Huyện Văn Bàn chuẩn bị các phương án chống hạn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm ứng phó với hiện tượng El - Nino
Lượt xem: 135

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp năm 2016, UBND huyện đưa ra một số phương án ứng phó với hạn hán và chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm ứng phó với hiện tượng El - Nino.

Về thời vụ: Qua theo dõi một số năm cho thấy hạn thường xuất hiện từ trung tuần tháng 4 đến cuối tháng 5, do vậy việc bố trí thời vụ xuống giống cần lưu ý không để các thời kỳ mẫn cảm (cây lúa đứng cái, làm đòng, cây ngô thời kỳ trỗ cờ, phun râu) trong thời gian hạn hán trên. Căn cứ vào diễn biến thời tiết, thời gian sinh trưởng của cây trồng xác định thời vụ, cây trồng phù hợp. Đối với cây lúa: Diện tích lúa 2 vụ chủ động nước tưới tiêu có thể áp dụng lịch thời vụ Xuân sớm gieo mạ giữa tháng 1, cấy trong tháng 2 (bắt buộc phải sử dụng các biện pháp chống rét cho mạ và lúa xuân sớm); tránh sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng cây lúa làm đòng, trỗ bông cuối tháng 3 đầu tháng 4/2016; Chính vụ gieo mạ đầu tháng 2 đến giữa tháng 2 (thời vụ tốt nhất xung quanh tiết lập Xuân ngày 04/2), cấy cuối tháng 2 trung tuần tháng 3 (tức gieo mạ từ 23 - 28/12 năm Ất Mùi), tuổi mạ cấy đạt 2,5 - 3 lá thật; Xuân muộn gieo mạ cuối tháng 2, cấy trong tháng 3. Diện tích lúa 2 vụ không chủ động nước tưới tiêu căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương có thể áp dụng 1 vụ lúa, 1 màu theo 1 trong 2 phương án (gieo mạ trung tuần tháng 3, cấy đầu tháng 4 (nếu hạn vào thời điểm lúa đẻ nhánh thì mức độ ảnh hưởng ít, vì thời kỳ đẻ nhánh lúa không cần nhiều nước); gieo mạ đầu tháng 4 (vụ lúa mùa bố trí lúa mùa muộn) nếu hạn nặng chuyển đổi sang trồng ngô, đậu tương). Ruộng 1 vụ lúa: Gieo mạ cuối tháng 5, cấy trong tháng 6 hoặc gieo mạ cuối tháng 6, cấy đầu tháng 7; nếu hạn gay gắt, chuyển đổi sang trồng ngô, đậu tương (gieo trồng vào giữa tháng 7). Đối với cây ngô: Trên đất ngô 2 vụ gieo hạt vào trung tuần tháng 1 đến đầu tháng 2 hoặc gieo hạt vào cuối tháng 3 (dự kiến thời gian hạn khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5, lúc này ngô có 7 - 9 lá khả năng chịu hạn cao nhất không ảnh hưởng nhiều đến năng suất); nếu hết tháng 5 không có mưa bỏ vụ ngô xuân. Trên đất ngô 1 vụ căn cứ tình hình thời tiết bố trí thời vụ cho hợp lý, thời gian gieo hạt đầu tháng 6 đến trung tuần tháng 7.

Cơ cấu giống: Ưu tiên sử dụng các giống ngắn ngày, các giống chịu hạn trong cơ cấu cây trồng mà Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành để bố trí gieo trồng: Đối với giống lúa sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày để gieo cấy như: VL20, LC212, LC270, LC25, TH3-3, Hoa khôi 4, Thiên ưu 8, (BC15 đối với các xã có Phương án được UBND huyện chấp nhận) và một số giống lúa thuần địa phương chịu hạn. Đối với giống ngô sử dụng các giống ngô như: LVN885, LVN092, LVN 145(AG59), SB099, Bioseed 9698, CP888, CP3Q, DK (8868, 6919, 9955, 9901), NK (4300, 66, 54) và một số giống ngô địa phương có khả năng chịu hạn.

Các giải pháp kỹ thuật: Biện pháp hữu hiệu nhất để thích ứng với điều kiện thời tiết khô hạn trong giai đoạn hiện nay là áp dụng đồng bộ các biện pháp tưới tiết kiệm nước. Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước là kỹ thuật cung cấp nước hiệu quả, tùy vào nhu cầu thực tế của cây trồng trong các giai đoạn, điều kiện khác nhau mà cung cấp chế độ và lượng nước phù hợp để góp phần nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Tùy vào các đối tượng cây trồng khác nhau mà ta có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật sử dụng nguồn nước tiết kiệm khác nhau. Đối với cây lúa: Áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến (SRI), cấy mạ non, quản lý nước ướt - khô xen kẽ. Ruộng trồng lúa không phải luôn luôn cần ngập nước, ruộng chỉ cần đủ nước trong những giai đoạn quan trọng, cụ thể: Giữ mực nước sâm sấp mặt ruộng từ khi cấy đến khi cây lúa bén rễ hồi xanh 7 - 10 ngày, sau đó tháo cạn nước ruộng sau khi ruộng nẻ chân chim cho nước vào, giữ nước sâm sấp trong ruộng 5 - 7 ngày lại tháo đi... Sau khi bón thúc lần 2 (sau cấy 35 - 40 ngày) thì cho nước vào, giữ nước đến khi lúa đỏ đuôi. Đối với cây ngô: Áp dụng biện pháp tối thiểu, trồng ngô đảm bảo mật độ tối thiểu 5,5 vạn cây/ ha để hạn chế sự bốc hơi nước. Tập trung tu bổ kênh mương nội đồng, bờ vùng bờ thửa, triển khai nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy; tăng cường đào ao, giếng, đắp đập tạm trữ nước, tìm nguồn nước, lắp đặt máy bơm dã chiến, đảm bảo tích trữ nguồn nước khi có mưa để phục vụ sản xuất.

Vương Thị Thảo: Văn phòng UBND huyện

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner