Tháng Chín trên quê hương cách mạng
Lượt xem: 238

Từ thị trấn Khánh Yên, theo Quốc lộ 279, chúng tôi về xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn vào một buổi sáng tháng Chín mùa thu. Bầu trời trong xanh, cái nắng dường như đã bớt phần gay gắt; dòng Nậm Khóa hiền hòa đưa nước mát về tưới cho hàng trăm ha lúa xanh mướt đang bước vào kỳ làm đòng. Xa xa, những ngôi nhà sàn quần tụ trông thật thanh bình, no ấm.

Xã Nậm Xé giáp ranh huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, được phân định bởi đèo Khau Co. Chính tại nơi này, tháng 10/1946 diễn ra trận công đồn Khau Co ác liệt của quân và dân huyện Văn Bàn. Dù thời gian đã phủ mờ, xóa nhòa mọi dấu vết của trận đánh tại thực địa, nhưng với ông Lý A Khô - người trực tiếp tham gia trận đánh mỗi lần nhớ lại đều cảm thấy bồi hồi khó tả. Năm đó, Lý A Khô là thiếu niên người dân tộc Mông xanh ở bản Tu, đã dẫn đường cho mũi tiến quân qua bản Tu (nay là bản Tu trên) luồn rừng, vượt suối hơn 3 giờ đồng hồ, cùng với hai mũi tiến quân khác bất ngờ tấn công ào ạt đồn Khau Co. Do chủ quan, chỉ chú ý bố phòng chặn đánh tuyến đường từ hướng Nậm Xé lên, quân Pháp ở đồn Khau Co thua đau, phần lớn bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh, chỉ có hai tên quan Pháp chỉ huy được trực thăng yểm trợ cứu thoát.

Nậm Xé trù phú.

Hồi tưởng lại trận đánh năm nào, ông Lý A Khô xúc động bảo: “Sau trận đánh, quê hương Văn Bàn được giải phóng, đồng bào các dân tộc địa phương được tự do, khắp bản trên xóm dưới, ai cũng vui mừng phấn khởi. Từ đây, bà con người Mông một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng, chung sức xây dựng quê hương. Trước đây, bản Tu trên chỉ có vài nóc nhà, nhưng giờ đã có hàng trăm hộ; cái đói, cái nghèo dần lùi xa; nhiều con đường mòn được đổ bê tông và mở rộng, việc đi lại thuận lợi hơn nhiều. Tất cả là nhờ những thành quả mà cách mạng mang lại…”.

… Ngược dòng lịch sử, không chỉ có trận công đồn Khau Co, trước khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân Văn Bàn đã tham gia phong trào phá kho thóc Nhật rồi thành lập chính quyền cách mạng (5/8/1945). Ngay trung tâm thị trấn Khánh Yên vẫn còn di tích lịch sử chiến thắng đồn Coóc. Lui vào phía trong là khu căn cứ bí mật của quân và dân Văn Bàn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được hình thành từ năm 1947 ở khu vực núi Gia Lan, xã Khánh Yên Thượng. Đây là khu căn cứ trong vùng địch do Huyện uỷ Văn Bàn chỉ đạo xây dựng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng huyện Văn Bàn nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Ngày nay, nơi này đã trở thành di tích lịch sử cách mạng và người dân quen gọi là Khu du kích Pú Gia Lan.

Đưa tôi đi thăm khu di tích, đứng dưới gốc đa cổ thụ tỏa bóng mát, ông Hoàng Văn Hơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Chiêu (xã Khánh Yên Thượng) nói: “Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, ngày nay, nhân dân trong bản luôn đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo...”. Ông Hơn chỉ tay ra phía cánh đồng xanh ngút tầm mắt chạy dọc theo chân núi Gia Lan dưới nắng vàng rực rỡ cho biết: Cả bản có 67 hộ, dù chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện nay đã có nhiều mô hình chăn nuôi khá hiệu quả. Điển hình như hộ ông Hà Ngọc Lưu, Hoàng Ngọc Sơn mỗi năm xuất chuồng vài chục con lợn, mang về nguồn thu nhập đáng kể. Ngoài ra còn có một số hộ chăn nuôi dê, gà, vịt kết hợp trồng trọt để tăng nguồn thu, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Kết thúc năm 2016, bản còn 8 hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm hơn 15%. Bản Chiêu đang “thay da đổi thịt” từng ngày, đời sống người dân được cải thiện rất nhiều… Ở bản Chiêu, kết quả rõ nét nhất là Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt việc giữ gìn an ninh, trật tự. Trước đây, tình trạng trộm cắp, tệ nạn xã hội khá phổ biến, gây bức xúc trong nhân dân. Chi bộ đã ra nghị quyết lãnh đạo, phân công từng đảng viên phụ trách các nhóm hộ, thành lập tổ tự quản thường xuyên tuần tra, nhắc nhở các gia đình quản lý con em không để mắc các tệ nạn xã hội. Nhờ vậy, số người nghiện ma túy đã tự giác đi cai nghiện, không để phát sinh người nghiện mới, tình hình an ninh, trật tự được đảm bảo.

Giờ đây, bất cứ ai mới đến hoặc trở lại Văn Bàn đều ngỡ ngàng trước diện mạo đổi thay của vùng quê cách mạng. Không riêng bản Tu trên ở Nậm Xé, bản Chiêu ở Khánh Yên Thượng - những địa danh gắn với quá trình đấu tranh cách mạng, mà ở các xã, thị trấn trong huyện, cuộc sống của đồng bào các dân tộc cũng ngày càng khởi sắc. Nhiều tuyến đường về thôn, bản được đổ bê tông sạch đẹp, những mái trường, trạm y tế được xây dựng khang trang. Bên cạnh nếp nhà sàn truyền thống là những ngôi nhà mới xây dựng kiên cố; quá khứ và hiện tại hòa quyện, đan xen đa dạng tạo nên bức tranh no ấm. Điểm qua một vài con số có thể thấy huyện Văn Bàn có những bước tiến đáng kể về mọi mặt. Tính đến năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt trên 19%; tỷ lệ hộ nghèo giảm, còn 28,25%; lần đầu tiên, huyện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chạm mức 3 con số (141 tỷ đồng). Giai đoạn 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định phát triển nông - lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm, xuyên suốt; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản là quan trọng; thương mại, dịch vụ là mũi nhọn. Rõ nét nhất, nhân dân huyện Văn Bàn đã và đang tích cực đưa nhiều loại giống lúa mới vào canh tác, xây dựng cánh đồng một giống, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa như: Lúa chất lượng cao, vùng trồng quế, thảo quả, rừng nguyên liệu, chăn nuôi đại gia súc, nuôi thủy sản. Chương trình xây dựng nông thôn mới với những cách làm sáng tạo đã huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của nhân dân trong việc đóng góp công sức, tiền của, hiến đất để mở đường, xây dựng nhà văn hóa.... đưa 4 xã được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Thu Hương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Bàn cho biết: Lịch sử đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh đi trước chính là tiền đề quan trọng để Văn Bàn tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, khắc phục khó khăn để phát triển. Với những thành tựu đạt được, cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất; Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp (năm 2003) và Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2010). Với quan điểm khơi dậy niềm tự hào của quê hương, không để mai một các giá trị văn hóa, lịch sử, việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ luôn được Huyện ủy quan tâm, trong đó cụ thể hóa bằng Đề án 05 về “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu; phát triển phong trào thể dục - thể thao huyện Văn Bàn giai đoạn 2016 - 2020”. Đặc biệt, ngay trong tháng 9 này, Huyện ủy tổ chức cuộc thi tìm hiểu 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (27/9/1947 - 27/9/2017) đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, để mỗi người dân thêm hiểu, tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, không ngừng nỗ lực, cống hiến, xây dựng Văn Bàn ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với những đóng góp của các thế hệ cha anh đã bảo vệ và giải phóng vùng đất này.

Chia tay vùng đất Văn Bàn trong âm hưởng của những ca khúc chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong tôi phơi phới niềm tự hào, tin tưởng về tương lai tươi sáng trên quê hương anh hùng dưới chân núi Gia Lan.

Nguyễn Thanh (tổng hợp) - Theo Báo Lào Cai

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner