Hợp tác xã Phương Thái điển hình trong hoạt động “HTX kiểu mới” trên địa bàn huyện Văn Bàn.
Lượt xem: 644

Nằm về phía Tây Nam huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, xã Nậm Tha là xã vùng sâu, vùng xa của huyện, nhưng những năm gần đây Hợp tác xã chế biến lâm sản gắn với trồng rừng nguyên liệu Phương Thái lại là đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua của mô hình kinh tế tập thể ở Văn Bàn nhờ biết khai thác lợi thế của địa phương.

Tiền thân là một đơn vị chuyên khai thác lâm sản rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Văn Bàn, do sớm nhận thức được xu thế phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu về gỗ cho sản xuất và tiêu dùng ngày một cao, hơn nữa tình trạng khai thác rừng tự nhiên đã dần cạn kiệt, làm giảm độ tán che phủ của rừng, gây sói mòn, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái. Khi hoạt động theo mô hình Hợp tác xã cũ, tất cả các thành viên trong Hợp tác xã đều cùng hưởng, chia sẻ lợi ích như nhau. Tháng 12 năm 2014 Hợp tác xã đã tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012, tổ chức trên cơ sở liên kết của cá nhân, hộ gia đình, cung cấp các dịch vụ đầu vào và dịch vụ đầu ra, các khâu của quá trình sản xuất, do đó không làm mất đi, hay triệt tiêu kinh tế hộ.

Cùng với việc khai thác chế biến lâm sản, ngay từ năm 2008 HTX Phương Thái đã bắt tay vào trồng rừng nguyên liệu để phục vụ sản xuất lâu dài, chủ yếu là cây keo lai với diện tích hơn khoảng 110 ha, đồng thời HTX cũng tuyên truyền vận động và hỗ trợ Nhân dân về giống, vốn để trồng rừng sản xuất mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ cho công tác chế biến lâm sản của HTX lên hàng 1.000 ha, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn xã Nậm Tha.

                                                

Diện tích rừng trồng keo lai năm 2008 của HTX đã được thu hoạch đưa vào chế biến từ năm 2013. Hiện nay ai có dịp vào khu vực thôn Khe coóc, xã Nậm Tha nhìn cánh rừng trải dài một màu xanh mênh mông, ít ai biết được rằng, trước đây các khu vực này này chỉ là đất trống, đồi núi trọc, cỏ tranh, lau lách, đất xấu pha sỏi nên không ai dám nhận, lúc đó HTX Phương Thái đã đứng ra nhận, nhiều người cho là liều lĩnh.

Những ngày mới thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn từ nhận thức của người dân cho đến xã viên trong HTX, nhân dân chưa hiểu hết được giá trị kinh tế của rừng, thêm nữa đời sống kinh tế của người dân lúc bấy giờ cũng khó khăn, nên họ tham gia trồng rừng ít, ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng còn hạn chế, đặc biệt khó khăn nhất là vốn sản xuất, với 200 triệu đồng được hỗ trợ từ dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo quyết định 147 của Chính phủ cũng chẳng là bao so với vốn đầu tư để phủ xanh trên 110 ha đất trống đồi núi trọc. Hơn nữa công tác bảo vệ chăm sóc rừng cũng gặp không ít trở ngại bởi diện tích rừng của HTX nằm xen kẽ với nương ngô, lúa của người dân, cùng với đó là tình trạng các hộ dân thả rông gia súc.

Để công tác chăm sóc, bảo vệ rừng đạt được hiệu quả, HTX đã mua diện tích đất nương của các hộ dân nhằm tạo khối rừng phòng hộ liên hoàn, thuận lợi cho công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng. Song song với đó, công tác trồng rừng cũng được thực hiện nghiêm túc với việc lựa chọn trồng các loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương như Mỡ, Quế, xoan với quyết tâm cao, những khó khăn của HTX Phương Thái đã dần được tháo gỡ và hiện nay chuyện trồng rừng của HTX Phương Thái đã trở thành tiêu điểm khi nhắc đến chương trình phát triển kinh tế lâm nghiệp của huyện Văn Bàn. 

Để khắc phục được các hạn chế trong việc khai thác chế biến các sản phẩm từ cây quế của Hợp tác xã và người dân địa phương. HTX Phương Thái đã tìm tòi, học hỏi và quyết định đầu tư trên 2,5 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền công nghệ sản xuất đũa gỗ quế.

Đây là mô hình sản xuất chế biến gỗ theo dây chuyền công nghệ tiên tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tại chỗ và chất lượng sản từ thân cây quế và cây bồ đề sau khi khai thác phần vỏ thương phẩm của cây quế, cung cấp sản phẩm đũa gỗ thô cho các doanh nghiệp đầu mối tại một số tỉnh trong vùng như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ,... làm bóng và đóng gói xuất khẩu theo đơn đặt hàng của các nước Nhật Bản, Đài Loan,....

  

Mô hình sản xuất chế biến đũa gỗ xuất khẩu của HTX Phương Thái với công suất là 130 triệu đôi/năm, doanh thu bình quân năm khoảng 8 tỷ đồng, đóng góp thu nộp ngân sách khoảng 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động, trong đó có 30 lao động thường xuyên và hơn 20 lao động thời vụ, đảm bảo mức thu nhập ổn định từ 5,5 triệu đồng/người /tháng.

Song song với sản xuất chế biến, HTX Phương Thái luôn chú trọng tập trung đầu tư trồng rừng, nhằm đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Đầu tư trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu là nhiệm vụ hết sức quan trọng, hiện nay HTX đang trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ trên 130 ha rừng kinh tế như Keo, Bồ đề, Quế, Mỡ,... đang chuẩn bị đưa vào khai thác, chế biến. Đối với đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản như HTX Phương Thái là đơn vị trực tiếp đầu tư trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu đã giúp cho đơn vị và người dân sẽ được hưởng lợi từ nghề trồng rừng và chế biến lâm sản, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân ở địa phương. Với những uy tín của đơn vị năm 2013 Công ty Yanagi Products (Nhật Bản) đã ký hợp đồng hỗ trợ 15.000 USD cho Hợp tác xã Phương Thái để trồng rừng sản xuất trong 3 năm (2013 - 2015).

Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, trong quá trình hoạt động, HTX đã chú trọng đầu tư, phát triển các công trình kết cấu hạ tầng, phúc lợi công cộng ở địa phương, lập kế hoạch quy hoạch chi tiết mang tầm chiến lược lâu dài cho từng vùng sản xuất.

Qua làm việc Ông Ngô Xuân Bình - Giám đốc Hợp tác xã cho tôi biết việc chế biến lâm sản gắn với việc trồng rừng nguyên liệu của HTX Phương Thái đến nay đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, việc liên doanh liên kết giữa HTX với các hộ gia đình đã tạo công ăn, việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho hơn 50 lao động và hàng trăm lao động theo thời vụ ở địa phương, hàng năm sẽ cho khai thác chu kỳ I khoảng 10 nghìn khối, như vậy tính sơ sơ cũng thu về chục tỷ đồng, mà cơ bản nhất là tạo vùng nguyên liệu sản xuất cho HTX. Mặt khác qua đây người dân địa phương nhận thức rõ được tầm quan trọng việc trồng rừng, cũng như nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển các loại cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao.

      Không chỉ dừng lại ở đây, HTX Phương Thái đang tiếp tục làm dự án liên doanh liên kết với những hộ có đất để mở rộng diện tích rừng trồng lên 300 ha, qua khảo nghiệm đất đai ở đây phù hợp với Bồ Đề và Tếch nên  hiện nay đã HTX Phương Thái đã ươm hàng vạn cây giống chuẩn bị đưa ra trồng. Tuy nhiên để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, nâng hiệu quả sử dụng đất, ổn định sản xuất lâu dài cho HTX, tăng thu nhập, giúp người dân xoá đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống người dân sống bằng nghề rừng, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, HTX và của bà con nông dân cũng cần sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, nhà nước cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc trồng rừng, xây dựng các mô hình điểm để nhân dân tin tưởng và cùng làm theo.

Trong thời gian tới Hợp tác xã Phương Thái sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, lắp đặt thêm các dây chuyền công nghệ để chiết suất tinh dầu quế tận dụng từ lá và cành cây quế, tận dụng nguyên liệu thừa từ sản xuất đũa, rác nguyên liệu sau chiết suất tinh dầu để sản xuất sản phẩm viên than nén sinh học cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.

Từ một HTX còn nhiều khó khăn, nguyên liệu sản xuất chủ yếu là khai thác từ rừng tự nhiên. Đến nay HTX Phương Thái đã và đang thực sự chuyển mình vì đã chủ động được nguồn nguyên liệu, cái vui hơn là HTX đã tìm ra cho mình hướng đi đúng, tạo nên một phong trào trồng rừng rộng khắp ở xã vùng cao Nậm Tha, thu hút một số doanh nghiệp trong và ngoài huyện đến liên doanh, liên kết làm kinh tế từ rừng. Chính vì thế Hợp tác xã Phương Thái là điển hình trong hoạt động “HTX kiểu mới” trên địa bàn huyện Văn Bàn./.

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner