Dẻo thơm bánh Chưng Cốm Khảu Tan Đón
Lượt xem: 68

Bánh Chưng là một món ăn truyền thống của người Việt Nam, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán. Bánh Chưng có ý nghĩa sâu sắc về mặt văn hóa và tâm linh. Cùng với sự phát triển của xã hội, bánh Chưng được biến tấu với các nguyên liệu khác nhau đã trở thành hàng hóa là đặc sản của địa phương. Tại Văn Bàn, bánh chưng Cốm Khảu Tan Đón đang trở thành thương hiệu riêng cho vùng đất Thẳm Dương vốn nổi tiếng với thứ nếp đệ nhất “nữ hoàng”. 

anh tin bai

Đệ nhất nữ hoàng nếp Khảu Tan Đón

Dọc theo dòng suối Chăn hiền hòa, xã Thẳm Dương được thiên nhiên ưu đãi  đất đai màu mỡ. Đây cũng là nơi duy nhất của Văn Bàn trồng được loại nếp đệ nhất “Khảu Tan Đón”. Người dân ở Thẳm Dương, đa số đồng bào người Thái đã quen ăn cơm nếp thay cơm tẻ nên việc chế biến và tạo ra các loại bánh khác nhau khá phổ biến. Xã Thẳm Dương hiện có khoảng 85ha gieo cấy nếp Khảu Tan Đón, cho thu hoạch vào trung tuần tháng 10 âm. Ngoài thành phẩm là gạo nếp, người dân trong xã còn chế biến ra cốm Khảu Tan Đón. Đây cũng là nguyên liệu quan trọng để tạo ra loại bánh chưng đặc biệt mang hương vị cốm non. Sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất quê hương, chị La Thị Phượng - Thôn Bản Bô là người khởi xướng ra món bánh chưng cốm, một món bánh với những hương vị độc đáo. Chị Phượng chia sẻ: “Khảu Tan Đón là một loại nếp rất là ngon, nổi tiếng tại Văn Bàn rồi, chị em tới mùa cốm thì là ra sản phẩm cốm cũng rất là nổi tiếng. Mình là người con dân tộc Thái, được cha mẹ truyền dạy lại thì mình đã kết hợp giữa gạo nếp với cốm non trộn vào để gói bánh chưng cốm. Cái vị đặc trưng của nó là thơm như mùi cốm non”.

anh tin bai

Phụ nữ người Thái xã Thẳm Dương gói bánh Chưng Cốm dịp Tết Nguyên đán

Bánh Chưng Cốm được biến tấu từ bánh chưng xanh truyền thống nhưng bánh chưng cốm khác lạ hơn từ màu sắc đến hương vị nên hấp dẫn nhiều người ngay từ lần ăn thử đầu tiên, bởi hương thơm của cốm non cùng vị bùi bùi từ nhân đỗ, béo ngậy của thịt lợn đen. Ngoài cốm, nguyên liệu để làm bánh chưng cốm cũng không khác quá nhiều so với bánh chưng truyền thống. Cốm khô được trộn với gạo nếp Khảu Tan Đón theo tỉ lệ nhất định để làm lớp vỏ ngoài của bánh. Nhân bánh có thể là nhân mặn hoặc nhân ngọt. Cốm càng nhiều màu xanh thì bánh càng lên màu xanh tươi mắt. bánh có thể được gói thành hình vuông, bánh dài hoặc bánh gù. Sau khi hoàn thành công đoạn gói, bánh chưng cốm sẽ được xếp vào nồi gang phủ bên trên là lớp lá dong đổ nước ngập bánh. Sau đó đun lửa to liên tục khoảng 6-7 tiếng. Chị em người Thái Thẳm Dương rất khéo tay, bánh chưng được gói và buộc chặt để khi luộc thì nước sẽ k vào được bên trong, như vậy bánh mới giữ được hương vị. Bánh phải luộc 7 tiếng vì khi gói, gạo không ngâm vì  ngâm sẽ làm gạo bị nhạt, mà chỉ vo qua gạo rồi gói. Luộc 7 tiếng để bánh được nhừ, nếu không luộc đủ thời gian bánh sẽ bị khô, không quện. 

anh tin bai

Bánh Chung Cốm có 3 hình dạng là vuông, dài, gù

Bánh chưng cốm rất dẻo, mềm, làm cầu kỳ, nguyên liệu đắt hơn nhiều so với bánh chưng truyền thống và các loại bánh chưng khác. Tuy nhiên bất cứ ai dù lần đầu thưởng thức, cũng không thể quên hương vị đặc biệt của món ăn này; Mùi nồng nàn của cốm Khảu Tan Đón mềm dẻo mà không bị ngán.  Năm 2020, Gạo nếp Khảu Tan Đón đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2024, Thẳm Dương cũng sẽ tạo điều kiện để xây dựng Bánh chưng Cốm Khảu Tan Đón trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Ông Đỗ Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Thẳm Dương cho biết: “Hiện nay xã Thẳm Dương đang định hướng xây dựng du lịch sinh thái cộng đồng, sản phẩm này sẽ gắn liền với nét văn hoá cũng quảng bá cho du lịch của Thẳm Dương”.

anh tin bai

Vị Cốm non hòa quyện cùng vị ngậy, bùi của đỗ xanh và thịt lợn đen

 Một mùa xuân mới đã về, tiết trời Xuân se lạnh phủ kín trên những cành đào, khóm quất. Mùa xuân sum họp, đoàn viên cùng gia đình bên nồi bánh chưng trên bếp lửa hồng. Rời Thẳm Dương, hương vị bánh Chưng Cốm vẫn nồng nàn theo sau.

Hà Phương –Trung Tâm VHTT-TT Văn Bàn
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner