UBND huyện chỉ đạo tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Văn Bàn năm 2016
Lượt xem: 314

Để quản lý chặt chẽ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo sự chuyển biến cơ bản trong trong nhận thức, hành động về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện; ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy giảm tài nguyên, đa dạng sinh học; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lâu dài. Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên để ứng phó với biến đổi khí hậu ngày 25/4/2016 UBND huyện Văn Bàn đã ban hành kế hoạch Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Văn Bàn năm 2016 yêu cầu các phòng ban chuyên môn; UBND các xã, thị trấn chủ động tích cực trong việc tổ chức thực hiện cần tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể:

 Công tác tuyên truyền, tập huấn: Tổ chức 02 đợt tập huấn, tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức của nhân dân về Luật đất đai, khoáng sản, môi trường, nước cho công chức địa chính cấp xã về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Về tài nguyên đất hoàn thành công tác lập kế hoạch sử dụng đất năm 2016; thực hiện hoàn thành công tác lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; hoàn thành công tác lập quy hoạch chi tiết tại trung tâm các xã, thị trấn, xã Tân An, thị trấn Khánh Yên, xã Hòa Mạc, xã Khánh Yên Thượng. Công tác đo đạc chuẩn hóa hồ sơ địa chính bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 03 xã đã hoàn thiện (Dương Quỳ, Nậm Xây, Sơn Thủy); hoàn thiện công tác chuẩn hóa hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 02 xã (Thẩm Dương, Nậm Chày). Công tác thu hồi đất giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình dự án đảm bảo đúng tiến độ; giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở; phát triển quỹ đất để đấu giá, thu tiền sử dụng đất trên 15 tỷ đồng tại thị trấn Khánh Yên diện tích đất khai thác 0,24 ha, trung tâm xã Chiềng Ken 0,4 ha, trung tâm xã Làng Giàng 0,3 ha, xã Văn Sơn 0,25 ha, xã Nậm Dạng 0,2ha; cấp giấy chứng nhận QSD đất, thu tiền sử dụng đất đối với các hộ gia đình cá nhân, sử dụng đất ổn định; lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong công tác quản lý, sử dụng đất đai đối với xã Tân Thượng, xã Làng Giàng. Về tài nguyên khoáng sản phối hợp với Sở Tài nguyện và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép 03 điểm mỏ khai thác cát, sỏi trên sông suối đối với 03 tổ chức doanh nghiệp tại các xã (Tân An, Hòa Mạc, Dương Quỳ); xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với các điểm mỏ đã được cấp phép, đảm bảo khai thác và chế biến khoáng sản theo đúng quy định. Về tài nguyên rừng quản lý quỹ đất rừng theo quy hoạch 03 loại rừng đã được phê duyệt; hoàn thiện công tác kiểm kê rừng trên địa bàn huyện; thực hiện trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc trên địa bàn huyện diện tích 1.290 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 65,4%. Về tài nguyên nước thực hiện kiểm kê tài nguyên nước (về số lượng, chất lượng), hiện trạng khai thác nguồn nước; lập danh mục các công trình xả nước thải vào nguồn nước; kiểm soát tình hình ô nhiễm nguồn nước; hạn chế tối đa việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng  thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học. Về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu xử lý rác thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư tập trung đầu tư nâng cấp bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt đô thị hợp vệ sinh tại trung tâm huyện, hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới đối với 03 xã (Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ). Xử lý nước thải định kỳ tổ chức nạo vét, vệ sinh rãnh thoát nước khu trung tâm huyện; xử lý, khắc phục sự cố đối với hệ thống thoát nước đô thị. Thực hiện các nhiệm vụ về quản lý đa dạng sinh học, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ các loài sinh vật ngoại lại được đưa vào địa bàn. Bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Lồng ghép các chỉ tiêu bảo tồn đa dạng sinh học trong việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn nâng cao trữ lượng rừng”. Rà soát, củng cố, xây dựng các phương án, các công trình phòng chống thiên tai trọng điểm, cấp bách. Xác định và cắm biển báo các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Với mỗi nhiệm vụ cụ thể thì có giải pháp thực hiện: Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức yêu cầu các cơ quan đơn vị, tổ chức chính trị xã hội tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền các Nghị quyết, Chỉ thị, chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, hình thành về ý thức trách nhiệm chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền.

Giải pháp về cơ chế, chính sách: Rà soát xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm dần và thực hiện đồng bộ, khoa học các thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết. Bố trí nguồn kinh phí đầu tư cho bảo vệ môi trường nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường; huy động nguồn xã hội hóa, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với việc giải quyết các vấn đề môi trường quan trọng, cấp bách. Xây dựng cơ chế khuyến khích thành lập các quỹ tài trợ cho các sáng kiến, mô hình dựa vào cộng đồng, các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường vì lợi ích chung của xã hội. Yêu cầu về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các địa phương nơi khai thác khoáng sản.

Giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Quan tâm vận động đầu tư trang thiết bị hiện đại về quan trắc môi trường, cảnh báo tự động đối với việc cháy rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên; cảnh báo hiện tượng lũ ống, lũ quét và sự biến đổi của thời tiết. Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp chất lượng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế và hệ số sử dụng đất. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế các loại giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với sự biến đổi khí hậu...

Giải pháp về tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường: Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực theo quy định; tiếp dân và giải quyết dứt điểm đơn thư KNTC; xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường… Tổ chức, sắp xếp bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực quản lý, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực làm công tác quản lý tài nguyên và môi trường để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cấp xã, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới. Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện; bổ sung, bố trí biên chế đủ cán bộ quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp huyện và cấp xã, từng bước nâng cao về chất lượng và trang thiết bị phục vụ. Tổ chức quản lý cán bộ CCVC ngành Tài nguyên và Môi trường theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thống nhất từ huyện đến xã. Đào tạo, phát triển nhân lực có chất lượng cao về quản lý tài nguyên và môi trường. Trong công tác quản lý bảo vệ môi trường nâng cao chất lượng thẩm định, xác nhận Kế hoạch BVMT và Đề án BVMT đơn giản, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau xác nhận của các dự án đầu tư. Đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật cần thiết về công tác bảo vệ môi trường đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về môi trường cấp huyện. Đẩy mạnh hợp tác khu vực về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải; chủ động và tích cực tham gia cùng cộng đồng giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường; phối hợp xây dựng cơ chế hợp tác với các địa phương lân cận để giải quyết vấn đề môi trường liên vùng; giảm phát thải cacbon, ô nhiễm đất, nguồn nước không khí,… Công tác tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước và tài nguyên rừng tăng cường công tác quản lý đất đai ở các cấp, đặc biệt là đối với các xã, thị trấn; Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồng thời tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Chú trọng công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện tốt công tác đăng ký biến động đất đai. Bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các địa phương, các ngành liên quan trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra vi phạm mà không xử lý kịp thời. Khuyến khích việc thu hồi triệt để khoáng sản, quặng nghèo. Quản lý, bảo vệ, tập kết lưu kho để sử dụng sau này đối với quặng nghèo được bóc vỉa cùng với đất, đá thải mà hiện nay chưa có công nghệ để chế biến thu hồi. Tập trung cho công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Các ngành, địa phương có trách nhiệm thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ và giải quyết các vấn đề liên quan đến tài nguyên đất, rừng, khoáng sản và tài nguyên nước. Ứng phó với biến đổi khí hậu cần khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; hỗ trợ người dân trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn. Đôn đốc các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc trồng rừng thay thế. Chủ động cập nhật các nội dung về biến đổi khí hậu tác động ảnh hưởng đến các địa phương, các lĩnh vực để lồng ghép vào thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tăng cường sự phối hợp và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; soát, xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành và địa phương trên nguyên tắc xác định rõ trách nhiệm cơ quan đầu mối để bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Vương Thị Thảo - Văn phòng UBND huyện

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner