Kỹ sư trẻ dân tộc tày đầu tiên của bản vùng cao Văn Bàn
Lượt xem: 8

Chàng kỹ sư trẻ dân tộc Tày của bản vùng cao Văn Bàn (Lào Cai) An Văn Tuấn, Giám đốc HTX Thái Tuấn nay gọi là HTX “Giọt vàng vùng cao”.

Thuở còn học phổ thông, cậu bé An Văn Tuấn, dân tộc Tày ở xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, Lào Cai thường thấy các cụ chữa bệnh bằng các loại lá cây hái từ trên rừng. Bản thân cậu cũng nhiều lần được bố mẹ nhờ đi hái các loại lá như đại bi, màng tang, tía tô, ngải cứu, sả... về xông, đắp hoặc pha nước uống chữa những bệnh thông thường như đau nhức cơ, xương, hoa mắt chóng mặt hoặc mất ngủ. “Tại sao cây cỏ dại tưởng như không có giá trị gì lại phòng và chữa bệnh tôt như vậy?”. Câu hỏi này cứ theo đuổi cậu bé suốt trong quá trình học phổ thông cũng như sau này vào đại học. Câu trả lời chính xác và đầy đủ nhất chỉ có được kể từ sau khi anh bắt tay thử nghiệm chiết xuất thành công tinh dầu các loại cây trên, đặc biệt là cây đại bi và tía tô.

anh tin bai
anh tin bai

Kỹ sư trẻ An Văn Tuấn

Mẻ thử nghiệm đầu tiên anh chưng cất 1 tấn nguyên liệu đại bi tươi chỉ thu được một lọ tinh dầu chừng khoảng 30 ml. Trong khi đó, anh phải bỏ ra 3 triệu đồng tiền mua nguyên liệu, chưa tính công sức thu hái. Không nản lòng, chàng kỹ sư trẻ vừa làm vừa tranh thủ tham khảo sách vở, nghiên cứu, điều chỉnh phương pháp chưng cất. Lần thứ 3, kỹ sư trẻ An Văn Tuấn đã thành công, thu được 500 ml tinh dầu/tấn nguyên liệu tươi, tăng gấp hơn 100 lần so với lần đầu chiết xuất mà chất lượng cũng được nâng cao hơn. Sản phẩm sau khi đưa đi thử nghiệm đo lường chất lượng cho thấy có nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe con người như vitamin C, protit, lipit, sắt, canxi…

Điều đáng mừng hơn nữa đối với anh và các cộng sự là sản phẩm tinh dầu từ cây đại bi sau khi có mặt trên thị trường đã được người tiêu dùng chấp nhận, đánh giá rất cao và nhanh chóng được giới khoa học và chính quyền bình chọn đạt tiêu chuẩn OCOP đầu tiên của địa phương. Đây chính là những “Giọt vàng vùng cao” của Văn Bàn, Lào Cai góp mặt trên thị trường trong nước và Quốc tế từ đầu năm 2021 đến nay.

Hiện tại HTX liên kết với 20 hộ dân trên địa bàn để trồng các vùng nguyên liệu, qua đó tạo việc làm tại chỗ cho các hộ nông dân trên địa bàn là bà con dân tộc thiểu số tại địa phương. “Một người có thể hái được 4 tạ nguyên liệu đại bi, hoặc tía tô/ngày, với giá 1.500 đồng/kg, họ thu nhập 500.000 - 600.00 đồng/người/ngày”, anh Tuấn cho hay.

Ngoài tiêu chí giảm nghèo, HTX Thế Tuấn – nay gọi là HTX “Giọt vàng vùng cao” còn trực tiếp đầu tư công sức, tiền của làm mới và mở rộng đường giao thông nông thôn, nhờ vậy bộ mặt các thôn bản trong xã cũng khởi sắc. Doanh thu cũng như lợi nhuận HTX tăng dần theo từng năm: năm 2020 doanh thu là 800 triệu; năm 2021 là 1 tỷ; năm 2022 là 1,2 tỉ đổng, lợi nhuận tăng từ 10 % lên 20%. Năm 2023 đạt doanh thu 4 tỷ đồng, Vùng nguyên liêu mở rộng đến đâu, đường giao thông liên thôn, liên xã phát triển đến đó. Chính những nỗ lực xây dựng HTX của chàng kỹ sư trẻ đã đóng góp cho địa phương 2 tiêu chí quan trọng là tạo việc làm, nâng cao mức thu nhập cho người dân và phát triển giao thông nông thôn cho địa phương trong lĩnh vực xây dựng NTM không chỉ trên địa bàn xã Chiềng Ken mà còn lan sang cả các xã lân cận.

Việc chiết xuất thành công tinh dầu đại bi có ý nghĩa lớn đối với cá nhân chàng kỹ sư trẻ An Văn Tuấn và HTX của anh mà còn đánh thức tiềm năng thảo dược quý sẵn có ở địa phương. Đây là cây đa lợi ích vừa để chữa trị bệnh vừa tạo việc làm, giảm nghèo cho người dân địa phương. “Sau khi chưng cất 1 tấn đại bi ngoài thu được tinh dầu, còn thu được khoảng 200 lít nước cất có thể dùng để tắm, xúc miệng, giúp sạch thơm, chắc răng lợi. Bã cây được ủ làm phân hữu cơ bón cho các cây trồng khác...”, anh Tuấn chia sẻ.

Từ năm 2021, sản phẩm tinh dầu đại bi, tía tô và một số cây hương liệu khác của HTX “Giọt vàng vùng cao” đã được ngành chức năng và chính quyền địa phương công nhận sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) “3 sao” của tỉnh Lào Cai; được giới thiệu quảng bá trong nhiều chương trình, triển lãm sản phẩm nông nghiệp và là một trong số ít sản phẩm của Lào Cai xuất hiện trên nhiều sàn thương mại điện tử trong nước.

Hiện tại, HTX Thế tuấn đang phát triển nhãn hiệu thương hiệu mang tên là “Giọt vàng vùng cao”. Do vậy, tất cả các hoạt động chuyền thông đều mang tên “Giọt vàng vùng cao” phản ánh giá trị và tính năng của sản phẩm tinh chất dược liệu từ các cây thuốc quý có sẵn trong rừng Hoàng Liên. Tại Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc đã vinh dự cùng với 42 cá nhân điển hình tuổi trẻ cả nước nhận giải thưởng cao quý “Giải thưởng Lương Định Của” lần thứ XVIII năm 2023 tại thành phố Sóc Trăng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, cũng trong năm 2023, anh An Văn Tuấn được Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen là điển hình tiên tiến xuất sắc tiêu biểu trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lào Cai gia đoạn 2021-2023.

anh tin bai

Anh An Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thế Tuấn được trao vinh danh giải thưởng Lương Định Của.

Triệu Thị Chín - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Văn Bàn
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner