Hành trình 35 năm thành lập, đổi mới và phát triển của xã Liêm Phú
Lượt xem: 255

         Liêm Phú là xã vùng cao của huyện Văn Bàn cách trung tâm huyện 15km về phía Nam của huyện. Ra đời từ nửa sau thập kỷ 80 của thế kỷ XX, xã Liêm Phú đã có một bước tiến dài trên mọi mặt trong hành trình 35 năm thành lập, đổi mới và phát triển. Đây cũng là chặng đường xã Liêm Phú đồng hành cùng công cuộc đổi mới đất nước, hòa mình vào dòng chảy chung của dân tộc. Qua đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Liêm Phú đã nỗ lực, khẳng định những bước đi vững chắc để tạo nên thế và lực mới, quyết tâm xây dựng xã Liêm Phú thành một xã “đáng sống”.

         Quá trình thành lập và những dấu mốc lịch sử quan trọng.

         Ngày 12/02/1987, xã Liêm Phú được thành lập trên cơ sở tách từ xã Chiềng Ken theo Quyết định số 15-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Khi mới thành lập, xã Liêm Phú có 5.826 ha diện tích đất tự nhiên, gồm 06 thôn bản, có 205 hộ với 1.525 nhân khẩu. Với đặc điểm dân cư thưa thớt, định cư không ổn định, sinh sống không tập trung; cơ sở hạ tầng thiếu thốn; giao thông đi lại khó khăn; số lượng đảng viên trong đảng bộ còn thấp so với số dân (19 đảng viên, chiếm 1,2% dân số); tổng sản lượng lương thực có hạt toàn xã đạt 102,3 tấn (đạt 67 kg/người/năm); tổng đàn gia súc có 508 con; 6/6 thôn bản chưa có điện lưới; văn hóa - xã hội của xã gặp rất nhiều khó khăn: trên 80% số hộ đều là hộ nghèo, xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, phát thanh - truyền hình chưa được phủ sóng; nhiều phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các hủ tục trong cưới xin, ma chay vẫn còn nặng nề, đội ngũ cán bộ, đảng viên còn ít, thiếu kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo,... Song, với tinh thần đoàn kết thống nhất, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, chính quyền và Chi bộ xã Liêm Phú (nay là Ban Chấp hành Đảng bộ xã Liêm Phú) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực đầu tư, thực hiện nhiều quyết sách đúng đắn, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của xã.

         Những năm đầu thành lập xã, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và bước đầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1987-2000) là thời kỳ xã Liêm Phú phải đối diện với nhiều thử thách. Đặc biệt là cấp ủy, chính quyền vừa mới được thành lập còn non trẻ, đội ngũ cán bộ, đảng viên còn ít, thiếu kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tuy nhiên, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nhận diện đúng tình hình, xác định hướng đi đúng đắn, đề ra các chính sách phù hợp, phát huy thuận lợi cơ bản của địa phương, phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, đức tính cần cù lao động của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc, xã Liêm Phú đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Năm 2000 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,6%/năm, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 1.470 tấn (tăng 1.367,7 tấn so với năm 1987), tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 10.500 con (tăng 9.992 con so với năm 1987); 95% số hộ được giao đất trồng rừng, diện tích quế có 145 ha, diện tích thảo quả có 42 ha; đến năm 2000 điện lưới Quốc gia đã được kéo về xã, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 210 triệu đồng; kết cấu hạ tầng như thủy lợi, điện, giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt được quan tâm đầu tư mạnh mẽ; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

         Giai đoạn tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (2001-2010) là giai đoạn xã Liêm Phú tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch sắp xếp dân cư phát triển sản xuất, duy trì cơ cấu kinh tế theo hướng nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tranh thủ mọi sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân địa phương. Phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, giữ vững và ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh với quan điểm chỉ đạo “đẩy mạnh phát triển cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp, lấy sản xuất nông nghiệp làm mũi nhọn, phát triển chăn nuôi và các ngành nghề khác làm khâu đột phá”. Với những quyết sách đúng đắn chỉ trong 10 năm bộ mặt nông thôn xã Liêm Phú đã có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2010 đạt 1.950 tấn (tăng 505 tấn so với năm 2001), giá trị sản phẩm thu hoạch trên ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 16 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 7 triệu đồng/người/năm, tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 17.052 con (tăng 6.552 con so với năm 2001); tổng diện tích cây lâm nghiệp đạt 345 ha (tăng 200 ha so với năm 2001), tổng diện tích cây thảo quả đạt 250 ha (tăng 208 ha so với năm 2001); Giá trị sản xuất tiểu - thủ công nghiệp tăng 10% giá trị sản xuất/năm, năm 2004 Công ty TNHH Tân An được cấp phép đầu tư xây dựng 01 Nhà máy Thủy điện với công suất 5,6 MW, công trình được xây dựng từ 2004 đi vào hoạt động năm 2006, mỗi năm cung cấp cho hệ thống điện lưới Quốc gia 22 triệu kw, thu về 25 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách huyện bình quân mỗi năm trên 6 tỷ đồng, số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 85%; xây dựng mới 3 công trình thủy lợi, 2 công trình cấp nước sinh hoạt, 01 công trình trụ sở xã, nâng cấp được 18 km đường liên thôn, số thôn bản có đường ô tô, xe máy tới thôn bản đạt 100%; năm 2008 xã Liêm Phú được công nhận xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế; Chất lượng giáo dục có bước phát triển toàn diện và vững chắc, năm 2003 xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi Mức độ 3, năm 2005 xã được công nhận  đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở Mức độ 2; số hộ được dùng nước sạch hợp vệ sinh đạt 70%; số hộ được nghe đài, xem truyền hình đạt 80%, số hộ nghèo của xã giảm còn 265 hộ, chiếm 38%; đến năm 2010, Đảng bộ có 12 Chi bộ trực thuộc Đảng ủy với 115 đảng viên (tăng 64 đảng viên so với năm 2001).

Giai đoạn xây dựng nông thôn mới (2011-2022) là chặng đường xã Liêm Phú tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững và xóa nhà tạm, phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp là mũi nhọn, tập trung khai thác tối đa lợi thế của địa phương để phát triển tiểu - thủ công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ và thương mại, lấy xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, làm ưu tiên cho phát triển. Đến hết năm 2021 tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã bình quân đạt 4%/năm, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 4.303 tấn (tăng 2.353 tấn so với năm 2011), giá trị sản phẩm thu hoạch trên ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 96 triệu đồng/ha (tăng 80 triệu đồng/ha so với năm 2011), thu nhập bình quân đầu người đạt 36,5 triệu đồng/người/năm (tăng 29,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2011); giá trị sản xuất CN, TTCN năm 2021 đạt 3,75 tỷ đồng. Đến hết năm 2021 các tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn, đường ngõ xóm đã cứng hóa 100%; kiên cố hóa được 39,75/56,19 km kênh mương đạt 70,7%; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới; 9/9 thôn bản có hệ thống loa đài truyền thanh đảm bảo chuyền tải đầy đủ các thông tin kinh tế, văn hóa xã hội đến mọi người dân trên địa bàn xã; trên địa bàn xã không còn nhà thuộc diện nhà tạm, dột nát; tỷ lệ huy động trẻ từ 6-11 tuổi ra lớp đạt 99,9%, năm 2011 xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non 5 tuổi; tỷ lệ lao động có việc làm đạt 92,1%; 100% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo 2,27% (giảm 35,73% so với năm 2011); công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, an nình - quốc phòng có nhiều đổi mới sáng tạo và đạt được những kết quả toàn diện.

         Công tác thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, Đảng ủy chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, xã đã đạt được 19/19 tiêu chí nông thôn mới, được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 4412/QĐ-UBND, ngày 27/12/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, vượt 01 năm so với Nghị quyết Đảng bộ.

Với những kết quả và thành thích đạt được trong 35 năm qua nhân dân và cán bộ xã Liêm Phú đã được Chính Phủ và các cấp, các ngành tặng nhiều danh hiệu thi đua và Bằng khen, Giấy khen.

Một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của nhân dân và cán bộ xã Liêm Phú

anh tin bai

         Một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn

         Nhìn lại chặng đường 35 năm thành lập, xây dựng và phát triển (1987-2022), là một trong các xã có chính quyền, tổ chức Đảng được hình thành vào tốp sau cùng của huyện Văn Bàn. Năm 1987, xã Liêm Phú được thành lập, với muôn vàn khó khăn. Nhưng với sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, cùng sự nỗ lực của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, xã Liêm Phú đã được xây dựng và phát triển vững mạnh về mọi mặt, trở thành xã phát triển khá của huyện.

         Có thể tự hào rằng, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện Văn Bàn, Đảng ủy, UBND xã Liêm Phú luôn giác ngộ, giáo dục, tập hợp, đoàn kết, lãnh đạo quần chúng, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, sức mạnh của cả Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, hợp tác xã và các tầng lớp Nhân dân trong địa bàn xã làm nên kỳ tích anh hùng - đưa xã Liêm Phú nghèo nàn, lạc hậu phát triển, vững bước đi lên với diện mạo nông thôn mới khang trang, hiện đại, dân chủ, văn minh.

         Từ thực tiễn lịch sử trong 35 năm (1987-2022), xã Liêm Phú đã viết lên trang sử truyền thống vẻ vang, đồng thời rút ra một số kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo như sau:

         Một là, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố có tính quyết định, đảm bảo mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng ở địa phương. Trải qua các thời kỳ, trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ luôn thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nắm vững và vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng các cấp vào điều kiện cụ thể của từng giai đoạn. Chú trọng công tác củng cố, kiện toàn tổ chức và phát triển đảng viên, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Mỗi đảng viên luôn luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, trau dồi, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Đó là nhân tố làm nên mọi thắng lợi ở xã Liêm Phú trong 35 năm qua.

         Hai là, Trong các nhiệm kỳ, xã Liêm Phú đã vận dụng tốt các chủ trương của Đảng vào lãnh đạo địa phương, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn, đặc biệt là trong việc lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, định hướng cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành hợp lý. Vì vậy, nền kinh tế của xã Liêm Phú trong những năm gần đây đã có sự phát triển vượt bậc so với các xã khác trong toàn huyện. Kết quả đạt được trong việc xây dựng nông thôn mới và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 là minh chứng rõ nét của thành công trong việc vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào lãnh đạo địa phương: Dù chính quyền, tổ chức Đảng được thành lập sau nhưng xã Liêm Phú đã bứt tốc và sớm đạt chuẩn Quốc gia về xây dựng nông thôn mới so với các địa phương khác.

         Ba là, quan tâm, đẩy mạnh công tác cán bộ ở Đảng bộ xã Liêm Phú là một trong những nhiệm vụ “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu giữ vai trò quyết định đối với sự nghiệp cách mạng của xã Liêm Phú qua các thời kỳ. Điều đó khẳng định: Có Đảng lãnh đạo, có chủ trương phù hợp, khoa học nhưng cần phải có cán bộ có đủ năng lực và phẩm chất để đưa được chủ trương, đường lối của Đảng vào trong đời sống Nhân dân, để hiện thực hóa chủ trương bằng kết quả cụ thể.

         Vận dụng các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Đảng bộ xã Liêm Phú thường xuyên quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Hiện nay, hầu hết cán bộ, công chức xã Liêm Phú có tuổi đời trẻ, được đào tạo chính quy, 100% cán bộ có trình độ chuyên môn Đại học trở lên, 5,0 % có trình độ Cao cấp về LLCT, 80% có trình độ Trung cấp về LLCT, còn lại là sơ cấp. Đội ngũ cán bộ xã Liêm Phú luôn kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác. Đảng ủy đã có nhiều giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị, thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

         Bốn là, mọi chủ trương, kế hoạch, Nghị quyết chỉ đạo của Đảng bộ qua các thời kỳ đều phải phục vụ lợi ích của Nhân dân, mọi công việc chỉ đạo phải được thực hiện dân chủ công khai, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Thực tiễn cho thấy mọi hoạt động của Đảng bộ, chính quyền đều vì lợi ích của Nhân dân, được Nhân dân tin tưởng đồng lòng ủng hộ, dù cho có khó khăn gian khổ cũng đều vượt qua và hoàn thành tốt. Trong công cuộc đổi mới, từ 1987 đến 2022, trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng bộ huyện. Ban Chấp hành Đảng ủy xã đã vận dụng ban hành Chỉ thị, Nghị quyết của cấp ủy trên tinh thần chỉ đạo là chọn đúng vấn đề, xác định trọng tâm, trọng điểm, chọn khâu đột phá để tổ chức thực hiện, đồng thời tuân thủ sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên. Đảng bộ kịp thời đổi mới phương thức lãnh đạo theo phương châm hướng về cơ sở, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, giữ đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đề ra chủ trương, đường lối, chính sách và tổ chức thực hiện tại Đảng bộ phải dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng, bảo đảm minh bạch, công khai, chịu sự giám sát của cộng đồng. Thực hiện đúng phương châm “Đảng nói - dân tin; chính quyền làm - dân ủng hộ; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo”, luôn gắn bó với Nhân dân, dựa vào dân, bám sát cơ sở, lắng nghe và chăm lo nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

         Năm là, để ngày càng vững mạnh đủ sức lãnh đạo, Đảng bộ luôn thực hiện tốt nguyên tắc phê bình và tự phê bình. Đó là vũ khí đấu tranh cho sự nghiệp đoàn kết, thống nhất trong Đảng và là nguyên tắc phát triển Đảng. Mỗi đảng viên của Đảng bộ qua các thời kỳ luôn đặt lợi ích của Đảng, lợi ích của tập thể, của Nhân dân lên trên hết. Gương mẫu đi đầu trong mọi việc, tạo sự đoàn kết, gần gũi với Nhân dân, vận động Nhân dân phấn đấu vì mục tiêu chung của toàn Đảng bộ. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được quan tâm, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng bộ. Cấp ủy thường xuyên quan tâm củng cố những tổ chức cơ sở đảng yếu kém, kịp thời kiện toàn cấp ủy và tăng cường cán bộ ở nơi còn nhiều khó khăn, nội bộ mất đoàn kết, thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ, nhất là chất lượng phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt đảng. Chú trọng làm tốt công tác kiểm tra đối với cơ sở, kịp thời uốn nắn những sai lệch, chỉ đạo tổ chức đảng thực hiện đúng phương châm, nguyên tắc, Điều lệ và kỷ luật Đảng.

         Sáu là, tăng cường xây dựng củng cố chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Cùng với việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng cần tiến hành đồng thời xây dựng hệ thống chính quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân. Trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đặc biệt sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ luôn phát huy vai trò quản lý của chính quyền đối với việc phát triển xã hội - văn hóa, như phát triển mạng lưới y tế, giáo dục, bảo đảm cung cấp các dịch vụ công cho cộng đồng và người dân, thực hiện quyền tự quản của các thôn bản trong việc phát triển và giải quyết các vấn đề văn hóa - xã hội, trên cơ sở phát huy hương ước, quy ước. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, phát huy vai trò trong việc điều phối, khắc phục các khiếm khuyết do sự phát triển của kinh tế thị trường gây ra, bảo vệ môi trường, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện bảo trợ xã hội đối với các đối tượng chính sách, nhằm thực hiện dân chủ và công bằng trong phát triển.

         Chính quyền với chức năng thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng bộ được cụ thể hóa vào điều kiện thực tế của địa phương. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể với vai trò tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết. Sức mạnh đó chỉ có thể có được nếu Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy tối đa vai trò trách nhiệm trong tuyên truyền vận động Nhân dân. Chính quyền có mạnh, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Nhân dân có tập hợp được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì mọi Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng các cấp mới thực sự đi vào cuộc sống.

         Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Để xây dựng thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng bộ tiếp tục rèn luyện, tu dưỡng, góp phần xây dựng Đảng bộ xã vững mạnh, đủ sức lãnh đạo Nhân dân thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương Liêm Phú ngày càng giàu đẹp. Công các xây Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ngày càng toàn diện là những yếu tố cần thiết, là điều kiện thuận lợi, là động lực quan trọng để Đảng bộ và Nhân dân xã Liêm Phú viết tiếp những trang sử vẻ vang của quê hương./.

Lương Văn Hải - UBND xã Liêm Phú
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !