Văn Bàn quan tâm đổi mới hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật
Đổi mới hình thức phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật là yêu cầu thường xuyên. Nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền, ý thức tự giác tuân thủ pháp luật trong nhân dân, 6 tháng đầu năm 2024, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Văn Bàn luôn được UBND huyện quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Thông qua 3 kế hoạch và các văn bản chỉ đạo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Hòa giải ở cơ sở; đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn huyện Văn Bàn năm 2024.
Đồng chí Lương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn phát biểu khai mạc hội nghị.
UBND huyện đã triển khai kịp thời Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 4/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 - 2030”. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật huyện đã ban hành các văn bản, kế hoạch để triển khai, thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, PBGDPL chuyên sâu trên địa bàn huyện. Các cơ quan đơn vị, địa phương đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật theo đợt, theo chuyên đề, lồng ghép vào Hội nghị của các ngành; sinh hoạt của Chi bộ, sinh hoạt đoàn thể, họp cơ quan; họp thôn....Đến ngày 10/6/2024, huyện Văn Bàn đã tuyên truyền được 328 buổi với 45.454 lượt người tham gia, trong đó cấp huyện tổ chức 2 hội nghị, các cơ quan đơn vị 86 buổi, cấp xã tổ chức chức 326 buổi với 45.070 lượt người tham gia. Được tiếp thu nội dung của các văn bản pháp luật mới được Quốc hội khoá XIV thông qua. Luật Giáo dục; Luật Phòng, chống ma tuý; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật phòng, chống mua bán người; Luật đất đai; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật trẻ em; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Giao thông đường bộ; Luật phòng, chống tham nhũng; pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống tác hại của thuốc lá; phòng, chống cháy nổ; Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia…
Ngoài ra đã cấp phát được 614 cuốn sách luật, tài liệu về pháp luật. Công tác tuyên truyền trên sóng Phát thanh trên hệ thống truyền thanh - truyền hình huyện và cơ sở được tăng cường với 36 tin, bài, hàng chục văn bản tài liệu Luật liên quan. Trong 6 tháng đầu năm Phòng Tư pháp đã phối hợp với Sở Tư pháp, UBMTTQ huyện tổ chức 3 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 729 đại biểu là cán bộ cơ sở, hòa giải viên … Các cơ quan, đơn vị và UBND các xã cân đối ngân sách được cấp chi phục vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật 144.199.000 đồng.
Với những giải pháp tích cực công PBGDPL của các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Trong đó rõ nét nhất là sự nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của công tác này trong đời sống xã hội. Thực sự trở thành cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống. Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có được cơ sở pháp lý vững chắc cho việc triển khai các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã được triển khai đồng bộ và mạnh mẽ trên nhiều địa bàn, nhân dân ngày càng có điều kiện tìm hiểu pháp luật.
Phát huy kết quả đạt được trong 6 tháng cuối năm 2024, UBND huyện Văn Bàn tập trung chỉ đạo thực hiện đạt và vượt các mục tiêu kế hoạch về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Hòa giải ở cơ sở; đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn huyện Văn Bàn năm 2024. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội; Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 3 tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các hội viên tại các xã, thị trấn. Tổ chức có hiệu quả hội nghị phổ biến giáo pháp luật đợt III, IV năm 2024; Đẩy mạnh các hoạt động triển khai Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (09/11). Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phối kết chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, lựa chọn hình thức tổ chức, cách thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn.
Trên tinh thần đổi mới, sáng tạo mỗi ngành mỗi địa phương trên địa bàn huyện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp, hiệu quả với từng đối tượng tiếp cận. Đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống.