Chuyển đổi số là chuyển đổi từ cách sống, cách làm việc truyền thống sang cách sống và làm việc với các phiên bản số của vạn vật và sự kết nối của chúng trong không gian số. Trong những năm qua, huyện Văn Bàn luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số từ đó nâng cao chất lượng tham mưu và triển khai các nhiệm vụ, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm đối với người thi hành công vụ, tạo điều kiện phục vụ người dân, doanh nghiệp góp phần tạo sự hài lòng của tổ chức và người dân địa phương. Hạ tầng công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư, đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai chuyển đổi số. Môi trường và cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từng bước được cải tiến theo hướng tích cực, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện, mức độ hài lòng của người dân ngày một tăng. Chính quyền điện tử từng bước được hình thành, phù hợp với bối cảnh phát triển của tỉnh và định hướng phát triển Chính phủ điện tử.

Phục vụ người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Văn Bàn
Huyện đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số và an toàn thông tin cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã. Hệ thông Wifi công cộng miễn phí phục vụ nhu cầu của người dân đã được triển khai tại các điểm công cộng như di tích Đền Cô Tân An, bộ phận một cửa các xã, thị trấn và 85 điểm nhà văn hóa các xã.
Trên địa bàn huyện hiện đang áp dụng 06 hệ thống phần mềm trên hệ thống thông tin dùng chung tỉnh Lào Cai bao gồm: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Cổng thông tin điện tử, Hệ thống thư công vụ, Cổng dịch vụ công, phòng họp không giấy tờ, phần mềm báo cáo kinh tế - xã hội. Cấp ủy và chính quyền các cấp đã triển khai nhiều cuộc họp bằng việc sử dụng các ứng dụng như Zoom, hệ thống trực tuyến, meet, zalo, phòng họp không giấy tờ. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 100%.
100% doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng nền tảng số như ký số, hóa đơn điện tử, kê khai thuế điện tử, phần mềm quản lý hàng hóa, chấm công. Có 36/43 sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử. Có 193/193 = 100% thôn, bản, tổ dân phố có tổ công nghệ số cộng đồng. 100% trạm y tế, bệnh viện đa khoa, phòng khám khu vực triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến và 94,42% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Với những kết quả nêu trên đã góp phần đưa huyện Văn Bàn vươn lên một tầm cao mới trong bản đồ xếp hạng chuyển đổi số của các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Lào Cai. Năm 2022, huyện Văn Bàn xếp thấp nhất trong tổng số 9 huyện, thị xã, thành phố, tổng điểm đạt 441,13 điểm, mức độ xếp hạng là hình thành. Tuy nhiên với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền nên sang đến năm 2024, huyện Văn Bàn đã có một bước tiến nhảy vọt, từ địa phương có vị trí xếp hạng dưới cùng đã vươn lên vị trí số 2 với tổng điểm đạt 800,92, chỉ sau huyện Bảo Thắng (811,13 điểm), cao hơn mức trung bình trung (702,55 điểm) là 98,37 điểm. Mức độ xếp hạng của huyện Văn Bàn là dẫn dắt, cùng với huyện Bảo Thắng, Bảo Yên và Bát Xát là 04 huyện ở mức độ xếp hạng này.
Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, việc chuyển đổi số của huyện Văn Bàn đang đứng trước những khó khăn như người dân chưa thực sự quan tâm tới các dịch vụ công do nhà nước cung cấp và các dịch vụ số xã hội, chưa tự tham gia phổ cập kỹ năng số. Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn chưa tích cực áp dụng hợp đồng số trong các giao dịch có sử dụng hợp đồng. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương cũng chưa quan tâm tới việc triển khai các nhiệm chuyển đổi số. Kinh phí dành cho chuyển đổi số chưa đáp ứng được nhu cầu.
Trong thời gian tiếp theo, nhằm làm tốt hơn nữa công tác chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển như vũ bão hiện nay, huyện Văn Bàn cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
- Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương đối với công tác chuyển đổi số. Cấp ủy cần tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số bằng những văn bản triển khai trên phạm vi toàn huyện. Nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của đảng viên, của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chuyển đổi số. Gắn kết quả chuyển đổi số của các cơ quan đơn vị với việc đánh giá hoàn thành công việc của cơ quan, địa phương và với cả cán bộ, công chức và đảng viên. Cần tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số và coi đây là bước đột phát trong việc thực hiện chuyển đổi số tại địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh khai thác các ứng dụng thông tin dùng chung để thay đổi phương thức làm việc, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại địa phương.
- Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về chuyển đổi số với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận, phù hợp với phong tục, tập quán tại địa phương. Việc tuyên truyền cần tập trung vào các nhóm đối tượng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ liên quan tới hoạt động của chính quyền như các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã… trên địa bàn.
- Ba là, nâng cao trình độ công nghệ số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác chuyển đổi số. Có cơ chế, chính sách thu hút các chuyên gia công nghệ số, nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao làm việc trong các cơ quan trên địa bàn huyện. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của Tổ Công nghệ số tại địa phương, kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị.
- Bốn là, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Cần làm cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thấy được lợi ích của việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh và trong đời sống hàng ngày. Có cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực số phục vụ người dân và xã hội.
Với những giải pháp nêu trên, cần thực hiện một cách linh hoạt phù hợp với từng thời điểm nhất định sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Văn Bàn, nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương, phục vụ tốt hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, từng bước đưa Văn Bàn ngày càng văn minh, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.