Kỹ thuật canh tác lúa phát huy hiệu ứng hàng biên (Cấy hàng rộng, hàng hẹp)
Lượt xem: 818

Để lúa sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh hại, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, sản lượng hiệu quả sản xuất bà con nông dân có thể áp dụng phương thức gieo cấy phát huy hiệu ứng hàng biên kết hợp với sức tạo bông tối ưu trên khóm, có thể hiểu đơn giản phương pháp canh tác này là gieo cấy theo phương pháp cấy hàng rộng - hàng hẹp.


Với kiểu canh tác này, hàng sông lớn (hàng rộng) có tác dụng làm xuất hiện hiệu ứng hàng biên tối ưu cho mọi khóm lúa; còn hàng sông nhỏ (hàng hẹp) làm tối ưu hóa khả năng đẻ nhánh, tạo số bông hợp lý trên mỗi khóm. Các khóm lúa nếu được gieo cấy thưa sẽ tận dụng được nhiều ánh sáng hơn. Bởi khi chiếu thẳng, ánh sáng vẫn lọt xuống thân lá tầng dưới; còn khi chiếu xiên, ánh sáng vẫn chiếu vào thân lá dưới gốc. Nhờ vậy, mỗi cá thể và quần thể lúa đều quang hợp tốt, vận chuyển và tích lũy các chất hiệu quả hơn hẳn so với với lúa cấy theo các phương pháp khác. Với cách cấy thông thường hiện nay bà con đi thăm đồng đều cảm nhận được các khóm lúa cạnh bờ bao giờ cũng tốt hơn các khóm lúa phía trong ruộng, số bông/1 khóm nhiều hơn, số hạt và hạt chắc/bông nhiều hơn, ít sâu bệnh hại hơn đó là do các khóm lúa cạnh bờ đã quang hợp tốt, vận chuyển và tích lũy các chất hiệu quả hơn các khóm phía trong. Do cứ cấy 1 hàng rộng lại cấy 1 hàng hẹp, nên cây lúa nhận được nhiều ánh sáng, không những cây đẻ nhánh khỏe, đẻ tập trung, bông to hạt mẩy mà còn ít sâu bệnh, đặc biệt là rầy nâu và khô vằn nên giảm số lần phun thuốc. Chi phí giảm, năng suất tăng là hiệu quả của phương pháp canh tác này.

Kỹ thuật canh tác phát huy hiệu ứng hàng biên như sau:

1. Chuẩn bị giống

Tất cả các giống đều có thể cấy theo hàng rộng hàng hẹp và đều đem lại hiệu quả cao hơn so với phương pháp cấy truyền thống, tuy nhiên bà con nên chọn những giống lúa có khả năng đẻ nhánh khá, đẻ nhánh khỏe sẽ cho hiệu quả cao hơn.

Do cấy thưa, nên lượng giống cần ít và đặc biệt là cấy nhanh nên sẽ giảm được công cấy, lượng giống chỉ cần sử dụng từ 0,5 - 0,8 kg/sào, tùy giống hạt to hay nhỏ, vụ Xuân hay vụ Mùa, giống thuần hay giống lai.

2. Cách cấy

Có thể hiểu nôm na cấy hàng rộng - hàng hẹp là cứ cấy 2 hàng như thông thường lại bỏ 1 hàng (theo hướng Đông-Tây để tận dụng toàn bộ ánh sáng quang hợp là tốt nhất), cấy lặp lại như thế cho đến khi hết ruộng.

Để đảm bảo cấy đúng khoảng cách hàng sông lớn và hàng sông bé, nên dùng thước đo ở 2 đầu bờ ruộng. Dùng 2 bộ dây cấy và 2 người cấy là tốt nhất. Sau khi đo khoảng cách hàng sông lớn và hàng sông bé thì cắm dây ở 2 đầu bờ cho căng và tiến hành cấy. Có thể dùng bộ cữ cấy chuẩn bị từ trước để cấy dễ dàng hơn.


Khoảng cách hàng, mật độ gieo cấy cho mỗi giống lúa được tính toán dựa vào đặc điểm của giống: Chiều cao cây, khả năng đẻ nhánh, đặc điểm đất và mức độ thâm canh, mùa vụ... Giống lúa có chiều cao càng lớn, mật độ cấy càng thấp để đảm bảo thời gian cả khóm lúa nhận được ánh sáng trong ngày nhiều nhất.

Cụ thể mật độ và khoảng cách cấy đối với từng giống lúa có thể áp dụng như sau:

- Với những giống đẻ nhánh khỏe như lúa lai và giống BC15, TBR225: cấy mật độ xung quanh 12- 16 khóm/m2, cấy từ 1-2 rảnh mạ/khóm

Trong đó:  

- Hàng sông lớn: 40-45 cm

- Hàng sông bé: 20 -22 cm

- Khóm cách khóm: 20-25 cm (cấy từ 4-5 khóm/1m dài)

- Với những giống lúa đẻ nhánh trung bình - khá như TBR1, Thiên ưu 8, Bắc thơm, Hương thơm… cấy mật độ xung quanh 16- 20 khóm/m2, cấy từ 2-3 dảnh mạ/khóm.

Trong đó:

- Hàng sông lớn: 40-42 cm

- Hàng sông bé: 19- 21 cm

- Khóm cách khóm: 15-20 cm (cấy 5-6 khóm/1m dài)

- Với các giống nếp Thẩm Dương, nếp Nậm Xây, nếp Hoa vàng, tẻ Chăm Pét... cấy mật độ xung quanh 10- 14 khóm/m2, cấy từ 3-4 dảnh mạ/khóm

Trong đó:

- Hàng sông lớn: 45-55 cm

- Hàng sông bé: 22-25  cm

- Khóm cách khóm: 25 cm (cấy 4 khóm/1m dài)

3. Phân bón và cách bón phân

Cần chuẩn bị 2-3 tạ phân hữu cơ (nếu có) để bón lót. Với phân hóa học, ưu tiên phân NPK chuyên dùng cho lúa. Lượng phân bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất, ghi trên bao bì theo tỷ lệ từng loại phân N-P-K để bón cho phù hợp. Về bón lót, cần bón sâu toàn bộ lượng phân hữu cơ (nếu có) trước khi bừa lần cuối.

Về bón thúc, trong các phương pháp cấy thường, bà con hay rải đều trên mặt ruộng; nhưng với cấy hàng biên, cần bón tập trung vào hàng sông nhỏ để cây sử dụng dinh dưỡng tốt hơn (đi dọc hàng sông lớn để bón hai bên theo hàng sông nhỏ). Có thể chia thành 2 lần bón thúc: Khi lúa bén rễ, hồi xanh (sau cấy từ 3-5 ngày, bón 2/3 lượng phân NPK chuyên thúc) và khi lúa đứng cái (bón hết lượng NPK chuyên thúc còn lại).

Lưu ý:

- Phải diệt trừ ốc bươu vàng để tránh khuyết mật độ: Có thể bắt thủ công nếu ít hoặc dùng thuốc trừ ốc bươu vàng nếu nhiều.

- Do cấy thưa, ánh sáng nhiều nên cỏ dại phát triển mạnh trên hàng sông rộng, cần trừ bằng cào cỏ (chỉ nên dùng thuốc trừ cỏ khi ruộng có lịch sử nhiều cỏ) để vừa hạn chế cỏ cạnh tranh dinh dưỡng với lúa vừa tạo môi trường đất thông thoáng giúp vi sinh vật có ích và bộ rễ phát triển mạnh.

- Đối với sản xuất vụ Mùa do thời gian sinh trưởng của cây lúa ngắn hơn vụ Xuân nên tăng số dảnh mạ cấy/1 khóm lúa so với vụ Xuân để tăng số bông/khóm.

Phạm Bình Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện 

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner