Tác động tích cực từ việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở đối với chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Văn Bàn
Lượt xem: 150

 Triển khai Chỉ thị số 30 của Bộ chính trị khóa VIII; pháp lệnh số 34 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI; Nghị định 29 năm 1998, Nghị định 79 năm 2003 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong những năm qua, các tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan hành chính nhà nước, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Văn Bàn đã tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Từ phương châm này những nội dung như “dự toán ngân sách hàng năm; kế hoạch phát triển KT-XH; các chương trình, nguồn vốn, dự án đầu tư; các khoản phí,  đóng góp của nhân dân tham gia chương trình NTM, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; các thủ tục hành chính,...” đều được niêm yết công khai tại trụ sở làm việc và thông báo đến nhân dân tại cuộc họp thôn, bản, tổ dân phố.

Nhiều nội dung trước đây nhân dân không được biết, thì nay nhân dân được tham gia bàn bạc, thống nhất và đi đến quyết định một cách công khai, dân chủ. Trong đó, thành công lớn nhất nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là việc triển khai “Đề án quy hoạch, xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015”. Tính từ năm 2011 đến hết năm 2014, toàn huyện đã bê tông hóa được hơn 162 km đường GTNT; hơn 9.400 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh (đạt 57,6%); gần 11.500 chuồng nuôi nhốt gia súc, gần 7.000 hố rác thải đạt tiêu chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 22,2%, hộ cận nghèo còn gần 17%; làm được 110 nhà đại đoàn kết, đến nay 100% số hộ nghèo đã hoàn thành việc xóa nhà tạm; các công trình nước sạch, điện lưới quốc gia được đầu tư ở 90% số thôn bản,...Từ đó nhân dân càng thêm tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Cấp  ủy, chính quyền một số cơ sở chưa thấy rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của QCDC, vì vậy biện pháp triển khai thiếu đồng bộ, quyết liệt; nội dung quy ước, hương ước thôn bản ở một số địa phương còn chung chung, chưa sát với thực tế, cùng với đó là vai trò giám sát thực hiện của nhân dân còn chưa thường xuyên, liên tục. Từ đó kết quả thực hiện một số tiêu chí đề ra còn chưa cao. Tình trạng thả giông gia súc, phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, phong tục tập quán lạc hậu,...vẫn còn xảy ra. Cá biệt, tình trạng số người nghiện và tái nghiện ma túy đang có chiều hướng gia tăng.

Để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, trong thời gian tới cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cùng với đó là phát huy vai trò giám sát, làm chủ của nhân dân.

 

 

Mạnh Lộc – Đài TT-TH Văn bàn.

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !