Tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên trên địa bàn huyện Văn Bàn
Theo số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ, hằng năm vào thời điểm giao mùa Xuân - Hè, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng..). Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) làm 185 người mắc, trong đó có 07 vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên (chiếm 58,3%) làm 43 người mắc, 02 người tử vong (01 vụ xảy ra tại huyện Văn Bàn do các em học sinh trên đường đi học về hái quả Hồng Châu ăn làm 17 em nhập viện, 01 trường hợp tử vong), ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người dân.
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên trên địa bàn huyện, vừa qua Ủy ban nhân dân huyện Văn Bàn đã chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn huyện thông qua các buổi nói chuyện, tọa đàm, phát thanh, tờ rơi..., khuyến cáo người dân không sử dụng động vật, thực vật lạ; hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương. Đồng thời cung cấp tin, bài tuyên truyền hướng dẫn lựa chọn một số loại thực phẩm thông thường cho các Trạm Y tế thực hiện tuyên truyền trong các buổi họp thôn, thăm hộ gia đình... Cần chủ động điều tra, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm theo quy định để tìm nguyên nhân gây ngộ độc (nếu có) theo hướng dẫn tại Văn bản số 791/SYT-ATTP ngày 19/8/2013 của Sở Y tế quy định về chế độ khai báo ngộ độc thực phẩm.
UBND huyện yêu cầu đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các Trường THPT số 1, 2, 3, 4; Trường PTDT Nội trú THCS & THPT huyện; Trung tâm GDNN-GDTX huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về bảo đảm ATTP trong trường học, lồng ghép nội dung trong các buổi học, sinh hoạt ngoại khóa về phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cán bộ, giáo viên, học sinh; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể về công tác đảm bảo ATTP tại trường học. Đối với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP theo phân cấp quản lý trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản như sắn, các loại nấm và cây củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm, lưu ý đến các sản phẩm mang yếu tố vùng miền, địa phương.
Chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP về sử dụng sản phẩm nông sản trong các quán ăn, bếp ăn tập thể...; tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATTP, tập trung vào các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, các đối tượng là trẻ em; tuyệt đối không sử dụng các quả, cây, rễ, lá lạ để ăn, để làm thực phẩm, ngâm rượu...