Huyện Văn Bàn tăng cường giám sát phòng, chống các bệnh truyền nhiễm
Lượt xem: 395

         Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu hiện nay được dự báo vẫn diễn biến khó lường. Dịch COVID-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới, nhất là khi các quốc gia nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách mở cửa để phát triển kinh tế xã hội, giao thương, du lịch. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tiếp tục xuất hiện và lây lan như bệnh Marburg tại khu vực Châu Phi, cúm A(H5N1) tại Campuchia, sốt xuất huyết tại các tỉnh miền Trung, miền Nam... Các tác nhân gây bệnh, các chủng vi rút cúm liên tục biến đổi làm giảm khả năng bảo vệ của vắc xin, tiềm ẩn nguy cơ đại dịch. Trong nước, dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát; tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; đồng thời một số bệnh truyền nhiễm vẫn đang lưu hành mạnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A...

         Nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm số ca mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch và góp phần trong việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của huyện. UBND huyện đã chỉ đạo ngành Y tế tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và cơ sở y tế, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý kịp thời, không để lây lan rộng, bùng phát trong cộng đồng; chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động; chuẩn bị dự trữ đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như lây lan trong cộng đồng. Đối với Bệnh viện Đa khoa huyện rà soát, thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến hiệu quả, phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện. Đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp các ca mắc bệnh tăng cao; tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn.

         Đồng thời chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành Y tế tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống bệnh thủy đậu, sốt xuất huyết, chân tay miệng, cúm A… Tổ chức định kỳ tổng vệ sinh, khử khuẩn môi trường tại trường học. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho Trạm Y tế để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

         Chính quyền xã, thị trấn cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch; thường xuyên đánh giá nguy cơ, nhằm chủ động điều chỉnh, sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh; tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhằm nâng cao nhận thức của người dân bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới; tuyên truyền khuyến khích người dân thực hiện đeo khẩu trang phòng, chống dịch tại những nơi đông người.

Hoàng Hằng - ĐU. Khánh Yên Trung
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !