Di tích lịch sử - văn hóa Đền Ken xã Chiềng Ken
Lượt xem: 3170

Giai đoạn hậu Lê, Trịnh - Nguyễn phân tranh, đã phân chia đất nước thành hai, cảnh "huynh đệ tương tàn", nội chiến liên miên gần hai thế kỷ. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, do ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, người nông dân áo vải lãnh đạo thắng lợi, thống nhất đất nước, xóa bỏ 3 tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh - Nguyễn. Mậu Thân 1788, Nguyễn Huệ xuất quân ra Bắc Hà, đại phá 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, rồi lên ngôi Hoàng Đế lấy hiệu là Quang Trung. Phía nam Nghĩa quân Tây Sơn đánh tan 2 vạn quân Xiêm tại Rạch Cầm - Xoài Mút, đất nước vắng bóng quân thù.

Nguyễn Ánh dòng dõi Chúa Nguyễn, ở phía Nam lánh nạn sang Xiêm (Thái Lan), nuôi hận trả thù lấy lại danh dự chín đời Chúa Nguyễn. Khi Nguyễn Huệ qua đời, chính quyền Tây Sơn có dấu hiệu suy thoái, Nguyễn Ánh đã đưa quân đánh chiếm lại Gia Định, Bình Định, Phú Xuân, Nghệ An, ri tiến ra Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Đánh đổ hoàn toàn triều đại Tây Sơn, năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi vua, hiệu là Gia Long, lập ra Nhà Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân (Huế ngày nay).

Nuôi hận báo thù, lấy lại danh vọng cho chín đời chúa Nguyễn, Gia Long lập kế hoạch trả thù nghĩa quân Tây Sơn. Cuộc truy lùng, tàn sát tận gốc gia tộc Tây Sơn và những người tham gia nghĩa quân Tây Sơn. Số người còn sống sót trong nghĩa quân và trong  gia tộc ba anh em Tây Sơn, phải phiêu bạt khắp mọi nơi lánh nạn, họ phải đổi họ hoặc đổi tên đệm của dòng họ.

Nguyễn Công Chất là tôn thất của triều Tây Sơn đã lánh nạn tại hang núi Minh Xuân huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái ngày nay, con cháu đã đổi từ Nguyễn Công, sang Nguyễn Đình. Nguyễn Công Chất sinh được hai người con trai là Nguyễn Đình Giang và Nguyễn Đình Dong. Nguyễn Đình Dong sinh được Nguyễn Đình Thu, tính từ cụ Tổ của Nguyễn Huệ, thì Nguyễn Huệ đời thứ IV, Nguyễn Đình Thu đời thứ VII.

Khi nguôi phai trả hận, Nhà Nguyễn đã hạ chiếu, dụ các hào mục Bắc Hà, chiêu hồi người tài giỏi. Nguyễn Đình Thu được bổ nhiệm và cử sang làm Tri châu Văn Bàn. Ông lấy vợ người dân tộc Tày tại bản Ken và đưa gia đình lên ngụ tại bản Ken thuộc xã Chiềng Ken. Ảnh hưởng của văn hóa thờ Mẫu lúc bấy giờ, Ông đã cho xây dựng ngôi đền ở núi Tác Tầng thuộc bản Đồng Vệ xã Chiềng Ken, để thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn, vị Thánh trong ba vị Thánh Mẫu, thuộc Đạo Mẫu là đạo nội địa duy nhất của Việt Nam. Thánh Mẫu Thượng Ngàn cai quản 81cửa rừng trong cõi Nam Giao, ngự tại rừng xanh. Tương truyền qua các thời kỳ chống giặc ngoại xâm, Thánh Mẫu đã dùng quyền năng của mình, linh ứng phù hộ, độ trì giúp các nghĩa quân, chiến đấu chống giặc ngoại xâm, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giữ toàn vẹn lãnh thổ linh thiêng đất Việt và đảm bảo cuộc sống no ấm cho dân lành.

Sau này Nguyễn Đình Long con trai Nguyễn Đình Thu được triều đình cử làm Tri châu Văn Bàn kế tục cha. Ông Nguyễn Đình Long đã nhờ thầy địa lý chọn địa điểm di chuyển đến vị trí hiện nay. Ở đây vị thế cao ráo, dựa lưng vào dải núi lớn, hướng nhìn xuống con suối Nhù, nước trong xanh, xung quanh dân cư sống đông đúc, có cánh đồng thoáng. Với cương vị Tri châu, Ông Nguyễn Đình Long đã dựa vào sự linh ứng của Thánh Mẫu, để vận động tổ chức nhân dân khai hoang ruộng, phát triển canh tác lúa nước. Từ đó nhân dân tập trung sản xuất lúa nước, sống quần cư theo từng bản, gần các cánh đồng để bảo vệ đồng ruộng, thành quả lao động. Hằng năm vào ngày thìn tháng giêng, ông tổ chức  nhân dân, làm lễ khấn cầu trời đất cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Từ đó, thành nếp hằng năm, tất cả các vùng trong châu Văn Bàn, đều mang lễ đến để tổ chức, lễ hội được tổ chức và ngày thìn đầu năm gọi là lễ hội Lồng Tồng. Lễ được tổ chức tại Đền Ken, khấn xin linh ứng của Thánh Mẫu ( Mẹ rừng, Mẹ lúa), sau đó rước lễ tổ chức tại khu ruộng gần Đền Ken, nay là khu Na Lông Tông (ruộng để làm lễ hội xuống đồng). Đời sống được ấm no, ổn định, nhân dân hăng hái làm ruộng canh tác xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Vào cuối thế kỷ 19, tàn quân Cờ Vàng Trung Quốc, sau khi thất bại trong cuộc chiến chống lại triều đình nhà Thanh, chúng đã trở thành phỉ tràn sang nước ta, vào cướp phá Văn Bàn, Than Uyên. Ông Nguyễn Đình Long đã tập hợp quân, phối hợp cùng Cầm Văn Hánh thủ lĩnh người Thái ở Than Uyên, hiệp đồng tổ chức trận đánh đuổi quân Cờ Vàng, ra khỏi khu vực Văn Bàn, Than Uyên. Trong trận đó Ông Nguyễn Đình Long đã hy sinh. Để tưởng nhớ công ơn của Ông Nguyễn Đình Long, cùng quân sỹ đã hy sinh, chống quân phỉ Trung Quốc xâm lược, nhân dân đã đưa bài vông vào đền thờ, nhân dân tôn sùng gọi ông là Hoàng Long.

Từ đó đến nay Đền Ken thờ Mẫu theo tín ngưỡng cổ truyền và có ban thÔng Hoàng Long. Hằng năm cứ đến ngày mùng Bảy tháng Giêng, Đền Ken tổ chức lễ hội theo truyền thống, nhân dân trong vùng, khách thập phương đến trẩy hội và cầu phúc đầu năm.

Cuối thế kỷ XX, thực dân Pháp đô hộ Văn Bàn, chúng đã chọn khu vực Đền Ken xây dựng đồn, đồn Ken là một trong 5 đồn lớn của thực dân Pháp tại huyện Văn Bàn.

Di tích lịch sử - văn hóa Đền Ken đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh. Công ty Phúc Khánh và nhân dân trong vùng, khách thập phương cung tiến xây dựng Đền Ken ngày một khang trang.

Trên khuôn viên Đền hiện nay, chúng ta thực thị thấy quang cảnh của Đền có hệ thống cây sui cổ thụ và hệ thống cây lim xanh, có tuổi thọ hàng trăm năm tạo cho khu Đền càng thêm thanh tịnh. Sự tồn tại cả một đồi cây cổ thụ, có tuổi đời hàng trăm năm tại khuôn viên Đền, là bằng chứng của truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân trong vùng, sự huyền bí, linh thiêng của vùng đất tụ tại Đền Ken. Hệ thống cây cổ thụ là sự kết tụ, lưu truyền kho tàng văn hóa từ đời này sang đới khác, cho hàng ngàn thế hệ mai sau. Nay cụm cây Sui tại Đền Ken đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam Quyết định cấp bằng công nhận "Cây di sản Việt Nam" năm 2017.

Tạ Minh Khuê

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner