Hiệu quả khai thác, phát triển và sử dụng nhãn hiệu Chỉ dẫn địa lý
Lượt xem: 143
              Gạo nếp Khẩu Tan Đoán Thẩm Dương được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 4248/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00060 cho sản phẩm Gạo nếp Khẩu Tan Đón Thẩm Dương; UBND tỉnh Lào Cai quản lý chỉ dẫn địa lý này.

         Trước khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm Gạo nếp “Khẩu Tan Đón” được nhân dân sản xuất chủ yếu là phục vụ sinh hoạt trong gia đình vào các dịp lễ tết và nhân dân trên địa bàn xã nên quy mô sản xuất nhỏ lẻ, số lượng sản phẩm không đáng kể; Sản phẩm chưa trở thành hàng hóa. Diện tích gieo cấy chỉ khoảng 30 ha/năm. Từ khi sản phẩm được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, giá trị sản phẩm không ngừng được tăng lên (từ 12.000 đồng/kg trước khi được bảo hộ lên đến hiện nay là 20.000 đồng/kg sau khi được bảo hộ); nhân dân đã mở rộng diện tích sản xuất gieo trồng giống lúa “Khẩu Tan Đón” ngày càng tăng. Việc chọn lọc, tuyển chọn giống được các cấp chính quyền quan tâm, chú trọng, sản phẩm sản xuất đã tăng về số lượng và chất lượng, dần hình thành vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trên địa bàn các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Diện tích canh tác giống lúa “Khẩu Tan Đón” trong vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Thẳm Dương là 90 ha, năng suất trung bình 5,2 tấn/ha; sản lượng đạt 468 tấn/năm. Bên cạnh đó, để triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa gạo đặc sản và áp dụng công nghệ cao hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, các cấp ban ngành huyện Văn Bàn đã đưa ra nhiều chính sách phát triển sản xuất, thu hút đầu tư và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và Hợp tác xã. Những năm vừa qua Hợp tác xã Thống Nhất có địa chỉ tại Thôn Bản Thẳm, xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã cung cấp phân bón và liên kết tiêu thụ sản phẩm nếp Thẳm Dương nói riêng và sản phẩm lúa gạo nói chung cho nông dân.

         Ngoài phần diện tích được mở rộng trong vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Thẳm Dương còn được triển khai mở rộng ra các thôn còn lại của xã Thẳm Dương và một số thôn xã của huyện Văn Bàn có khí hậu, thổ nhưỡng tương tự như vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Thẳm Dương, như xã Dương Quỳ. Theo đánh giá của người dân và khách hàng tiêu dùng sản phẩm, chất lượng sản phẩm gạo nếp Khẩu Tan Đón ở các xã trồng mới cho chất lượng tương đồng với chất lượng gạo nếp Khẩu Tan Đón được sản xuất tại vùng chỉ dẫn địa lý Thẳm Dương (tại các thôn: Bản Ngoang, Bản Thẳm, Bản Bô). Do vậy mở rộng phạm vi chỉ dẫn địa lý để bảo hộ cho sản phẩm Khẩu Tan Đón là rất cần thiết, nhằm phát triển, ổn định chất lượng về lâu dài.

         Để quản lý chất lượng sản phẩm; Trong quá trình gieo trồng lúa “Khẩu Tan Đón”, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND xã thường xuyên cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn nhân dân trong việc chăm sóc gieo trồng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Để giữ được chất lượng sản phẩm, chính quyền luôn quan tâm, chú trọng việc chọn lọc, tuyển chọn giống để phục vụ cho công tác sản xuất. Sản phẩm sau khi thu hoạch, được bà con nhân dân sử dụng biện pháp quản lý chất lượng theo quy trình truyền thống và theo kinh nghiệm. Đối với sản phẩm được Hợp tác xã Thống Nhất đơn vị bao tiêu sản phẩm được cơ quan chuyên môn của huyện cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm được HTX Thống Nhất công bố tiêu chuẩn cơ sở tại Quyết định số 01/QĐ-TCCS-HTXTD ngày 01/12/2020 và được UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020.

         Trước năm 2020, sản phẩm Khẩu Tan Đón được bà con nhân dân bán dạng sản phẩm thô chưa qua chế biến, đóng gói (chủ yếu bán thóc). Từ năm 2020, Hợp tác xã Thống Nhất được thành lập đã liên kết và bao tiêu sản phẩm cho bà con nhân dân. Hợp tác xã đã lắp đặt hệ thống máy say sát nên sản phẩm đã được chế biến, bảo quản tốt hơn khâu sau thu hoạch, không phụ thuộc vào thời tiết khi thu hoạch. Sản phẩm gạo đã được đóng gói có nhãn mác, bao bì sản phẩm. Chương trình 135 đã hỗ trợ hệ thống máy sấy với công xuất 5 tấn/mẻ cho các hộ dân trên địa bàn xã Thẳm Dương. Sản phẩm hiện nay đang sử dụng chung logo sản phẩm Gạo Văn Bàn; riêng sản phẩm do HTX Thống nhất bao tiêu đã có bao bì, nhãn hàng hoá đảm bảo theo đúng quy định.

anh tin bai

Bao bì đóng gói Gạo nếp Khẩu Tan Đón của HTX thống nhất xã Thẳm Dương

               Hiện giá bán sản phẩm gạo nếp Khẩu Tan Đón trên thị trường trong những năm qua khá ổn định: Giá bán thóc 20.000 đồng/kg; giá bán gạo từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Sản lượng tiêu thụ bình quân khoảng 468 tấn/năm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện nay chủ yếu tập trung chính tại huyện Văn Bàn, các huyện trong tỉnh và một số tỉnh lân cận; sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu của khách hàng vào các dịp lễ tết, làm quà biếu tặng. Một phần được các thương lái thu mua tiêu thụ tại thành phố Lào Cai và các tỉnh lân cận. Các sản phẩm được bảo hộ về nhãn hiệu giúp nâng cao giá trị của sản phẩm, người dân tích cực tham gia sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập ổn định cho hộ dân. Tạo ra sản phẩm đặc trưng của vùng miền, tăng hệ số sử dụng đất.
Hứa Hải - Khánh Yên Thượng
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner