi lại thuận tiện, có đường ô tô đi tới di tích. Di tích nằm ở hữu ngạn sông Hồng, cách mép sông khoảng 50m, đối diện bên kia sông là một phần dãy núi Hoàng Liên Sơn thuộc huyện Bảo Yên (Lào Cai). Hiện tại di tích nằm dưới sự quản lý của UBND xã Tân An, được rào bằng hàng rào dây thép gai để bảo vệ, diện tích bảo vệ rộng khoảng trên 500 m2. Xung quanh đồn người dân trồng cây hồng một loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao của vùng đất cổ xưa.
Bà: Phạm Thu Hà - Tạp chí Việt Nam Hương Sắc - cùng đoàn đến tham quan Di tích lịch sử Văn hoá - Phế tích Đồn Trấn Hà
Theo nhiều tư liệu, vào khoảng thế kỷ XV: "Giai đoạn vua Lê Thánh Tông 1442-1497, niên hiệu Hồng Đức, huyện Văn Bàn đổi thành Châu Văn Bàn, Đồn Trấn Hà (Bảo Hà) được xây dựng khá kiên cố, trở thành một căn cứ quân sự trọng yếu trên tuyến giao thông dọc sông Hồng. Đồn Trấn Hà xây thành luỹ, có trạm thu thuế, trạm giao thông". Đối chiếu với địa danh Văn Bàn qua các thời kỳ lịch sử, có thể thấy rằng việc xuất hiện thành luỹ Bảo Hà vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI là hoàn toàn có căn cứ: "Địa danh Văn Bàn có từ thời kỳ lịch sử từ xa xưa nhưng xác định rõ nhất từ đời nhà Lý năm 1015. Trải qua thời kỳ lịch sử khi phong kiến phương Bắc xâm lược, Văn Bàn nằm trong đất Cương Gian (đời nhà Trần), quận Giao Chỉ (đời nhà Hán), đất Phong Châu (đời nhà Tuỳ, nhà Đường). Thời các Triều đại phong kiến Việt Nam, Văn Bàn nằm trong lộ Hưng Hoá (đời Tiền Lê), trong Châu Đồn (đời nhà Lý); đời Hậu Lê, Văn Bàn là một châu nhỏ của phủ Quy Hoá thuộc trấn Thiên Hưng. Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX, Văn Bàn nằm trong trọng Đạo quân bình thứ 3 và thứ 4 trước khi thành một châu của tỉnh Yên Bái vào năm 1900. Trong thời gian 1976-1991 thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, từ khi thành lập tỉnh, Văn Bàn lại thuộc về tỉnh Lào Cai".
Như vậy, theo những tư liệu tìm hiểu được có thể bước đầu xác định Đồn Trấn Hà có lịch hình thành có thể sớm nhất từ thời kỳ nhà Lý vào thế kỷ XI với tên trạm Trấn Hà với vai trò là trạm chuyên sửa thuyền. Đến thời nhà Trần đã đặt hai cửa ải, trong đó của quan Bảo Hà là hậu cứ trực tiếp của cửa quan Bảo Thắng, lúc này trạm Bảo Hà mới có thêm vai trò của một trạm quân sự. Theo ghi chép trong cuốn Hưng Hoá Ký Lược, trang 157, mục thành trì có viết về Đồn Trấn Hà như sau: "Châu Văn Bàn trước có Đồn Trấn Hà, nay bỏ" như vậy đến giữa thế kỷ XIX, không sử dụng được. Sau đó Đồn Trấn Hà tiếp tục trở thành căn cứ của nhà Nguyễn, chính sử đã ghi chép "Sửa làm hai Đồn Trấn Hà, Quảng Ly (thuộc Hưng Hoá) đồn ở miền thượng du sông Thao là nơi quan yếu cho nên làm gấp ngay" - Tự Đức năm thứ 28 (năm 1875). Với vị trí của Đồn Trấn Hà ở hai bên bờ sông Hồng đã tạo nên thế gọng kìm giám sát toàn bộ Đồn Trấn Hà ở hai bên bờ sông Hồng đã tạo và tuyến đường bộ đi qua khu vực Bảo Hà.
Đến đầu thế kỷ XX, có sự thay đổi về mặt hành chính, 9 xã phía ngoài của huyện Văn Bàn đã được tách thành lập huyện Bảo Hà, sau đó lại nhập trở lại huyện Văn Bàn, lúc đó xã Khảo Bàn được tách thành lại xã Kim Sơn và xã Bảo Hà. Phần Trấn Bảo Hà bên xã Bảo Hà hoà nhập vào tên xã. Phần Trấn Bảo Hà bên Tân An được thành lập trại Khánh An, trại Khánh An là vị trí quân sự quan trọng của Pháp tại Văn Bàn và cửa ngõ vào rừng Tây Bắc trong việc kiểm tra và vận chuyển hàng hoá giao thương đi nước ngoài bằng hai con đường thuỷ, bộ. Thực tế cho thấy trước đây đối diện với Đồn Trấn Hà (xã Tân An) ở bên bờ sông Hồng trước đây cũng tồn tại Đồn Trấn Hà trên khu đồi thuộc xã Bảo Hà nay đã được san gạt xây dựng nhà máy giấy Bảo Hà cho nên việc khảo sát, thám sát đánh giá di tích không được thực hiện.
Qua khảo sát sơ bộ tại tỉnh Lào Cai cho đến nay có ít nhất 3 địa điểm còn ghi lại dấu ấn về sự hoạt động của đội quân Lưu Vĩnh Phúc (là quân nhân Trung Quốc thời kỳ nhà Thanh, người đứng đầu đội quân Cờ đen, được chính quyền triều Nguyễn (Việt Nam) trọng dụng vì đã nhiều lần giúp triều đình đáng tan giặc Cờ vàng, quân Pháp. Tuy nhiên Lưu Vĩnh Phú và quân Cờ đen cũng nhũng nhiễu, bóc lột và tàn hại nhân dân Việt Nam rất nhiều) thông qua hệ thống đồn bốt: Thứ nhất, di tích Phế tích Đồn Trấn Hà nằm lại tại thôn Tân An 1 (xã Tân An); Thứ 2 bức tường cổ còn sót lại ở Trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng (chưa có nhiều ghi chép về sự tồn tại, hình thành và phát triển. Tuy nhiên qua khảo sát cho thấy dấu ấn của một thời với sự kiện và hoạt động của đội quân Lưu Hữu Phúc); Thứ ba bức tường cổ phía sau đền Mẫu - Tổ 4, phường Lào Cai (có sử sách ghi chép sự tồn tại). Năm 1873 nghĩa quân của Lưu Vĩnh Phúc cùng các thổ ty vùng Tây Bắc kéo quân xuống Hưng Hoá kết hợp với quân của tiết chế Bắc kỷ quân vụ Hoàng Tá Viêm đánh thực dân Pháp…
Có thể thấy, cả ba địa điểm đều mang dấu tích của đội quân Lưu Vĩnh Phúc có đặc điểm chung như: phế tích/di tích còn sót lại đều là những bức tường thành vững chắc được xây dựng bằng chất đất, đá sỏi trộn với đường mật; thành có bề dày khoảng trên 50cm, được trình vững chắc có độ bền cao, vững chãi trước mọi điều kiện thời tiết. Vị trí bức tường đều nằm sát sông Hồng, án ngữ cả một vùng rộng lớn, thuận tiện cho việc quan sát. Về công năng: dấu vết và những ghi chép còn lại cho thấy những thành cổ này đều được sử dụng như những trạm gác, trạm thu thuế, căn cứ quân sự, với vị trí chiến lược nên trong giai đoạn xâm chiếm, thực dân Pháp sử dụng những đồn bốt này vào phục vụ mục đích quân sự.
Tài liệu ghi lại là như vậy nhưng trong quá trình phỏng vấn nhiều người dân sinh sống tại xã Tân An, không có nhân chứng nào khẳng định chính xác về thời điểm xây dựng của đồn Trấn Hà. Tuy nhiên, tất cả các nhân chứng đều có cùng quan điểm cho rằng Đồn Trấn Hà được sử dụng vào thời quân Cờ đen đóng quân tại Văn Bàn và rất có thể đồn bốt này được xây dựng vào thế kỷ XIX khi đội quân Cờ đen đóng quân và hoạt động tại địa bàn Tân An. Theo lời ông Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1957, cư trú tại thôn Tân An 2 (Văn Bàn) cho biết: Vào năm 1970 ông và gia đình đến cư trú và làm vườn tại chính khu vực phế tích Đồn Trấn Hà như lời của bố ông là Nguyễn Văn Chế, sinh năm 1925 là một lão thành cách mạng, người đầu tiên được kết nạp đảng của huyện Văn Bàn thì phế tích Đồn Trấn Hà là một di tích có từ thời Lưu Vĩnh Phúc (thế kỷ XIX). Đồn Trấn Hà là một căn cứ quân sự đối diện với đồn Bảo Hà bên kia sông. Trước đây, cuộc chiến xảy ra, quân lính bắn nhau từ phía hai bờ sông diễn ra thường xuyên. Ông Nhuyễn Văn Thanh người dân sống cạnh khu vực di tích thì vào những năm 1975 đồn trú này còn khá nguyên vẹn. Các cụ kể lại rằng khu vực này trước kia có sự xuất hiện của đội lính Cờ Đen, họ sử dụng súng bắn đạn chì. Như vậy sự việc ông Thanh kể lại có sự trùng lặp với việc trần thuật của ông Hùng về xuất hiện của Đồn Trấn Hà từ thờ Lưu Vĩnh Phúc.
Như vậy, theo quan điểm của người dân địa phương đồn Trấn Hà ngày nay được xây dựng và đưa vào sử dụng từ thế kỷ thứ XIX dưới triều đại nhà Nguyễn do đội quân Cờ đen xây dựng và sử dụng như một đồn bốt phòng thủ, quan sát và chiến đấu. Đồn bốt có vai trò quan trọng trên tuyến phòng thủ dọc theo hai bên bờ sông Hồng, án ngữ vùng đất Văn Bàn và Bảo Yên thời bấy giờ.
Kết quả thám sát di tích Phế tích Đồn Trấn Hà do Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Lào Cai vào tháng 12/2018 có thể chuẩn đoán định niên đại tương đối của di tích thông qua việc so sánh cấu trúc vật liệu tường và kiến trúc đồn trú. Từ những cứ liệu lịch sử, bằng chứng từ kết quả khai quật thám sát cùng với những thông tin thu thập phỏng vấn điền dã những người dân địa phương có tri thức, am hiểu được sự tin cậy của cộng đồng cung cấp; có thể thấy lịch sử hình thành phát triển của Đồn Trấn Hà từ khá sớm, rất có khả năng Đồn Trấn Hà có manh nha từ thế kỷ XI với quy mô nhỏ, có vai trò là trạm chuyển sửa chữa thuyền. Đến khoảng thế kỷ XV-XVI Đồn Trấn Hà có quy mô to lớn hơn. Sau đó, đến giữa thế kỷ XIX Đồn Trấn Hà bị huy bỏ, có thể sau một thời gian dài không sử dụng, đến cuối thế kỷ XIX Đồn Trấn Hà được xây dựng lại mà dấu tích phế tích còn lại chính là minh chứng rõ ràng nhất.
Di tích Đồn Trấn Hà nằm ở bên bờ hữu sông Hồng, trên một gò đất đã được cải tạo khá bằng phẳng. Xung quang di tích là phần đất canh tác vườn đồi của cư dân trong thôn, nổi giữa các phần đất canh tác là gò đất cao hơn khoảng 1,5 đến 2,0m khá bằng phẳng, diện tích khoảng 500m2, trên đó còn lại dấu tích một đoạn tường của đồn trú cao còn lại 4,3m, rộng còn lại 4,3m, dày 50-52cm. Tường bị sụp đổ mất khoảng 1/2 cạnh phía đông và phần mái bên trên, hiện chỉ còn một đoạn tường đứng dạng gần hình chữ nhật, nhận diện bởi 1 lỗ châu mai còn nguyên vẹn. Ngoài ra, ở các cạnh phía đông, phía Bắc và phía Tây là dấu tích của 3 đoạn tường bị sụt đổ, với các khối đất có dạng hình chữ nhật, trộn lẫn nhiều sỏi cuội, đổ hướng ra phía ngoài của đồn trú nằm rải rác phía trên mặt đất. Bên cạnh đó, bao quanh gò là hào nhỏ ở xung quanh, rộng khoảng 1,5 -2m, sâu hơn một chút so với bề mặt ngoài của gò.
Hiện trạng bề mặt gò nói chung và phạm vi diện tích nói riêng đã được người dân ở đây xây dựng hàng rào dây thép gai xung quanh để bảo vệ, có một cánh cửa sắt màu xanh được sử dụng làm lối ra - vào. Khoảng cách từ đoạn tường trú đến hàng rào phía Bắc là 9,4m, đến hàng rào phía Nam là 16,7m, đến hàng rào phía Đông là 11,7m, đến hàng rào phía Tây là 12,7m. Bề mặt gò được trồng một số cây ăn quả như vải, nhẵn và mọc nhiều cây cỏ dại.
Sự xuất hiện của Đồn Trấn Hà giải thích tầm quan trọng của vị trí địa lý trọng yếu của Bảo Hà thuộc châu Văn Bàn xưa. Vị trí Bảo Hà và Tân An ngày nay nằm án ngữ hai phía tả, hữu của sông Hồng. Vị trí này là nơi có giao thông đường thuỷ, đường bộ duy nhất thời phong kiến, đó là nơi quan ải trọng yếu, huyến mạch giao thương của cả vùng như giao thương với nước láng giềng Trung Quốc. Đồn Trấn Hà đã tồn tại trong lịch sử Triều đại phong kiến nước ta và được ghi chép trong sử sách. Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hoá, kinh tế, di tích Phế tích Đồn Trấn Hà còn được xác định là một trong những công trình quân sự quan trọng trấn giữ vùng biên ải ở cửa ngõ phía bắc còn lưu lại cho đến ngày nay. Đồn Trấn Hà tồn tại như một chứng tích lịch sử minh chứng về một thời kỳ phát triển thịnh vượng của khu vực Tân An, Bảo Hà đồng thời khẳng định vị trí chiếm lược quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước, thể hiện chí khí hào hùng, tinh thần đấu tranh của thế hệ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của ông cha ta.

Các em học sinh đến thăm quan, tìm hiểu lịch sử di tích
Hiện nay, UBND xã Tân An đã có những biện pháp bảo vệ giữ nguyên trạng đối với di tích Phế tích Đồn Trấn Hà theo đúng luật nhà nước về Luật Di sản văn hoá nhưng với hiện trạng hiện tại UBND xã đề nghị các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, xây dựng đề án phục dựng, tu bổ, bảo tồn để tái hiện lại không gian Phế tích Đồn Trấn Hà và rất cần sự chung tay của cộng đồng xã hội cùng chính quyền địa phương bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử - văn hoá gắn di tích với điểm di tích tâm linh Đền Cô Tân An, Đền Bảo Hà thành cụm du lịch tâm linh. Đồng thời, có sự kết nối du lịch cộng đồng tại địa phương tạo thành điểm đến hấp dẫn, trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo khai quật thám sát di tích Đồn Trấn Hà Lào Cai, năm 2018, Viên Khảo cổ học Việt Nam.
- Văn bản số 58/VSH ngày 26/3/2019 của Viện Sử học về đánh giá, giá trị di tích phế tích Đồn Trấn Hà, xã Tân An (Văn Bàn-Lào Cai).
- Lịch sử Đảng Bộ xã Tân An (1962-2017), Ban thường vụ Đảng uỷ xã Tân An, năm 2019.
- Lý lịch Di tích Phế tích Đồn Trấn Hà của Bảo tằng tỉnh Lào Cai, năm 2020