Củng cố, xây dựng HTX kiểu mới: Thúc đẩy hoàn thành xây dựng Nông thôn mới
Lượt xem: 392

Từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành, các nghị định thông tư, Quyết định, Kế hoạch, Công văn hướng dẫn cũng như chỉ đạo của các Ban ngành về việc triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, UBND huyện đã tổ chức họp triển khai sâu rộng tới các bí thư, phó bí thư, đảng bộ trực thuộc, lãnh đạo HĐND - UBND các xã, thị trấn, tới các phòng ban chuyên môn và các đoàn thể của huyện để thực hiện.

Các cấp Ủy, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể; coi phát triển kinh tế tập thể là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của địa phương đặc biệt là trong công tác triển khai xây dựng nông thôn mới theo Nghị định 151/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ, UBND Huyện Văn Bàn đã ban hành Quyết định thành lập Tổ hỗ trợ Phát triển hợp tác xã trên địa bàn huyện.

Để hoàn thành tốt tiêu chí số 13 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là hình thức sản xuất, xây dựng kinh tế tập thể phát triển bền vững là nội dung rất quan trọng để thực hiện tiêu chí này, các HTX hoạt động có hiệu quả sẽ có rất nhiều đóng góp lớn vào việc thực hiện các mục tiêu trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới cũng như phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt vào cuộc của các cấp các ngành. Mô hình kinh tế tập thể đang từng bước phát huy tính hiệu quả, tạo môi trường sản xuất và kinh doanh thuận lợi cho các hộ dân. Từ những mô hình sản xuất hàng hóa với quy mô nhỏ và vừa, đồng bộ trong các khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đang được hình thành ngày càng phổ biến tại tại địa phương. Hiện nay trên địa bàn huyện Văn Bàn đang có 32/ 51 HTX đang hoạt động có hiệu quả và có 646 tổ hợp tác, hoạt động trên nhiều lĩnh vực đa ngành nghề như: Tiểu thủ công nghiệp; Sản xuất Nông - Lâm nghiệp; Thương mại; Xây dựng; Vận tải; Chế biến nông - lâm sản…

Cần có cái nhìn khách quan, tích cực hơn đối với các HTX như thế nào, bởi cần coi trọng tính hiệu quả như quy mô, ngành nghề, doanh thu, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, thành viên và đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong đó. Thực tế tại huyện Văn Bàn, với các HTX đang phát triển tốt thì vai trò của người đứng đầu càng nổi bật. Sau đây tôi muốn chia sẻ với tất cả mọi người về một HTX kiểu mới rất điển hình đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Văn Bàn chúng tôi.

Với một HTX mới được thành lập thật sự là một khó khăn như thiếu kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh, vốn lại ít, tình hình kinh tế xã hội phức tạp, điển hình như Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ Mường Thát xã Khánh Yên Trung, ban đầu HTX hoạt động chỉ có 7 người và được thành lập năm 2007 với số vốn điều lệ ban đầu chỉ có 350.000.000 đồng, ngành nghề chủ yếu là chế biến nông, lâm sản và thực phẩm, Sản xuất và khai thác vật liệu xây dựng, xây dựng dân dụng, dịch vụ vật tư nông, lâm nghiệp. HTX sản xuất với quy mô nhỏ, máy móc lạc hậu, năng xuất thấp nên thu nhập của xã viên và người lao động không cao chủ yếu là làm thêm thắt cho gia đình. Từ ngày được bầu làm chủ nhiệm HTX  anh Đạt (Hoàng Tiến Đạt  là người dân tộc Tày) luôn là người gương mẫu vận động anh em chung tay chung sức, chung lòng phấn đấu lao động để phát triển kinh tế tập thể, nâng cao thu nhập xây dựng một HTX phát triển hiệu quả và bền bền vững,  góp phần thúc đẩy kinh tế hộ gia đình. Trong thời gian làm kinh tế Anh  đã nhiều lần trăn trở, tìm tòi và tự mình đi học hỏi kinh nghiệm của nhiều HTX trên địa bàn, thậm chí đi sang cả các tỉnh bạn để học hỏi các kinh nghiệm đầu tư kinh doanh ra sao cho phù hợp với HTX của mình để phát triển bền vững.

Sau một thời gian học hỏi nghiên cứu thị trường và nắm bắt nhu cầu, Anh Đạt đã tổ chức đại hội xã viên bất thường để truyền đạt những kinh nghiệm mà mình đã học được cùng với sáng kiến của mình và bày tỏ phương án kinh doanh mang tính chất lâu dài và bền vững. Nếu cứ sản xuất chế biến lâm sản với nguồn nguyên liệu luôn luôn phụ thuộc vào thu mua của các hộ dân mà mình không chủ động, anh đã đề ra phương án trồng rừng lấy ngắn nuôi dài và chỉ rõ cho các thành viên thấy hiệu quả kinh tế sau này. Không ngờ phương của anh đưa ra lại được Hội đồng quản trị và các xã viên đều nhất trí 100% và còn đòi phải triển khai thật nhanh. Sau 3 năm thành quả đã thành công, những cây gỗ keo, xoan, bồ đề ... đã cho thu hoạch tỉa dần.


Anh Đạt còn cho biết HTX còn tổ chức làm thêm rất nhiều ngành nghề như nhận phần nhân công của các doanh nghiệp xây dựng các công trình thủy lợi, cầu cống, mương máng, đường xá giao thông. Thậm chí còn sản xuất mắm (Làm mắm) theo gia truyền để tăng thêm thu nhập cho HTX, ổn định đồng lương cho xã viên.

Năm 2008 Anh Đạt nắm bắt thị trường, xác định nguồn nguyên liệu để sản xuất là rất quan trọng, quyết định đến sự phát triển của hợp tác xã, nhận thức được chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Anh Chủ nhiệm đã mạnh dạn họp bàn với HĐQT cho HTX đầu tư trồng trên 20 ha cây trồng, phần đa là trồng  keo, xoan để sau này xẻ nan xuất khẩu ra thị trường. Trên nhiều năm là HTX làm ăn có hiệu quả đã được sự quan tâm của UBND huyện Văn Bàn cùng các ban ngành xét duyệt năm 2009 hợp tác xã được hỗ trợ 64 triệu đồng theo Chương trình khuyến công địa phương.

Ngoài việc trên ra anh Đạt và HĐQT HTX vẫn ngày đêm trăn trở vì thị trường tiêu thụ trên địa bàn rất hạn chế mà có các doanh nghiệp thương nhân về thu mua thì luôn bị ép giá cuối cùng bán được sản phẩm thì thu nhập của xã viên cũng không cao. Anh tâm sự nhiều lúc cũng thấy nản, nhưng nghĩ đi lại nghĩ lại công sức của bao anh em đã bỏ ra. Anh quyết định bàn với HĐQT HTX và tổ chức đi tìm kiếm thị trường  như về tận tỉnh Hà tây, Hà Nội, Vĩnh Phúc … và các tỉnh miền xuôi để tìm các đối tác làm ăn.

Với bao gian nan vất vả anh Đạt và HTX đã được bù đắp, vì đã tìm được các bạn hàng đáng tin cậy và giá cả bán ra tương đối ổn định. Sau thời gian hoạt động doanh thu cao hơn nhiều so với năm trước, đồng lương của xã viên cũng được cải thiện đáng kể, mọi người đều phấn khởi và động viên anh phải luôn tìm ra phương án làm giàu cho HTX.

Đây là nguồn động viên lớn đối với cuộc đời anh. Anh tự hứa với lòng mình làm sao không phụ lòng tin cậy của anh em. Anh quyết định mình phải tìm ra phương án làm ăn cho HTX thật có hiệu quả. Đúng lúc này Luật HTX năm 2012 được ban hành, Anh đã được Liên minh HTX tỉnh Lào Cai mời đi tập huấn về chuyển đổi mô hình HTX kiểu mới theo luật HTX 2012. Sau khi tập huấn về anh đã chủ động nghiên cứu Luật. Ban đầu với Luật mới cùng với khả năng có hạn anh đã quyết định mạnh rạn lên phòng Tài chính - KH huyện xin gặp cán bộ chuyên môn để được hướng dẫn tổ chức lại hoạt động theo đúng luật HTX năm 2012. Anh đã được cán bộ hướng dẫn rất nhiệt tình và chu đáo, lại còn cung cấp thêm cho nhiều thông tin như thông tư hướng dẫn và các văn bản liên quan. Anh đã tổ chức đại hội kiện toàn lại HTX và bổ sung thêm nhiều ngành nghề, phân chia lại vốn góp và phân phối lợi nhuận theo HTX kiểu mới đúng Luật HTX năm 2012 thành công tốt đẹp. Cũng cùng thời điểm đó UBND huyện cũng có cơ chế khuyến khích cho các cơ sở kinh doanh hoạt động có hiệu quả được chuyển vào Cụm công nghiệp do huyện đầu tư.

Với việc dám nghĩ, dám làm Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ Mường Thát là một trong những HTX tiên phong đi đầu trong việc chuyển địa điểm vào khu Cụm công nghiệp Khánh Yên Thượng để mở rộng quy mô hoạt động.

Hiện nay HTX đã đầu tư riêng khu chế biến lâm sản với quy mô lớn hơn rất nhiều với nguồn nguyên liệu chủ yếu là rừng tự trồng. Với những gỗ tạp chế biến làm gỗ cốp pha để phục vụ cho xây dựng, còn gỗ xoan thì xẻ thành nan tinh chế bán cho các công ty, doanh nghiệp về thu mua vì gỗ xoan có giá trị cao.





Năm 2014, thực hiện chủ trương của nhà nước về quy hoạch, sử dụng vật liệu xây dựng, nắm được xu thế phát triển của xã hội, hợp tác xã đã mạnh dạn xin chủ trương đầu tư nhà máy gạch không nung tại Cụm công nghiệp Khánh Yên Thượng. Bước đầu triển khai hợp tác xã cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, như thiếu vốn sản xuất, cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp chưa được nhà nước đầu tư. Trước những khó khăn đó, Ban giám đốc của hợp tác xã đã có những quyết sách đúng đắn phù hợp với hợp tác xã, đó là điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án sản xuất gạch không nung của hợp tác xã; kêu gọi, thu hút thêm xã viên tham gia hợp tác xã từ đó huy động đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án có hiệu quả. Tăng vốn điều lệ lên 6, 8 tỷ đồng. Đến tháng 7 năm 2015, dự án gạch không nung của HTX đi vào hoạt động sản xuất. Những tháng đầu sản phẩm của hợp tác xã sản xuất ra chưa được thị trường của người tiêu dùng chấp nhận, sản phẩm tiêu thụ chậm, người dân còn nghi ngờ về chất lượng sản phẩm. Một lần nữa hợp tác xã đứng trước những khó khăn. Để giải quyết những khó khăn trên HĐQT, Ban giám đốc hợp tác đã tổ chức họp bàn nhiều lần, đã tìm ra phương án có những bước đi táo bạo như giảm giá sản phẩm; vận chuyển sản phẩm đến chân công theo yêu cầu của bạn hàng (dưới 5km không tính phí), và những chính sách cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm do Hợp tác xã sản xuất. Đặc biệt là hợp tác xã đã thực hiện đi kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng đối với sản phẩm gạch không nung của hợp tác xã, đồng thời quản lý sản xuất sản phẩm gạch không nung theo đúng tiêu chuẩn ISO:2008. Từ đó khó khăn về đầu ra sản phẩm gạch không nung của Hợp tác xã được giải quyết, được bà con nhân dân tín nhiệm đến mua rất nhiều. Năm 2015 doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 30 lao động, xã viên trực tiếp tham gia lao động, sản xuất.


             
             

Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ Mường Thát là hợp tác xã kiểu mới năng động sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Anh Đạt còn khẳng định sẽ cùng HĐQT HTX từng bước xây dựng các chế độ nhằm khuyến khích, động viên người lao động tăng cường trách nhiệm đối với công việc, những thành viên cam kết làm việc lâu dài cho HTX, thực hiện tốt nhiệm vụ được khen thưởng. Ngoài ra, HTX cũng thực hiện chia lãi hàng năm đối với những thành viên thường xuyên sử dụng các dịch vụ HTX, chia lãi từng dịch vụ một cách công khai, minh bạch. Như vậy quyền lợi của thành viên được chú trọng hơn, và tất cả dịch vụ của HTX đều hướng đến thành viên. Vận động các thành viên phải sử dụng dịch vụ của HTX trong 3 năm, nếu không anh sẽ mất quyền lợi của một thành viên. Như thế sẽ tăng trách nhiệm của mỗi thành viên đối với HTX và ngược lại.

Về nguyên tắc trả công (Lương hoặc thù lao) thì HTX thực hiện chi trả theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên HTX hoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên,  Phần còn lại được chia theo vốn góp.

Đến nay hai xưởng sản xuất (xưởng chế biến lâm sản và xưởng sản xuất gạch không nung) của hợp tác xã đã đi vào sản xuất ổn định, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho trên 20 thành viên, người lao động trực tiếp, góp phần đóng góp cho ngân sách địa phương và ước tính tổng doanh thu của HTX trong năm 2016 khoảng trên 10 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy cho xã Khánh Yên Thượng hoàn thành đạt tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới trong năm 2016. 

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner