Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại người, cây trồng và vật nuôi
Lượt xem: 262

         Ngày 23/02/2022 Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn đã có công điện khẩn để chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương tuyên truyền, chỉ đạo nhân dân chủ động các biện pháp phòng, chống và ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại cho người, cây trồng và vật nuôi.

         Từ ngày 19/02/2022 đến nay, trên địa bàn huyện Văn Bàn nhiệt độ xuống thấp gây rét đậm, rét hại, các xã vùng cao xuất hiện sương muối gây thiệt hại cho đàn vật nuôi; theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, không khí lạnh tiếp tục hoạt động mạnh đến cuối tháng 02/2022. Theo báo cáo kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra của huyện tại các xã trên địa bàn huyện, nhìn chung công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc đã được chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện; ý thức bảo vệ đàn vật nuôi của phần lớn người dân đã được nâng lên rõ rệt.

         Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ chăn nuôi che chắn chuồng trại sơ sài, nền chuồng ẩm ướt, lầy lội và còn chăn thả gia súc trong những ngày giá rét; một số hộ chưa chủ động dự trữ thức ăn hoặc dự trữ số lượng ít. Hiện nay, nguồn thức ăn xanh tự nhiên đã cạn kiệt, thức ăn dự trữ không còn nhiều, đã có 42 con trâu, bò tại 09 xã chết do rét. Trong thời gian tới nếu rét đậm rét hại kéo dài đàn gia súc lớn có nguy cơ chết do đói, rét rất cao.

Người dân chăm sóc gia súc

         Để chủ động sẵn sàng trong công tác phòng chống rét cho  người, cây trồng, vật nuôi và giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thành lập các tổ công tác đến từng thôn, bản và hộ gia đình kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người (đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em), cây trồng và vật nuôi. Theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về diễn biến của thời tiết, khí hậu tới người dân để chủ động phòng, tránh, không để người dân chủ quan, bị động trong việc phòng chống đói rét cho cây trồng, vật nuôi; triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp theo Phương án số 1613/PA-UBND, ngày 25/10/2021 của UBND huyện Văn Bàn về phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2021-2022; Công văn số 2003/UBND-NLN ngày 30/12/2021 của UBND huyện Văn Bàn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống đói rét cho vật nuôi, thuỷ sản; Công văn số 183/UBND-NLN ngày 218/02/2022 của UBND huyện Văn Bàn về việc tăng cường các biện pháp phòng chống, ứng phó với rét đậm, rét hại cho người, cây trồng và vật nuôi.

         Đồng chí cũng nhấn mạnh: Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, cấp xã chủ động lực lượng tại chỗ đôn đốc, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp như:  Đối với vật nuôi khẩn trương gia cố, che chắn chuồng nuôi, dọn vệ sinh hàng ngày, khơi thông cống rãnh, giữ khô nền chuồng; nhốt gia súc tại chuồng, tuyệt đối không chăn thả hoặc bắt gia súc làm việc khi nhiệt độ xuống thấp dưới 12°C; làm áo khoác giữ ấm, đốt trấu, củi,... sưởi ấm cho gia súc nhưng phải chú ý để tránh gây bỏng cho gia súc hoặc cháy lan sang chuồng nuôi và khu vực khác; tận dụng tối đa các nguồn thức ăn thô xanh dể cung cấp đủ thức ăn cho gia súc (rau, cỏ, thân cây chuối...); cung cấp thức ăn tại chuồng đảm bảo không để gia súc bị đói, khát; pha nước muối ấm hoặc nấu cháo loãng cho gia súc ăn vào buổi sáng và chiều tối. Khi phát hiện gia súc bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời; xử lý gia súc chết và chất thải vật nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh; phòng, trị các bệnh vật nuôi thường mắc trong mùa Đông (bệnh cước chân, bệnh đường hô hấp,...)

Người dân dự trữ thức ăn cho gia súc

         Sau mỗi đợt rét đậm, rét hại khi nhiệt độ ấm lên cần tiếp tục nuôi nhốt gia súc tại chuồng ít nhất 02 ngày mới chăn thả; không nên chăn thả ở những nơi đồi, núi quá trơn, dốc đế tránh gia súc bị trượt ngã, lăn dốc.Chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vắc xin cho đợt tiêm phòng gia súc kỳ Inăm 2022. Đối với cây trồng: tăng cường các biện pháp chăm sóc, tưới nước, bón phân hữu cơ hoai mục, phân NPK để cây trồng ra thêm rễ mới, sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết.

         Đối với rau màu đã đến kỳ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch dứt điểm; tưới nước đủ ẩm cho cây trồng trong những ngày rét đậm, rét hại. Tuyệt đối không gieo hạt vào những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ dưới 150C. Chủ động phương án gieo trồng, chuẩn bị nguồn hạt giống dự trữ, điều chỉnh mùa vụ, tăng vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; chuyển đổi cây trồng thích ứng với tình hình thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do rét đậm, rét hại gây ra. Chủ động bố trí ngân sách dự phòng và dự trữ nguồn giống, phân bón để kịp thời khắc phục thiệt hại (nếu có); huy động lực lượng xung kích tại cơ sở để tổ chức xuống địa bàn hỗ trợ người dân triển khai phòng, chống rét. Tổ chức trực ban nghiêm túc đúng quy định; theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của thời tiết, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Khi có thiệt hại về cây trồng, vật nuôi phải thường xuyên báo cáo về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên  tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện.

Minh Tuấn - VP. HĐND&UBND
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !