Số hóa dịch vụ điện năng: Nâng cao chất lượng kinh doanh, dịch vụ
Trong những năm qua, bên cạnh việc luôn bảo đảm cung ứng đầy đủ điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Điện lực Văn Bàn (PC Lào Cai) còn tập trung đẩy mạnh số hóa dịch vụ điện năng nhằm đem đến cho khách hàng nhiều dịch vụ tiện ích nhất.
Tính đến nay Điện lực Văn Bàn quản lý bán điện cho 26.017 khách hàng, với 100% công tơ điện tử có tính năng đo xa (1 pha: 24.243 chiếc; 3 pha: 1.774 chiếc). 100% hợp đồng mua bán điện của khách hàng đã được số hóa từ hợp đồng giấy sang hợp đồng điện tử. Trong đó có 23.138 hợp đồng sinh hoạt và 2874 hợp đồng ngoài sinh hoạt. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt 12.469 khách hàng đạt 47,66%...
Cán bộ Điện lực Văn Bàn (PC Lào Cai) tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt
Thực hiện phương châm “Lấy khách hàng làm trung tâm mọi hoạt động” và tăng cường ứng dụng công nghệ số trong công tác dịch vụ khách hàng nhằm hướng tới mục tiêu đưa mọi giao dịch lên không gian mạng và được thực hiện trực tuyến. Điện lực Văn Bàn chú trọng nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, rút ngắn thời gian mất điện cũng như xử lý các sự cố về điện. Các dịch vụ điện đang được “số hóa” triệt để và toàn diện. Đến nay, 100% dịch vụ điện cấp độ 4 đang cung cấp bao gồm các dịch vụ như: Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; cấp điện mới từ lưới điện trung áp; thay đổi công suất, định mức, mục đích sử dụng điện; thay đổi vị trí thiết bị đo đếm; thay đổi thông tin đã đăng ký; gia hạn hợp đồng mua bán điện…
Việc số hóa hợp đồng đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Cụ thể, đối với ngành điện giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, lưu trữ, quản lý hồ sơ khách hàng, giúp nhân viên điện lực dễ dàng tra cứu thông tin, đặc biệt là tạo nguồn dữ liệu có thể khai thác, phân tích trên phần mềm quản lý thông tin khách hàng CMIS... Mặt khác, khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin hợp đồng và hóa đơn tiền điện hàng tháng trên website, tra cứu thông tin khi cần thiết khác thông qua ứng dụng điện tử, giám sát được quá trình thực hiện hợp đồng cũng như tiến trình giải quyết các yêu cầu dịch vụ.
Hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện năng là một trong những bước quan trọng trong thực hiện lộ trình chuyển đổi số hướng tới mục tiêu phát triển lưới điện thông minh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Đơn vị đã chủ động thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử đo xa nhằm cải thiện tính minh bạch trong quá trình đo đếm điện năng. Với việc áp dụng công nghệ mới này, giờ đây, khách hàng không phải bận tâm, lo lắng, theo dõi chỉ số điện tại công tơ mà có thể dễ dàng tra cứu điện năng tiêu thụ hằng ngày mọi lúc, mọi nơi thông qua ứng dụng EVNNPC CSKH do Tổng công ty Điện lực miền Bắc cung cấp.
Công nhân Điện lực Văn Bàn thực hiện công việc thay thế công tơ điện tử định kỳ
Ngoài ra, hệ thống còn có tính năng tự động so sánh điện năng tiêu thụ của khách hàng theo từng khoảng thời gian tương ứng với khoảng thời gian của tháng liền kề trước đó hoặc cùng kỳ năm trước. Qua đó, đưa ra cảnh báo sản lượng điện tăng/giảm bất thường và tự động gửi thông báo qua Zalo/Email/SMS/ứng dụng EVNNPC CSKH… để khách hàng có thể chủ động kiểm tra, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Tổ trưởng Tổ dân phố 2 (thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn) Bà: Nguyễn Thị Thủy cho biết, kể từ khi gia đình bà cũng như các hộ dân trong khu phố được Điện lực Văn Bàn lắp đặt thay thế công tơ cơ khí sang công tơ điện tử có chức năng đo xa đã mang lại nhiều tiện ích rõ rệt. Nhờ hệ thống đo đếm từ xa, kết hợp với việc được nhân viên ngành Điện hướng dẫn cài đặt và sử dụng app EVNNPC CSKH, người dân đã có thể dễ dàng giám sát và quản lý số liệu công tơ gia đình đang sử dụng theo từng thời điểm trong ngày, qua đó giúp điều chỉnh thói quen sử dụng điện theo hướng an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, thông qua hệ thống đo đếm này, khách hàng đã cảm nhận ngành Điện đang rất minh bạch trong hoạt động kinh doanh điện năng.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp số hóa dịch vụ điện năng, công tác dịch vụ khách hàng tại Điện lực Văn Bàn đã từng bước được nâng cao.Thời gian tới, đơn vị tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với các đối tượng khách hàng, nâng cao chất lượng, số hóa quy trình nghiệp vụ để cung cấp các dịch vụ gia tăng, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác mọi lúc, mọi nơi trên không gian số.