Văn Bàn hướng tới giảm nghèo bền vững
Lượt xem: 360

         Văn Bàn là một huyện miền núi nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Lào Cai với tổng diện tích đất tự nhiên là 141.978,15ha. Toàn huyện có 22 xã, thị trấn, 195 thôn, bản, tổ dân phố, gồm 11 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó dân tộc thiểu số 77.829 người, chiếm 84,6% dân số toàn huyện. Do xuất phát điểm thấp, dân cư sống rải rác, mặt bằng chung về đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Do vậy, công tác xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Văn Bàn đặt lên hàng đầu.

         5 năm về trước, một căn nhà không bị mưa hắt, gió lùa, đủ cơm ăn, áo mặc chỉ là giấc mơ đối với gia đình anh Lương Văn Tuyên ở thôn Nậm Cằm, xã Nậm Dạng. Đến nay, niềm mong ước ấy đã trở thành hiện thực. Trong căn nhà cấp 4 được xây kiên cố, anh tự hào khi đã không còn xếp vào diện “hộ nghèo” của thôn. Ngoài nỗ lực của bản thân, trong những năm qua anh Tuyên và hơn 60 hộ đồng bào dân tộc Xa Phó thôn Nậm Cằm, xã Nậm Dạng đã nhận được sự hỗ trợ về sản xuất từ các chương trình, đề án của nhà nước về xóa đói giảm nghèo. Qua đó càng thêm động lực để thoát nghèo. Nậm Dạng là xã vùng 3, có tới 99% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, công tác giảm nghèo của địa phương đã có những kết quả tích cực. Xã tăng cường công tác tuyên truyền, giúp cho người dân hiểu chủ trương, mục tiêu thoát nghèo. Chủ động đưa các cây lâm nghiệp vào định hướng phát triển kinh tế trong Nhân dân, mở rộng diện tích trồng gừng, khoai sọ và một số cây dược liệu. Hàng năm tranh thủ sự đầu tư hỗ trợ sản xuất từ các chương trình 135, 1086, vốn vay của các ngân hàng... Qua đó khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên, có 43% số hộ trong xã thuộc diện nghèo, đến năm 2020 giảm chỉ còn 11,5%, địa phương cũng đang thực hiện lộ trình phấn đấu về đích nông thôn mới cuối năm 2021.

Đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ hàng nghìn cây, con giống từ các chương trình, đề án giảm nghèo

Huyện Văn Bàn hiện vẫn còn 12 xã thuộc diện vùng 3. Theo đề án của BCH Đảng bộ huyện giai đoạn 2020 - 2025, đặt mục tiêu giảm từ 4 - 7% hộ nghèo (tương đương từ 1.500 đến trên 2.500 hộ). Do vậy, Văn Bàn đề ra những giải pháp chủ yếu tập trung nâng cao thu nhập cho người dân; Chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất, chăn nuôi; Quy hoạch những vùng kinh tế trọng điểm; Mở rộng mô hình liên kết, phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP. Lồng ghép với các chương trình XDNTM, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956 của Chính phủ, chương trình vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo...

Hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư

         Giai đoạn 2016 - 2020, Văn Bàn đã huy động các nguồn lực được 229 tỉ đồng cho công tác giảm nghèo; Tập trung vào xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu như hệ thống đường giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trường học; Hỗ trợ về tiền điện, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập cho hộ nghèo, cận nghèo và con em của họ; Về phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Trong đó chủ yếu giúp bằng cây, con giống, máy móc thiết bị, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho hộ nghèo, cận nghèo. Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động được 19,6 tỉ đồng, xoá 870 nhà tạm nhà dột nát cho nhân dân; Tận dụng tốt nguồn vốn đầu tư chương trình 135, 30a. Từ các dự án hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vùng đặc biệt khó khăn, đến nay 100% các xã có đường ô tô, điện lưới quốc gia đến trung tâm. Hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu nước tưới phục vụ cho sản xuất; Trường học, trạm y tế đã cơ bản hoàn thiện. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 35,1% năm 2016 xuống còn 9,3% năm 2020, riêng 6 tháng đầu năm 2021 giảm thêm 2,1%; Thu nhập khu vực nông thôn tăng 2,1 lần so với năm 2015.

Nguồn vốn vay ưu đãi góp phần tích cực giúp các hộ vươn lên thoát nghèo

         Để giúp người nghèo nâng cao trình độ phát triển sản xuất, tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập. Huyện Văn Bàn tập trung công tác dạy nghề cho người nghèo và lao động nông thôn; Ưu tiên tuyển sinh, hỗ trợ học viên là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Tập trung dạy các nghề phù hợp với quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp của huyện để phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ. Bình quân mỗi năm có khoảng 300 lao động tham gia học nghề, 1.200 lao động được giải quyết việc làm. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới tăng từ 32,6% năm 2015 lên 45,5% năm 2020.

         Thực tế cho thấy, các chính sách giảm nghèo tại huyện Văn Bàn đã đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội cho hàng trăm người nghèo có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, từng bước cải thiện điều kiện sống. Người dân cũng đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của chính bản thân và chủ động trong việc tiếp nhận các chính sách, và nguồn hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để tự vươn lên thoát nghèo. Hàng năm công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo được chính quyền từ huyện tới cơ sở đặc biệt chú trọng. Thực tế vẫn còn 1 bộ phận nhỏ người dân còn mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Tuy nhiên cũng đã có nhiều hộ mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Vốn vay, kiến thức về KHKT cũng chính là điều kiện cốt lõi giúp họ vươn lên.

          Trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Văn Bàn phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm từ 4 - 5% trở lên; Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2025 đạt 74 triệu đồng, 19/ 21 xã về đích nông thôn mới. Đẩy mạnh phát triển, nâng cấp hệ thống đường giao thông kết nối với các huyện trong tỉnh.     Giảm nghèo chính là chìa khóa để nâng cao mức sống của người dân, các chính sách giảm nghèo sẽ là cần câu để các hộ có thêm động lực tự vươn lên thoát nghèo. 

Hà Phương, Trung tâm VHTT-TT
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner