Giải bài toán giảm nghèo cho Nậm Xây
Lượt xem: 307

         Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về giảm nghèo và đã có tác động tích cực đến đời sống, kinh tế của các hộ nghèo. Tuy nhiên tại huyện Văn Bàn, đặc biệt là những xã vùng cao thì công tác giảm nghèo vẫn là một bài toán khó.

         Cách trung tâm huyện Văn Bàn 35km, Nậm Xây là xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên hơn 17.000ha, 6 thôn bản với gần 3.000 nhân khẩu, 4 dân tộc cùng sinh sống. Tính đến hết năm 2020, toàn xã còn 20,7% hộ nghèo, 7% hộ cận nghèo. Mặc dù tỉ lệ có giảm nhưng công tác giảm nghèo ở đây luôn là vấn đề khiến địa phương phải trăn trở; Nhiều giải pháp được thực hiện nhưng hầu hết đều chưa mang lại hiệu quả thực sự. Là vùng đất có địa hình bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, khe suối, thiếu mặt bằng để xây dựng các công trình và phát triển sản xuất hàng hóa. Nậm Xây có tới 90% đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, sinh sống không tập trung; Một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước. Kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, giá thành thấp; Đường giao thông đến các thôn bản vẫn còn khó khăn, hệ lụy từ khai thác vàng... Đã trở thành những yếu tố “giữ chân” cuộc sống nghèo khó của người dân.

Đường giao thông đi lại khó khăn

         Tới Mà Sa Phìn, thôn xa nhất của xã Nậm Xây, chúng tôi phải di chuyển hơn 1 tiếng đồng hồ với 15km đường núi gập ghềnh, đá lởm chởm. Thôn hiện có 133 hộ, gần 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Sau một thời gian dài nổi lên bởi nạn khai thác vàng trái phép, để lại tàn dư là số người nghiện tăng lên; Người dân trong thôn vẫn quẩn quanh với ruộng nương. Bà Cù Thị Xuân – Trưởng thôn Mà Sa Phìn chia sẻ: “Hơn 40 năm sinh sống, lập nghiệp tại mảnh đất này, mọi thứ cũng đã có nhiều thay đổi, chỉ duy nhất cái tư tưởng trông chờ ỷ lại của đồng bào nơi đây vẫn còn tồn tại. Đối với các chính sách hỗ trợ, như về điện, nhà ở, cây con giống, bà Xuân nhiều lần phải “ăn trực, nằm chờ” để nói cho người dân làm theo”. Hết năm 2020, Mà Sa Phìn còn 39 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo, xóa được 5 nhà tạm, dột nát. Đời sống người dân được cải thiện hơn khi đã có điện lưới, trường lớp học khang trang. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều vấn đề khó khăn.

         Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế thuần nông của Nậm Xây thật khó để nhận ra điểm nhấn. Đi dọc hết trung tâm xã, quan sát thật kỹ mới chỉ thấy có 3,4 quán tạp hóa nhỏ lẻ; Toàn xã chưa có mô hình phát triển kinh tế nổi bật. Không thể phủ nhận, thời gian qua cấp ủy chính quyền địa phương cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; Nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Khuyến khích chăn nuôi gia súc, gia cầm, cải thiện đời sống của người dân. 2020 cũng là năm đầu tiên Nậm Xây thực hiện sản xuất lúa nếp bản địa với diện tích 25ha, bước đầu đã đem tín hiệu đáng mừng. Ngoài sự nỗ lực của địa phương, các phòng ban chuyên mon trong và ngoài huyện cũng chung tay giúp đỡ xã. Hiện nay có 36 hộ tham gia dự án trồng măng Sặt thuộc dự án Great. Xã cũng có khoảng 3ha cây đào, mận đã cho thu hoạch. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các loại cây ôn đới gồm đào, mận, lê thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương nên đầu năm 2019, UBND huyện Văn Bàn đã triển khai dự án “Trồng cây đào và cây mận tại xã Nậm Xây”, người dân được hỗ trợ cây giống và 80% phân bón. Qua đó, 14 hộ nghèo, cận nghèo đã tham gia thực hiện trồng 3,6ha cây mận và 2,4ha cây đào. Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cũng hỗ trợ địa phương 200 cây Lê giống.

Tuyên truyền vận động Nhân dân thay đổi nếp sống, tư duy

         Để tiếp tục phát triển kinh tế, giảm nghèo trong thời gian tới, ông Lê Lưu Luận – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nậm Xây cũng đề nghị huyện Văn Bàn xem xét bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đai trên địa bàn với 3 khu vực: Thôn Mà Sa Phìn dành cho phát triển trồng cây ăn quả ôn đới và du lịch sinh thái; Khu vực 2 thôn Giàng Dúa Chải, Phù Lá Ngài chăn nuôi đại gia súc và trồng cây măng; Thâm canh lúa đặc sản và trồng rừng kinh tế khu vực 3 thôn Nậm Van, Nà Hằm, Phiêng Đoóng.

         Hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã Nậm Xây đạt 23,4 triệu đồng/năm – là tín hiệu đáng mừng cho công tác giảm nghèo của địa phương. Thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, không chỉ thay đổi tư duy trong Nhân dân Nậm Xây cũng cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành; Để xã thực hiện hiệu quả thiết thực công tác giảm nghèo.

Hà Phương,Trung tâm VHTT-TT
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner