Cung thanh bên dòng suối Chăn
Lượt xem: 911

Được nhen lên từ những ngọn lửa nhiệt huyết mang khát vọng tiếp nối, gìn giữ để cho thế hệ mai sau biết đến nguồn cội, biết đến câu dân ca mà ông cha trao truyền lại, đồng bào Tày Văn Bàn đã và đang ngân lên những cung thanh đầy mê hoặc bên dòng suối Chăn.

Bí thư chi bộ hát dân ca

Mặc dù, ước mơ lớn lên làm cô giáo, nhưng với bà Hoàng Thị Quản, Bí thư Chi bộ thôn Làn 1, xã Khánh Yên Trung (huyện Văn Bàn) cuộc đời lại có những thăng trầm khiến mơ ước không thành hiện thực. Song giờ đây, bà rất hài lòng với việc trở thành người truyền dạy làn điệu dân ca Tày. Đặc biệt, trong vai trò Bí thư Chi bộ thôn, càng ý nghĩa hơn bao giờ hết, khi “hạt giống đỏ” nảy mầm và tiếp tục ươm những mầm xanh cho đời…

Bà Hoàng Thị Quản truyền dạy khắp Nôm cho thế hệ trẻ.

Dốc lòng tâm sự về thuở “bén duyên” với khắp Nôm, bà Hoàng Thị Quản nhớ lại: Hồi bé, tôi nghe mẹ khắp Nôm, rồi theo mẹ đến các buổi biểu diễn văn nghệ do xã tổ chức. Lúc ở nhà, mẹ tôi tự “khắp” một mình trong khi dệt vải, cán bông và nội trợ… Những lần nghe mẹ hát, tôi cũng tự mình nhẩm theo. Dần dần, những giai điệu nhẹ nhàng tình cảm ấy, tôi đã thuộc lòng. Tôi còn nhớ mãi, tết năm tôi 14 tuổi, trong Hội xuống đồng, tôi được nghe hát bài “Chóm Chiêng”. Sau hôm đó, tôi về đòi mẹ dạy bằng được. Suốt thời thiếu nữ say mê cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thuộc lời khắp bài Nôm “Chóm Chiêng” ấy.

Khi đi học, Hoàng Thị Quản biết hát và yêu ca hát nên được bầu làm quản ca. Vậy là, “cô bé quản ca” của lớp ngày ấy còn sưu tầm các bài hát, hướng dẫn cho các bạn cùng hát với nhau tại sân kho trong bản. Giai điệu khắp Nôm cứ thế đi cùng năm tháng tuổi thơ, theo cô bé Quản lớn dần, khi làm cán bộ đoàn ở xã, rồi cán bộ phụ nữ xã và hiện là Bí thư Chi bộ thôn Làn 1. Lúc nào, bà Quản cũng tràn đầy nhiệt huyết với giai điệu khắp Nôm. Chính vì vậy, được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn, bà Quản càng đau đáu hơn với suy nghĩ làm thế nào để lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc biệt là làn điệu khắp Nôm.

Vừa là đam mê, nhưng cũng vừa là lo lắng, bà Quản trăn trở: Lớp trẻ bây giờ có xu hướng yêu thích cái mới, hiện đại, nên dần dần, những nét đẹp trong phong tục, văn hóa truyền thống của người Tày được chắt chiu qua nhiều thế hệ đang dần mai một. Trong khi đó, lớp người cao tuổi am hiểu và biết hát dân ca ít dần theo năm tháng. Nên việc truyền dạy khắp Nôm cho thế hệ trẻ đang được người già ở các thôn, bản ấp ủ với khát vọng “tre già măng mọc”… Chính vì thế, trong các buổi sinh hoạt chi bộ hay họp thôn đều có nội dung ghi vào biên bản, hoặc xây dựng thành nghị quyết về giữ gìn làn điệu khắp Nôm. Không chỉ có Bí thư mà tất các đảng viên trong chi bộ cũng gương mẫu tuyên truyền, vận động mọi người cùng tham gia giữ gìn giai điệu khắp Nôm.  

Thắp lửa bên nguồn

Thật may mắn khi chúng tôi về Khánh Yên Trung vào đúng giờ học của một lớp học đặc biệt ở thôn Làn 1. Dù trời đã nhá nhem tối, nhưng các em vẫn miệt mài học từng ca từ theo bắt nhịp của người “quản ca già” Hoàng Thị Quản. Bởi chỉ tranh thủ lúc các em tan học ở trường, mới có thời gian để truyền dạy khắp Nôm được. Bà Quản vừa đọc vừa bắt nhịp và giảng giải cho con trẻ nghe về ý nghĩa của các vần điệu đó. Lớp học không phân biệt tuổi tác, miễn là có chung một đam mê gìn giữ giai điệu khắp Nôm quê mình. Lớp học duy trì đã nhiều năm, với mong muốn truyền cho thế hệ trẻ niềm đam mê ca hát.

Nhớ lại những năm tháng sau khi được tín nhiệm bầu vào làm Chi hội trưởng Phụ nữ thôn, công việc gắn với phong trào văn nghệ, nên bà Quản đã vận động chị em thành lập đội văn nghệ do bà trực tiếp hướng dẫn. Mới đầu, bà Quản thường dạy các bài hát Nôm cổ và múa then. Hầu hết chị em đều bận việc gia đình, nên thời gian tập chủ yếu vào buổi tối. Có chị khi đi tập còn bế con theo, rất vất vả. Nhưng vượt lên tất cả là nhiệt huyết, nên các chị vẫn say mê luyện tập. Có những hôm đến tận 23 giờ mới nghỉ.

Cũng là bí thư chi bộ thôn đam mê làn điệu khắp Nôm, bà Hoàng Thị Quanh ở thôn Nà Bay (Làng Giàng) còn gánh vác thêm 2 vai, đó là Chủ tịch Hội Người cao tuổi và Chủ nhiệm Câu lạc bộ khắp Nôm xã Làng Giàng. Nhiều người biết đến bà Hoàng Thị Quanh như chim sơn ca của núi rừng Văn Bàn. Cũng giống như bà Quản, sinh ra trong cái nôi của hát Nôm Tày, nên làn điệu “khắp” đã ngấm vào đam mê của bà Hoàng Thị Quanh ngay từ khi còn nhỏ. Từng giai điệu, nhịp múa và lời Nôm cất lên hòa quyện như tiếng lòng của chính người phụ nữ Tày ngân vang, ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, tô thêm vẻ đẹp của bản sắc văn hóa đồng bào Tày. Tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ từ độ tuổi trăng tròn, hơn 40 năm qua, bà Quanh vừa làm công tác của Hội Phụ nữ xã, giờ lại làm công tác Hội Người cao tuổi, Bí thư chi bộ thôn… ở nhiệm vụ nào, bà cũng luôn đau đáu với làn điệu dân ca dân tộc mình.

Được các cụ truyền dạy làn điệu khắp Nôm, lúc nào bà cũng nghĩ rằng phải giữ gìn bản sắc văn hóa, để điệu khắp Nôm không mai một trong cuộc sống hiện đại… Trăn trở ấy đã thôi thúc bà Quanh thành lập đội văn nghệ khắp Nôm. Bà Quanh tâm sự: Câu lạc bộ khắp Nôm xã Làng Giàng được thành lập, vừa duy trì sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tạo sân chơi bổ ích cho người cao tuổi và phụ nữ tại địa phương, còn có ý nghĩa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Cứ thế, ngọn lửa đam mê khắp Nôm được nhen nhóm dần trong mỗi người con của bản Tày, thổi bùng lên thành phong trào rộng khắp, là món ăn không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Tày.

Để khắp Nôm vang mãi

Chẳng biết có từ bao giờ, nhưng hiện tại, khắp Nôm vẫn luôn có ý nghĩa với đời sống của đồng bào Tày ở bên dòng suối Chăn, được ví như “cơm ăn, nước uống” hằng ngày. Bởi, trong vốn văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày, khắp Nôm có trong lời ru, trong điệu hát lên nương, trong lễ mừng cơm mới, trong rộn rã ngày hội xuống đồng, trong ngày lễ tết… Cho nên, gắn bó với mảnh đất của giai điệu khắp Nôm đã nhiều năm, ông Tạ Minh Khuê, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Bàn như thấu hiểu được điều ấy. Luôn đau đáu với bản sắc văn hóa của mảnh đất chiếm hơn 50% là người Tày, ông Khuê cũng là hạt nhân tích cực, có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa. Với người “ngoại đạo” như ông Khuê, để hiểu tường tận về lời ca tiếng hát ấy rất khó, nhưng không vì thế mà ông không trăn trở, bởi như một duyên nợ với ông khi được giao “trọng trách” quản lý về văn hóa.

Buổi luyện tập của các thành viên Câu lạc bộ khắp Nôm xã Khánh Yên Trung.

Tâm sự với chúng tôi, ông Tạ Minh Khuê cho biết: Lúc sinh thời, Bác Hồ đã từng chỉ rõ “Mỗi dân tộc phải chăm lo đặc tính của mình trong nghệ thuật”, phải “chú ý phát huy cốt cách của dân tộc”. Rồi Người còn căn dặn rằng, việc bảo vệ, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là rất cần thiết, là việc phải làm, nên làm, nhưng quan trọng hơn là việc biết vận dụng và phát triển những bản sắc ấy vào cuộc sống. Thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Bàn đã chỉ đạo nhân dân gìn giữ, duy trì làn điệu khắp Nôm và thành lập các câu lạc bộ khắp Nôm. Đó là mong muốn của Bác Hồ, cũng là những định hướng của Đảng trong giai đoạn hiện nay về vấn đề phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Văn Bàn hiện đã thành lập 12 câu lạc bộ khắp Nôm tại các xã, thị trấn. Không đơn thuần là thành lập câu lạc bộ, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Bàn còn lập hồ sơ danh mục đề nghị cấp chứng nhận nghệ nhân ưu tú cho những người truyền lửa đam mê dân ca Tày. Hầu hết hạt nhân của các câu lạc bộ khắp Nôm đều đam mê và rất muốn lưu giữ bản sắc văn hóa của ông cha cho thế hệ mai sau. Ngoài luyện tập, biểu diễn, những “nghệ sỹ của bản” còn dày công sưu tầm lời khắp Nôm cổ, sáng tác lời khắp Nôm mới; truyền dạy học sinh múa, hát làn điệu khắp Nôm…

Với những việc làm, lòng nhiệt huyết, cùng sự đam mê “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, 2 nữ bí thư chi bộ thôn có uy tín ở Văn Bàn và những người làm công tác văn hóa như ông Tạ Minh Khuê chỉ mong ước một điều thật giản dị: Làn điệu khắp Nôm mãi ngân vang bên dòng suối Chăn…

Nguyễn Thanh (tổng hợp) - Theo Báo lào Cai
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !