Kinh doanh chế biến gỗ và lâm sản ở huyện Văn Bàn thực trạng và giải pháp
Lượt xem: 528

          Văn Bàn hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm trên 80%.  23 xã, thị trấn đều có diện tích rừng và đất lâm nghiệp, tài nguyên động, thực vật rừng phong phú đa dạng. Nhiều chủng loại gỗ có chất lượng phục vụ cho các công trình xây dựng, cũng như trang trí nội thất, đồ dùng sử dụng trong sinh hoạt gia đình.

          Với chủ trương phát triển kinh tế, tăng thu nhập từ rừng và chế biến hàng hóa từ lâm sản. Các cấp có thẩm quyền đã cấp giấy phép kinh doanh về ngành nghề chế biến lâm sản trên địa bàn. Hiện nay, Văn Bàn có 29 cơ sở được cấp giấy phép kinh doanh ngành nghề chế biến lâm sản. Gồm: 03 Công ty trách nhiệm hữu hạn, 05 hợp tác xã, 21 hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, sản xuất ván ép 01 cơ sở; Sản xuất ván bóc 4 cơ sở; Chế biến lâm sản (cưa xẻ gỗ) 10 cơ sở; Gia công chế biến đồ mộc dân dụng là 14 cơ sở.

          Những năm trước đây, do được hưởng lợi từ rừng tự nhiên, nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chủ yếu gỗ rừng tự nhiên có khối lượng lớn. Do đó có nhiều tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đăng ký kinh doanh ngành nghề chế biến kinh doanh lâm sản (năm 2013 có 47 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản). Mấy năm trở lại đây, thực hiện chủ trương của Nhà nước đóng cửa rừng, hạn chế khai thác gỗ rừng tự nhiên. Đến nay, nguồn gốc lâm sản đưa vào chế biến của các cơ sở chủ yếu là gỗ rừng trồng của hộ gia đình và gỗ bán phát mại của cơ quan có thẩm quyền. Lâm sản đưa vào chế biến có nguồn gốc hợp pháp, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép khai thác, vận chuyển theo Thông tư số 35/2011 và Thông tư số 01/2012 của Bộ NN & PTNT ban hành. Nhìn chung các cơ sở đều chấp hành luật bảo vệ và phát triển rừng, không có dấu hiệu sai phạm trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh lâm sản. Mở sổ sách theo dõi nhập, xuất lâm sản đầy đủ, đúng quy định, lâm sản đưa vào chế biến có nguồn gốc hợp pháp. Cam kết bảo vệ môi trường, xung quanh cơ sở xây tường rào che chắn, xây phòng để phun sơn nên hạn chế tác động gây ảnh hưởng đến môi trường. Nộp thuế đầy đủ theo quy định, không có cơ sở nợ đọng tiền thuế.

          Tuy nhiên, một thực trạng hiện nay cho thấy. Trong tổng số 29 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn. Hiện đã có 4 cơ sở tạm ngừng hoạt động với nhiều lý do khác nhau, còn lại 25 cơ sở hoạt động cầm chừng, do khó khăn về nguồn nhiên liệu. Có những cơ sở chỉ hoạt động theo thời vụ hoặc chế biến những lâm sản do người khác đem đến thuê gia công. Phần lớn số cơ sở chưa tập trung chế biến thành các sản phẩm cao cấp, mà chủ yếu sơ chế từ gỗ tròn thành gỗ xẻ, ván cốt pha, thanh lan để tiêu thụ, giá trị sản phẩm chưa cao. Mặt khác nhà xưởng chủ yếu được che chắn bằng vật liệu thô sơ, gây tiếng ồn, bụi, mùi thuốc hoá học làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

          Từ năm 2013 UBND huyện Văn Bàn đã quy hoạch khu vực cụm tiểu công nghiệp. Trong đó quy hoạch cả khu vực sản xuất cho kinh doanh, chế biến lâm sản, nhưng cho đến nay mới có Hợp tác xã Mường Thát đang xây dựng nhà xưởng để đưa vào hoạt động. Còn lại các cơ sở khác chủ yếu sản xuất, kinh doanh tại gia đình.

          Để khắc phục tình trạng trên, ngoài cơ chế chính sách ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở mở rộng kinh doanh, chế biến, thu hút nguồn lao động tại địa phương. Nhà nước cần hỗ trợ về mặt tài chính để tạo điều kiện thúc đẩy nhân dân tích cực tham gia trồng rừng và phát triển rừng. Tạo nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để thay thế nguồn nguyên liệu từ rừng tự nhiên. Lực lượng kiểm lâm là nòng cốt theo dõi, kiểm tra định kỳ theo tháng, quý, năm. Rà soát, lập cơ sở dữ liệu các cơ sở đang hoạt động và không còn hoạt động. Thành lập các tổ kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh, chế biến lâm sản. Tham mưu, phối hợp với các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản sớm tiếp cận được chính sách ưu đãi. Đẩy mạnh nhập khẩu máy móc tiên tiến, hiện đại, cải tiến quy trình sản xuất là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Điều này sẽ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người trồng rừng.

Chu Văn Lai

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner