Chỉ đạo phòng chống bệnh lùn sọc đen phương Nam, rầy lưng trắng gây hại lúa Xuân
Lượt xem: 169

Vụ Xuân năm 2018, toàn huyện gieo cấy 3.264 ha lúa theo kế hoạch. Các xã, thị trấn cơ bản kết thúc gieo cấy trong tháng 03/2018 theo đúng khung chỉ đạo thời vụ của huyện. Theo báo cáo kết quả của Đoàn kiểm tra ngày 10/4/2018 gồm: Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh, Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tại các xã, thị trấn cho thấy bệnh lùn sọc đen phương Nam đã xuất hiện và gây hại rải rác trên trà lúa Xuân sớm, Xuân chính vụ; tại xã Dương Quỳ tỷ lệ 0,1% diện tích gieo cấy, ruộng cao cục bộ hại đến 30% khóm lúa trên đồng ruộng. Ngoài ra trên địa bàn xã Thẳm Dương, xã Liêm Phú cũng xuất hiện bệnh lùn sọc đen phương Nam hại rải rác trên đồng ruộng.

Hình ảnh cây lúa bị bệnh lùn sọc đen phương Nam.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn: Từ trung tuần tháng 4 rầy cám bắt đầu nở rộ và gây hại mạnh trên các trà lúa Xuân chính vụ giai đoạn đang đẻ nhánh rộ - đứng cái, trà Xuân muộn lúa bén rễ - hồi xanh. Rầy lưng trắng là môi giới lây lan truyền bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa, nếu không phòng trừ triệt để bệnh có khả năng lây lan, gây thiệt hại đến năng suất, sản lượng và thậm chí gây mất trắng sản lượng.

Để bảo vệ an toàn cho sản xuất lúa vụ Xuân và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh lùn sọc đen phương Nam gây hại, ngày 11/4/2018 UBND huyện Văn Bàn đã ban hành Công văn số 328/UBND-NLN về việc tập trung chỉ đạo phòng chống bệnh lùn sọc đen phương Nam, rầy lưng trắng gây hại lúa Xuân năm 2018 theo đó UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khoanh vùng thống kê diện tích nhiễm bệnh; chỉ đạo nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp, triệt để theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn đối với rầy lưng trắng; khuyến cáo bà con nông dân về sử dụng loại thuốc đặc trị và các biện pháp phòng trừ kịp thời:

Đối với rầy lưng trắng: Theo dõi chặt chẽ mật độ rầy trên đồng ruộng. Sử dụng các loại thuốc đặc trị để trị rầy khi mật độ rầy từ 750 con/m2 trở lên. Rầy tuổi nhỏ (tuổi 1, tuổi 2) sử dụng các loại thuốc chống lột xác như: Applaud 10 WP, Butyl 10WP… để phun trừ. Rầy tuổi lớn (trên tuổi 3) sử dụng các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn, tiếp xúc như: Applaud - Bas 27 BTN, Vithoxam 350 SC, Bascide 50EC… phun ruộng bệnh và các ruộng xung quanh.

Đối với bệnh lùn sọc đen phương Nam: Giai đoạn lúa từ gieo cấy - đứng cái: Nhổ, vùi xuống bùn những cây lúa bị bệnh, cấy dặm bằng những cây khỏe. Chăm sóc để cây lúa mau chóng phục hồi bằng cách: cần bón cân đối phân đạm, lân, ka li, khi lúa phục hồi ra lá mới, chỉ nên bón lân và ka li. Giai đoạn lúa từ phân hóa đòng trở đi: Thường xuyên quan sát kỹ ruộng bị bệnh để phát hiện rầy. Khi phát hiện rầy từ 03 con/dảnh trở lên, tiến hành phun ngay bằng các loại thuốc đặc trị.

Khi lúa bị bệnh nặng, khó có khả năng phục hồi và không còn khả năng cho năng suất cần tiêu hủy cả ruộng lúa. Trước khi tiêu hủy cần phun trừ rầy bằng các loại thuốc tiếp xúc trên toàn bộ diện tích bị nhiễm bệnh và ruộng lân cận. Tiêu hủy bằng cách cày vùi và phải thực hiện ngay dù không cấy. Trường hợp hết thời vụ gieo cấy, chuyển sang trồng cây khác (ngoại trừ cây ngô) nếu điều kiện cho phép.

Ngoài ra UBND huyện yêu cầu UBND các xã, cơ quan chuyên môn phân công cán bộ thường xuyên trực trong 04 ngày nghỉ (30/4, 01/5) để nắm bắt tình hình diễn biến rầy nâu, rầy lưng trắng nở rộ và gây hại lúa để chỉ đạo người dân phun thuốc trừ  kịp thời, hiệu quả.

Vương Thảo - VP.HĐND&UBND huyện

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner