Lào Cai: Tạo bước phát triển mới trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài
Lượt xem: 246

Kể từ thi Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 ra đời, tiếp theo đó là Luật Đầu tư năm 2005, Luật Đầu tư năm 2014 và các quy định pháp luật có liên quan, hoạt động thu hút, quản lý các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Lào Cai đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế của địa phương.

Ghi nhận từ thực tế

Mặc dù Luật Đầu tư nước ngoài ra đời và thực thi từ năm 1987, hoạt động FDI trên địa bàn tỉnh Lào Cai được khởi đầu vào năm 1996, nhưng trên thực tế đến cuối năm 1999 dự án FDI đầu tiên mới đi vào hoạt động. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2017, tỉnh Lào Cai thu hút được 61 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 623,5 triệu USD, các dự án chủ yếu tập trung khai thác các lĩnh vực thế mạnh, lợi thế của tỉnh về khu kinh tế cửa khẩu; du lịch dịch vụ; khai thác và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên mật độ phân bố của các dự án FDI không đồng đều, chủ yếu tập trung tại địa bàn thành phố Lào Cai, thị trấn Sa Pa và các khu công nghiệp của tỉnh. Nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội và triển khai thực hiện các dự án FDI là các Nhà đầu tư đến từ: Trung Quốc, Singapore, Pháp… và một số quốc gia khác.

Để có góc nhìn sâu hơn về hoạt động thu hút FDI trên địa bàn tỉnh, chia các giai đoạn theo sự điều chỉnh của Luật Đầu tư cho thấy: giai đoạn 1996-2005 (trước khi Luật Đầu tư năm 2005 có hiệu lực), Lào Cai thu hút được 32 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 48,8 triệu USD, tính bình quân vốn đầu tư đạt 1,5 triệu USD/dự án. Trong đó có 02 dự án của Nhà đầu tư Pháp; 01 dự án của Nhà đầu tư Singapore; 01 dự án đầu tư của Nhà đầu tư Hà Lan; 28 dự án của Nhà đầu tư Trung Quốc.

Một góc khu du lịch Topas Ecolodge - dự án FDI tại Sa Pa, Lào Cai.

Kể từ khi Luật Đầu tư năm 2005, Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực,  giai đoạn 2006 đến nay (2017), Lào Cai thu hút được 29 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 574,7 triệu USD, bình quân mỗi dự án đạt 19,8 triệu USD. Trong đó, có 01 dự án đầu tư của Singapore; 21 dự án của Nhà đầu tư Trung Quốc; 01 dự án của Nhà đầu tư Hàn Quốc; 05 dự án của Nhà đầu tư đến từ quốc gia khác.

Nhìn chung, so với cả nước kết quả thu hút FDI của Lào Cai mới chỉ đạt được ở mức ở mức thấp, song so với khu vực các tỉnh miền núi nói chung và so với điều kiện xuất phát điểm thấp của tỉnh Lào Cai tại thời điểm tái lập tỉnh năm 1991, kết quả thu hút FDI của Lào Cai trong giai đoạn vừa qua có thể đánh giá là đã đạt được những thành công bước đầu. Tiến độ triển khai và chất lượng thực hiện dự án FDI trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt được nhiều kết quả khả quan, vốn đầu tư giải ngân tăng mạnh qua các năm. Đến hết năm 2016, tổng vốn đầu tư giải ngân của các dự án FDI trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 405 triệu USD bằng 72,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Về hiệu quả kinh tế cho thấy, tổng doanh thu từ các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh  giai đoạn 1996 -2017 ước đạt 25.783 tỷ đồng, các doanh nghiệp FDI đóng góp cho ngân sách nhà nước đạt khoảng 2.006 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 183,2 triệu USD; tổng thu thuế, phí liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 670,3 tỷ đồng.

Về mặt xã hội, đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện nguồn nhân lực, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại.  Đến năm 2017, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn đã thu hút 3.500 lao động, thu nhập bình quân ước đạt 6.800.000 đồng/lao động/tháng, cao gấp 1,9 lần so với năm 2010, gấp 2,9 lần so với năm 2006 với điển hình là công ty liên doanh Khách sạn quốc tế Lào Cai.

Và những khó khăn

Điều đáng quan tâm là mặc dù tỉnh Lào Cai có những lợi thế nhất định trong thu hút nguồn FDI như nguồn khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn, tiềm năng thuỷ điện, tiềm năng phát triển thương mại, du lịch và nông lâm nghiệp; môi trường đầu tư của tỉnh Lào Cai được đánh giá là hấp dẫn..., nhưng trên thực tế Lào Cai chưa thu hút các dự án FDI  có quy mô vốn lớn, đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu như công nghiệp nặng, công nghệ thông tin, đặc biệt là các dự án nông nghiệp công nghệ cao cho khu vực nông nghiệp, nông thôn...

Một số dự án lớn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, song vì các quy định pháp luật về đầu tư còn chồng chéo, chưa đồng bộ gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Chẳng hạn, đối với dự án xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 thì chưa phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), song theo Luật Bảo vệ môi trường thì nhà đầu tư phải lập ĐTM để thẩm định cùng hồ sơ xin cấp phép đầu tư, trong trường hợp dự án đầu tư không được phê duyệt vì các nguyên nhân không thuộc ĐTM, thì rất khó khăn cho Nhà đầu tư do chi phí lập ĐTM thường chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng chi phí chuẩn bị đầu tư; hoặc đối với dự án FDI đăng ký đầu tư thuộc lĩnh vực mua bán hàng hóa thì theo quy định tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 của Chính phủ về hoạt động mua bán hàng hóa (vẫn còn hiệu lực thi hành), thì hồ sơ đăng ký đầu tư của Nhà đầu tư phải xin ý kiến thẩm tra của Bộ Công Thương trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư - nội dung này trái với quy định tại Luật Đầu tư năm 2014.

Bên cạnh đó, liên quan đến công tác quản lý hoạt động kinh doanh casino, theo đó Nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về kinh doanh casino quy định thực hiện áp dụng thí điểm cho phép người Việt Nam vào chơi tại điểm kinh doanh casino, tuy nhiên trên thực tế việc lựa chọn thí điểm tại điểm kinh doanh nào thì chưa ban hành bộ tiêu chí quy định cụ thể.

Đối với tỉnh Lào Cai, mặc dù đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã được thông xe toàn tuyến từ tháng 9/2014 nhưng những khó khăn vốn có của tỉnh miền núi, cách xa các trung tâm đô thị lớn (Hà Nội), hệ thống cảng biển (Hải Phòng) nên chi phí vận chuyển vẫn tương đối cao so với một số tỉnh đồng bằng, điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư FDI vào địa phương.

Những rào cản về ngôn ngữ, sự khác biệt về quy định pháp luật của Việt Nam với nước ngoài. Một số nhà đầu tư khi lập dự án không nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường nên khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Một số nhà đầu tư quy mô nhỏ, năng lực tài chính, hạn chế, trình độ quản lý yếu, không nắm vững các quy định pháp luật của Việt Nam, do đó khi triển khai thực hiện dự án gặp nhiều vướng mắc, hiệu quả đầu tư thấp.

Một thực tế nữa làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư FDI là quỹ đất để xúc tiến đầu tư hạn chế, nhất là đất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Hiện tại các khu công nghiệp không còn địa điểm để giới thiệu đến nhà đầu tư, khu công nghiệp phía Tây thành phố đang lập quy hoạch, Khu kinh tế cửa khẩu mở rộng đang xây dựng đồ án Quy hoạch chung trình Chính phủ phê duyệt. Hơn nữa, Lào Cai là địa phương có tới 64% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp; thiếu đội ngũ nhân lực có trình độ, kiến thức về kinh tế quốc tế, giỏi về ngoại ngữ, nghiên cứu sâu về thị trường; mặc dù có nguồn nhân lực khá dồi dào nhưng chưa được đào tạo về chuyên môn, tay nghề cao nên chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.

Tạo đà phát triển mới

Đến nay, Lào Cai vẫn đang đứng trước cơ hội thuận lợi trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên những thách thức nêu trên đặt ra đối với Lào Cai cũng không hề nhỏ, khi cuộc cạnh tranh để thu hút FDI trong khu vực ngày càng gay gắt, tỉnh Lào Cai rất cần Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút, quản lý đầu tư các dự án FDI đảm bảo đồng bộ, phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó tỉnh cũng cần chủ động tập trung rà soát quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực và công bố định hướng thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài tỉnh Lào Cai; xây dựng đề án trình Chính phủ cho phép mở mới, điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất vận động đầu tư; tiếp tục xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2017 – 2020.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động đầu tư nước ngoài, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành đối với các dự án có quy mô lớn, sử dụng nhiều đất, nhiều năng lượng và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... Rà soát và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án chậm hoặc không triển khai.

Song hành cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, duy trì và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cần tăng cường công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến đầu tư một cách nhanh chóng, thuận lợi, chính xác tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng hình thức như tuyên truyền qua sách, báo, website, hội thảo... Địa phương cần có cơ chế hoạt động đặc biệt (ví dụ cơ chế thưởng nếu kêu gọi được những dự cao lớn, công nghệ cao...) cho các đơn vị làm nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh công tác này.

Cần có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong điều kiện hội nhập kinh tế và thu hút FDI. Hiện nay, địa phương có nguồn lao động dồi dào, nhưng lao động có chất lượng cao như giám đốc điều hành, quản lý nhân sự, quản lý tài chính lại rất thiếu, thực tế cho thấy nguồn lao động chất lượng cao trên địa bàn hiện nay chủ yếu là lao động nước ngoài nhập khẩu hoặc lao động tạm trú từ địa phương khác, lao động của tỉnh phần lớn là lao động phổ thông có trình độ đầu vào không cao. Do đó, địa phương cần có chiến lược kết hợp cùng doanh nghiệp FDI đào tạo lao động kỹ thuật có tay nghề cao để đảm bảo nguồn nhân lực khi dự án FDI đi vào hoạt động.

Ngoài ra, trong hoạt động thu hút FDI vào địa bàn tỉnh không chỉ coi trọng cả số lượng và chất lượng mà cần coi trọng vào công nghệ cao, chính sách, khuyến khích các nhà đầu tư vừa và nhỏ, cần khai thác thế mạnh của các tập đoàn kinh tế trong nước và nước ngoài... nếu thực hiện được như vậy trong tương lai chắc chắn hoạt động FDI trên địa bàn tỉnh sẽ có những bước bứt phá ngoạn mục.

Nguyễn Thanh (tổng hợp) - Theo laocai.gov
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner