Văn Bàn: Ðẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp
Lượt xem: 304

Thời gian qua, huyện Văn Bàn đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân.

Với lợi thế diện tích đất đồi tương đối lớn, trồng nghệ vàng đang là một trong những mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp có triển vọng tại Văn Bàn. Đây là mô hình liên kết sản xuất giữa Công ty TNHH Kiên Trang với người dân qua “cầu nối” là Ban Quản lý Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 (WB2) huyện Văn Bàn. Dự án đang được triển khai tại 4 xã: Dương Quỳ, Làng Giàng, Liêm Phú, Chiềng Ken.

Chị Hoàng Thị Van, thôn Khuổi Ngoa, xã Liêm Phú là hộ nghèo, không có nhiều đất sản xuất, kinh tế rất khó khăn, nên chị chỉ trồng nghệ trên bãi soi cạnh nhà. Chị Van cho biết: “Trước kia, trên diện tích này, gia đình trồng ngô, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, giờ trồng nghệ vàng, cây phát triển tốt và không cần nhiều công chăm sóc. Tôi hy vọng đây sẽ là cây mang lại thu nhập cao cho gia đình”. Hiện, xã Liêm Phú có gần 200 hộ dân, đa phần là hộ nghèo được thụ hưởng từ dự án trồng nghệ với diện tích trên 28 ha.

Trồng nghệ là một trong những mô hình liên kết sản xuất có triển vọng.

Trước đó, Ban Quản lý Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 huyện Văn Bàn đã khảo sát, thăm dò ý kiến của người dân về việc đưa cây nghệ vàng vào trồng thí điểm tại 4 xã với tổng diện tích 112 ha. Nghệ vàng thường được trồng trong vườn nhà để làm gia vị, đặc điểm cây dễ sống, dễ chăm sóc, vốn đầu tư thấp... phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ dân. Qua khảo sát, hầu hết người dân có nguyện vọng trồng thử nghiệm loại cây này với quy mô lớn để tạo ra sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường, thay thế những cây trồng truyền thống kém hiệu quả. Tháng 4/2017, Ban Quản lý Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 huyện Văn Bàn đã liên kết với Công ty TNHH Kiên Trang (Vĩnh Phúc) để cung ứng giống và tiêu thụ sản phẩm. Công ty có trách nhiệm hỗ trợ giống, phân bón với số tiền tương ứng trên 2,1 tỷ đồng và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm củ nghệ vàng cho nông dân. Để giúp người dân tại các xã thực hiện dự án, huyện đã phân công cán bộ giám sát quá trình tập huấn kỹ thuật, giao nhận giống, tạm ứng, nghiệm thu thanh toán tiền theo quy định về quản lý tài chính. Hầu hết diện tích trồng nghệ đang phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch từ tháng 12/2017 đến hết tháng 2/2018, năng suất ước đạt tối thiểu 20 tấn/ha. Công ty TNHH Kiên Trang cam kết đến vụ thu hoạch sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm, giá không thấp hơn 4.000 đồng/kg củ tươi.

Ngoài mô hình trồng nghệ vàng, nhiều hộ dân tại 2 xã Sơn Thủy và Tân Thượng cũng rất phấn khởi khi được tham gia dự án nuôi gà J-DABACO. Hiện, gà có trọng lượng trung bình hơn 2 kg/con và có thể xuất bán. Mô hình nuôi gà J-DABACO do Ban quản lý Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 huyện Văn Bàn liên kết với Hợp tác xã (HTX) Hướng Nghiệp, được triển khai tại 2 xã Sơn Thủy và Tân Thượng, có 314 hộ dân được thụ hưởng, đây là các hộ nghèo hoặc cận nghèo. Với sự hỗ trợ của Ban Quản lý dự án giảm nghèo giai đoạn 2 huyện Văn Bàn, HTX Hướng Nghiệp cam kết bao tiêu với giá 57.000 đồng/kg gà thương phẩm, người dân được cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng, thức ăn và thuốc phòng, chống dịch bệnh cho gà. 

Gia đình chị Lự Thị Hương, thôn Khe Phạt, xã Sơn Thủy đang nuôi 100 con gà J-DABACO, trọng lượng gần 3 kg/con. Chị Hương vốn là hộ nghèo, không có vốn để phát triển kinh tế, tháng 8/2017, chị cùng với 116 hộ khác trong xã được cấp gà giống và thức ăn chăn nuôi (mỗi hộ được cấp 100 con gà giống và 50 kg cám để chăn nuôi). Chị Hương cho biết: Trước kia, gia đình từng nuôi giống gà này, do không nắm được kỹ thuật, nên hiệu quả thấp. Từ khi có sự hỗ trợ của dự án, được tham gia 2 lớp tập huấn kỹ thuật, nên tôi biết cách chăm sóc, gà lớn nhanh hơn. Ông Trần Trung Phương, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết: Hiện, gà của các hộ dân đều sinh trưởng tốt, tỷ lệ gà sống đạt hơn 90%, trọng lượng trung bình khoảng 2,3 kg/con.

Trồng nghệ vàng và nuôi gà J-DABACO là hai dự án mà Ban Quản lý Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 của huyện Văn Bàn đang triển khai và được đánh giá bước đầu mang lại hiệu quả. Ông Mùng Thanh Tùng, Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 huyện Văn Bàn cho biết: Việc đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất sẽ tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao kỹ thuật, phương pháp sản xuất cho người dân địa phương. Ngoài 2 mô hình trên, huyện Văn Bàn đang nghiên cứu để mở rộng thêm các mô hình liên kết phát triển kinh tế hiệu quả.

HOÀNG THU

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner