Người thanh niên dân tộc Dao làm giàu từ sản xuất gạch ba vanh
Lượt xem: 233

    Mới bước sang tuổi 27 nhưng người thanh niên dân tộc Dao, Triệu Tòn Lủ ở thôn Nà Đoong xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn đã có một nền tảng kinh tế gia đình khá vững chắc. Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng từ sự nhạy bén dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế đã giúp anh không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương của mình. Mới đây anh Triệu Tòn Lủ đã được UBND huyện Văn Bàn quyết định tặng giấy khen Điển hình tiên tiến năm 2018.  

    Qua câu chuyện của anh Lủ, chúng tôi được biết: Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em, bố mẹ làm nông nghiệp nên kinh tế khó khăn. Với hoàn cảnh của một gia đình nông dân nghèo, không có điều kiện học hành đầy đủ. Sau khi tốt nghiệp THCS, anh Lủ đã phải nghỉ học, để phụ giúp gia đình làm nương rẫy và nuôi các em ăn học. Trải qua cuộc sống bữa no bữa đói, anh Lủ đã sớm nung nấu trong mình ý chí vươn lên thoát nghèo. Qua tìm hiểu, nhận thấy nhu cầu sử dụng gạch xây dựng của người dân ngày càng lớn. Trong khi đó, địa phương chưa có cơ sở sản xuất gạch tại chỗ nên hầu hết phải vận chuyển từ nơi khác đến, vừa bất tiện, giá thành lại cao, nên anh quyết định đầu tư làm gạch ba vanh. Nghĩ là làm, anh đã vay mượn người thân, bạn bè thành lập xưởng sản xuất bởi ưu điểm loại gạch này có kết cấu chắc chắn, dễ xây và giá thành rẻ. 

    Lúc đầu, do thiếu vốn, nguyên vật liệu để sản xuất không dự trữ sẵn, người dân chưa tin tưởng... Vì vậy, số lượng gạch nửa năm đầu, anh chỉ “lấy công làm lãi”. Để vượt qua khó khăn, anh Lủ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của xưởng, anh động viên công nhân tích cực bám trụ với công việc. Đồng thời, tự mình làm các việc từ vận chuyển nguyên liệu ở mỏ đá về xưởng, đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Anh vận dụng các mối quan hệ để có thêm vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm để tạo uy tín đối với khách hàng. Nhờ vậy, việc sản xuất kinh doanh của anh ngày càng thuận lợi, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. 

    Do quỹ đất hạn hẹp, Đến nay, xưởng của anh có diện tích trên 200 m2, tổng vốn đầu tư lên đến hơn 200 triệu đồng. Có 1 máy ép gạch, 1 máy trộn với công suất gần 1.000 viên/ngày, doanh thu hàng năm đạt trên 350 triệu đồng. Với lợi nhuận hơn 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Anh Lủ không chỉ đảm bảo cuộc sống cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

    Không những tích cực làm kinh tế, anh Lủ còn là người luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phong trào Đoàn tại địa phương. Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người thân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; Sẵn sàng giúp đỡ chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế của bản thân cho những thanh niên muốn phát triển kinh tế làm giàu chính đáng. Trong năm 2018, anh Lủ cũng đã tự nguyện ủng hộ hơn 1.000 viên gạch để xây dựng tường rào; Hỗ trợ vận chuyển 6 chuyến vật liệu đổ bê tông sân trường Tiểu học số 1 của xã.

    Theo Ban Thường vụ Đoàn thanh niên xã Nậm Xây, Triệu Tòn Lủ là một trong những đoàn viên thanh niên đi đầu phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Đồng thời là tấm gương để tuyên truyền, động viên thanh niên trên địa bàn không cần đi đâu xa mà có thể làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương mình. 

    Dựa vào nhu cầu thực tế của địa phương, bằng bàn tay, khối óc, sự cần cù chịu khó và ý chí quyết tâm làm giàu của bản thân. Anh Triệu Tòn Lủ đã vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu. Xứng đáng trở thành tấm gương trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp cho các đoàn viên thanh niên khác học tập và noi theo.

Hà Phương, Trung tâm VHTT-TT


Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner