Cảnh báo sâu bệnh hại trên lúa Xuân cuối vụ và chỉ đạo cách phòng trừ
Lượt xem: 157

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Lào Cai, từ nay đến cuối vụ (cuối tháng 6), thời tiết diễn biến phức tạp: Các đợt nắng nóng, mưa, bão và không khí lạnh xen kẽ tạo điều kiện cho các đối tượng sâu bệnh tiếp tục gây hại mạnh, dự báo tình hình phát sinh gây hại của một số đối tượng sâu bệnh hại chính trên lúa cụ thể như sau:

Rầy nâu - rầy lưng trắng: Rầy cám lứa 3 nở rộ cuối tháng 5, chủ yếu hại trên các trà chính vụ và muộn giai đoạn ôm đòng - ngậm sữa - chắc xanh (25/5- 10/6), mật độ cục bộ có thể cao hàng vạn con/m2, nếu không chủ động phòng trừ sẽ gây cháy rầy.

Bệnh đạo ôn cổ bông: Tiếp tục phát sinh và gây hại từ nay đến đầu tháng 6 trên trà lúa chính vụ và muộn giai đoạn trỗ bông- ngậm sữa khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi như: Trời âm u, mưa kéo dài, ẩm độ không khí cao; đặc biệt chú ý các ruộng đã bị đạo ôn lá, ruộng cấy giống nhiễm BC 15, ruộng bón đạm muộn.

Sâu đục thân hai chấm: Sâu non lứa 2 gây hại mạnh từ giữa đến cuối tháng 5 trên lúa giai đoạn lúa trỗ - chắc xanh. Đặc biệt chú ý các giống chất lượng cao, ruộng cấy dày, bón nhiều đạm.

Bọ xít dài: Bọ xít non và trường thành gây hại giai đoạn lúa trỗ - ngậm sữa - chắc xanh, đặc biệt hại mạnh trên trà lúa trỗ muộn cuối tháng 5, nhât là trên các giống lúa thuần thơm chất lượng cao

Bệnh khô vằn: Phát triển mạnh khi thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, ẩm độ cao, nhất là trên các giống mẫn cảm như: J01, J02, bắc thơm... nếu không phòng trừ kịp thời bệnh hại lên cổ lá đòng gây nghẹn đòng hoặc hạt lép lưng sẽ ảnh hưởng đến năng suất.

Để chủ động phòng trừ và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, đảm bảo năng suất lúa vụ Xuân. Chủ tịch UBND huyện yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn:

- Chỉ đạo các thôn bản, tổ  dân phố tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm các đối tượng dịch hại khi chúng bắt đầu phát triển gây hại, chủ động hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ phù hợp, hiệu quả;

+ Đối với rầy nâu - rầy lưng trắng: Chú ý theo dõi từ 25/5-10/6/2015. Khi phát hiện mật độ từ 750 con/m2 trở lên (3 con/ dành) thì sử dụng các loại thuốc xông hơi, tiếp xúc như: Sairifos 585 EC, Victory 585 EC, Bassa 50EC, ViBassa 50 EC, Nibas 50ND phun trừ. Khi phun thuốc nhất thiết phải rẽ hàng và phun kỹ cho thuốc tiếp xúc được với phần thân, bẹ lá lúa; đối với các điểm cục bộ có rầy hại với mật độ cao cần tăng lượng nước thuốc phun lên gấp 1,5-2 lần so với khuyến cáo trên bao bì (phun 2 bình 16lít/ sào).

+ Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: Chú ý phun phòng trên các diện tích lúa giai đoạn trỗ bông - ngậm sữa khi thời tiết âm u, mưa kéo dài, đặc biệt là trên những diện tích cấy giống nhiễm BC 15, ruộng đã nhiễm bệnh trên lá bằng một trong các loại thuốc: Fujione 40EC, New Hinosan 30EC, Difusan 40 EC, Trizol 20WP hoặc 75WP, Rabcide 30WP, Fillia 52.5 SE. Hibim 31 WP... vào 2 thời điểm: Phun lần đầu trước khi lúa trỗ bông 3-5 ngày. Phun lại lần 2 khi lúa bắt đầu ngậm sữa.

+ Các đối tượng sâu bệnh hại khác áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng trừ theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

- Tăng cường thời lượng phát sóng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên các hệ  thống loa phát thanh của xã, của thôn.

2. Phòng Nông nghiệp & PTNT:

Phối hợp với Trạm BVTV, Trạm Khuyến nông, UBND các xã, thị trấn tăng cường xuống cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh tổng hợp báo cáo UBND huyện.

3. Trạm Bảo vệ thực vật:

- Tăng cường bám sát đồng ruộng, thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, phát hiện, dự tính dự báo chính xác thời gian phát sinh, mức độ gây hại của các đối tượng dịch hại, tham mưu các biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời, hiệu quả; Tổng hợp báo cáo diễn biến tình hình phát sinh gây hại của sâu bệnh vào thứ 5 hằng tuần về UBND huyện qua Phòng Nông nghiệp và PTNT tổng hợp.

- Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng, Trạm Khuyến nông tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn nông dân phát hiện, chủ động phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.

- Tăng cường công tác kiểm tra việc kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật để kịp thời ngăn chặn các đối tượng kinh doanh buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

4. Trạm Khuyến nông: Tăng cường chỉ đạo các khuyến nông viên cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; phối hợp với Trạm BVTV tăng cường kiểm tra, phát hiện sâu bệnh hại sớm, hướng dẫn nhân dân mua, sử dụng đúng thuốc và áp dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả.

5. Đài Truyền thanh - Truyền hình: Phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT; Trạm BVTV tăng cường tuyên truyền, liên tục đưa tin về tình hình sâu bệnh hại, đặc biệt là các công tác chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng trừ để người dân biết, chủ động và tự giác thực hiện.

Nguyễn Thị Thơm: VP UBND huyện

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !