Huyện Văn Bàn nằm về phía Tây Nam tỉnh Lào Cai, đây là huyện vùng thấp của tỉnh, huyện có thời tiết khí hậu thuận lợi, một số xã có khí hậu quanh năm mát mẻ như: xã Nậm Xé, xã Dần Thàng, xã Khánh Yên Hạ, xã Liêm Phú; có các di tích lịch sử cấp Quốc gia và cấp tỉnh như: Đền Cô, Đền Ken, Khu di tích lịch sử Pú Gia Lan... cùng với nguồn nhân lực lao động dồi dào. Huyện có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai, là cửa ngõ của tỉnh Lào Cai để giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với vùng Tây Bắc của đất nước. Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, đã áp dụng cơ giới hóa và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; hoạt động liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh.
Một góc huyện Văn Bàn về đêm
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Huyện ủy Văn Bàn đã thành lập Ban chỉ đạo Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa huyện Văn Bàn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, địa phương cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU phù hợp với đặc thù địa phương. Huyện ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành phụ trách các chi, đảng bộ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện tại cơ sở.
Nhằm triển khai sâu rộng Nghị quyết số 10-NQ/TU, huyện Văn Bàn đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết dành cho cán bộ chủ chốt cấp huyện với 245 đại biểu, tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt tại cơ sở với hơn 5.600 đại biểu tham dự, đạt 96% tổng số cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ. Thông qua hội nghị Tuyên vận và sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với tổng số trên 10 nghìn tin, bài và trên 02 triệu lượt tiếp cận.
Huyện ủy đã chỉ đạo các địa phương xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa phù hợp với Quy hoạch vùng, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi diện tích sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả (ngô, sắn...) sang trồng các loại cây trồng chủ lực có hiệu quả kinh tế cao hơn (dược liệu, rau, cây ăn quả...). Khuyến khích các nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất như VietGAP, sản xuất hữu cơ để nâng cao giá trị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tham gia hội nhập vào thị trường trong và ngoài nước.
Từ năm 20221 đến năm 2024, huyện Văn Bàn đã thực hiện chuyển đổi 344ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây chủ lực, tiềm năng (cây quế 319,3ha, cây trồng tiềm năng 24,7 ha), quan tâm phát triển như vùng sản suất cây ăn quả, rau chuyên canh. Phát triển các sản phẩm trà, tinh dầu từ cây Đài bi, cây Tía tô và các loại trà từ thảo mộc thành các sản phẩm đạt OCOP.
Hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng giá trị ngành hàng quế từ 2022 đến 2024 đạt 1.590 tỷ đồng, đứng thứ 3 toàn tỉnh. Đã triển khai dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao với quy mô 30.000 con và tiến hành khảo sát, xin chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi công nghệ cao. Đã hình thành được một số mô hình liên kết sản xuất chế biến lâm sản (ván bóc) giữa các xưởng chế biến nhỏ với người dân trồng rừng.
Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần vào công cuộc giảm nghèo vững, nâng cao mức sống của Nhân dân. Năm 2024, số hộ nghèo của huyện là 1.440 hộ, số hộ cận nghèo là 1.219 hộ, giảm 2.943 hộ nghèo và 1.218 hộ cận nghèo so với năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, năm 2021 thu nhập bình quân đầu người là 48,9 triệu đồng/người/năm. Năm 2024, con số này đã lên tới 68 triệu đồng/người/năm, tăng 19,1 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế như: sản xuất nông, lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; người dân chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ lẻ; sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường chưa cao, sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp còn hạn chế; chính sách thu hút đầu tư chưa nhiều, việc tích tụ đất đai còn nhiều bất cập (tình trạng đất chồng chéo giữa tổ chức với người dân, diện tích liền vùng liền thửa không nhiều…).
Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nguyên nhân như: Địa hình của huyện bị chia cắt, diện tích đất canh tác phân tán, nhỏ lẻ gây khó khăn trong việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa; quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp manh mún; hệ thống kết cấu hạ tầng đang được đầu tư cải tạo song chưa đáp ứng được yêu cầu. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào việc hỗ trợ của nhà nước, chưa tự lực vươn lên làm giàu.
Trong thời gian tới, để phát triển nông nghiệp hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Văn Bàn cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác phát triển nông nghiệp hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục ban hành các văn bản về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa và triển khai có hiệu quả trên địa bàn huyện. Nâng cáo trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo của địa phương, người đứng đầu cấp ủy chính quyền trong việc bám nắm địa bàn. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai có hiệu quả các chính sách về thu hút đầu tư, các chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Hai là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phát triển nông nghiệp hàng hóa. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tới cán bộ đảng viên và Nhân dân về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU và các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chương trình MTQG bằng nhiều phương thức khác nhau như đăng tin, bài trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, thông qua các cuộc họp, các buổi sinh hoạt tập trung, tổ chức hội nghị, hội thảo bàn về các giải pháp, cách thức nhằm thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa một cách có hiệu quả. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường phát triển thương mại điện tử trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, kết nối đưa nông sản địa phương vào các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ … giúp người dân có ý thức vươn lên làm giàu.
Ba là, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tại địa phương.
Về nguồn nhân lực. Cần tiến hành rà soát đội ngũ khuyến nông viên cơ sở để có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục triển khai chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp.
Về nguồn lực kinh tế. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân được tiếp cận với các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bố trí nguồn ngân sách huyện để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phát triển nông nghiệp hàng hóa của các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân nhằm đánh giá việc thực hiện các chính sách đó, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Thực hiện tốt các giải pháp trên, phù hợp với tình hình cụ thể từng địa phương sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp hàng hóa góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đưa Văn Bàn ngày càng phát triển, sánh ngang với các đơn vị trên địa bàn.