Hội đồng nhân dân huyện Văn Bàn hoàn thành cuộc giám sát chuyên đề về tác động, ảnh hưởng của các công trình thủy điện đối với đời sống của nhân dân, các cơ sở hạ tầng, môi trường trên địa bàn huyện Văn Bàn giai đoạn 2020 - 2022
Hội đồng nhân dân huyện Văn Bàn ban hành Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề tác động, ảnh hưởng của các công trình thủy điện đối với đời sống của nhân dân, các cơ sở hạ tầng, môi trường trên địa bàn huyện Văn Bàn giai đoạn 2020 - 2022. Theo đó, ông Phí Công Hoan, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện làm Trưởng Đoàn giám sát, ông Nguyễn Tất Thắng, Phó Chủ tịch HĐND huyện làm Phó Đoàn, thành viên Đoàn có các ông, bà Trưởng các Ban HĐND huyện, Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, đại diện các Tổ đại biểu HĐND huyện, Thường trực HĐND cấp xã tại các địa phương Đoàn thực hiện giám sát trực tiếp.
Từ ngày 06/3/2023 đến ngày 13/3/2023, Đoàn giám sát của HĐND huyện đã tổ chức giám sát trực tiếp các công trình thủy điện trên địa bàn các xã: Nậm Xây, Nậm Xé, Nậm Tha, Liêm Phú, Minh Lương, Thẳm Dương và làm việc với UBND huyện, các đơn vị liên quan, trong đó Lãnh đạo UBND huyện có đồng chí Hoàng Văn Quang, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Lê Xuân Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện.
Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện, các đơn vị liên quan
Đoàn giám sát thực hiện giám sát trực tiếp tại một số công trình thủy điện trên địa bàn
Huyện Văn Bàn có nhiều hệ thống sông, suối thuận lợi cho việc phát triển thủy điện, như: Suối Phú Mậu, suối Nậm Tha, suối Nhù, suối Chăn, suối Nậm Xây, suối Nậm Khóa... Tính đến nay, trên địa bàn huyện Văn Bàn có tổng số 36 dự án thủy điện được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 434,9MW, trong đó: Có 21 dự án thủy điện đã hoàn thành phát điện với tổng công suất 280,4 MW; 02 dự án đang triển khai thi công xây dựng với công suất lắp máy là 21MW; 06 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận chủ trương đầu tư với tổng công suất lắp máy 57,40MW và 07 dự án đang khảo sát lập hồ sơ đề xuất đầu tư có tổng công suất lắp máy 46,6MW.
Qua giám sát, cho thấy các dự án thủy điện trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Việc triển khai các dự án đã tuân thủ quy định của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Điện lực, các văn bản hướng dẫn hiện hành và phù hợp với quy hoạch định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các công trình, dự án thủy điện đã được UBND huyện Văn Bàn quan tâm thực hiện theo đúng thẩm quyền. Quá trình thực hiện dự án, các chủ đầu tư phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi và giao đất, giải quyết kịp thời những vướng mắc ngay tại cơ sở, cơ bản được nhân dân đồng tình, không xảy ra việc khiếu nại, bồi thường về đất đai kéo dài, phức tạp. Trong quá trình vận hành, các hạng mục công trình đã xây dựng đều đảm bảo an toàn; chủ đầu tư đã quan tâm triển khai thực hiện các quy định về an toàn hồ đập, phòng chống thiên tai, bão lũ, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, giảm thiểu tác động đối với kết cấu hạ tầng và đời sống nhân dân.
Qua giám sát, đánh giá các công trình thủy điện đã mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế, hiệu quả về xã hội đối với huyện Văn Bàn. Cụ thể:
Hiệu quả về kinh tế: Với nhiệm vụ chính của các dự án thủy điện là phát điện, cung cấp mỗi năm khoảng 2,8 triệu kWh điện trên 1MW cho lưới điện Quốc gia, giảm bớt sự thiếu hụt công suất cho hệ thống lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Sản lượng điện của các nhà máy thủy điện trên địa bàn qua các năm: Năm 2020 đạt 735 triệu Kwh, giá trị là 1.433 tỷ đồng; năm 2021 đạt 802 triệu Kwh, giá trị 1684 tỷ đồng; năm 2022 đạt 897 triệu Kwh, giá trị 1.923 tỷ đồng; đồng thời đã tăng nguồn thu cho địa phương (gồm tỉnh và huyện) thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, các loại thuế, phí liên quan trực tiếp đến các dựa án, khoảng 01 tỷ/1 MW/năm.
Hiệu quả về xã hội: Việc các dự án thủy điện được đầu tư xây dựng trên địa bàn đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động người địa phương, theo đó công nhân trực tiếp quản lý vận hành các nhà máy thủy điện hiện nay là 305 người, trong đó có 238 người là lao động địa phương, chiếm 78% lao động trong các nhà máy. Thu nhập bình quân của công nhân ở các nhà máy thủy điện đạt từ 08-09 triệu đồng/tháng trở lên. Ngoài ra, trong quá trình thi công xây dựng các nhà máy cũng đã tạo việc làm thời vụ cho một số lao động làm thợ xây là người địa phương; các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa của địa phương được tiêu thụ tăng thêm do cung cấp cho các dự án thủy điện…
Bên cạnh đó, một số đơn vị chủ đầu tư, nhà máy thủy điện trên địa bàn cũng tích cực tham gia công tác xã hội hóa như: Đóng góp, hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng, công tác an sinh xã hội, tổng giá trị hỗ trợ của các đơn vị khoảng trên 150 tỷ đồng, góp phần thay đổi điều kiện kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương,
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình quy hoạch, xây dựng và vận hành các dự án thủy điện trên địa bàn huyện Văn Bàn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể: (1) Công tác khảo sát xây dựng và phê duyệt quy hoạch một số dự án còn chưa phù hợp, khi trên cùng một dòng suối có nhiều dự án thủy điện (2) Trong quá trình đầu tư xây dựng, một số dự án thủy điện triển khai thi công chậm tiến độ, nhiều lần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, thời gian thi công kéo dài, lưu lượng xe vận tải vật liệu, thiết bị có tải trọng lớn làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông và kế hoạch đầu tư đường giao thông nông thôn của một số địa phương; Vẫn còn một số chủ đầu tư và đơn vị thi công chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật và bị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về xây dựng, đất đai, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường... làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan. (3) Quá trình triển khai đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đã phải thu hồi, chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp, đất rừng trồng, đất sông suối… sang đất công trình năng lượng, ảnh hưởng đến sự ổn định về đời sống và nguồn tài nguyên đất của người dân trên địa bàn dự án, ảnh hưởng trực tiếp về nguồn sinh kế và thu nhập của nhân dân. (4) Việc xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn làm giảm diện tích rừng tự nhiên của huyện, việc trồng rừng thay thế được thực hiện nhưng chưa tương xứng; việc ngăn suối, đắp đập, hồ chứa nước cũng làm biến đổi cảnh quan nguồn nước, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ sinh thái dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học của hệ thực vật và động vật. (5) Việc tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư của một số dự án chưa nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, nhân dân như: Thủy điện Nậm Má xã Nậm Mả, Thủy điện Nậm Xây Nọi xã Nậm Xây. (6) Một số dự án trong quá trình vận hành khai thác việc duy trì dòng chảy tối thiểu có lúc chưa đảm bảo; một số dự án không bố trí duy trì dòng chảy sau đập do dự án đã được phê duyệt từ lâu (như dự án thủy điện Nậm Khóa 3 chỉ có duy trì dòng chảy sau nhà máy). (7) Một số dự án chưa lắp hệ thống giám sát tự động nên đã phần nào ảnh hưởng đến việc kiểm tra, giám sát đảm bảo dòng chảy tối thiếu như cụm thủy điện Phú Mậu 1, 2, 3 xã Liêm Phú. (8) Các tổ chức Công đoàn của các nhà máy thủy điện hiện nay không trực thuộc Liên Đoàn lao động huyện quản lý, một số nhà máy chưa thành lập Công đoàn, khó khăn trong công tác bảo vệ quyền lợi người lao động....
Sau giám sát, Đoàn giám sát đã họp, thống nhất và ban hành Báo cáo số 81/BC-ĐGS ngày 10/4/2023, trong đó nêu rõ nhưng kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng, vận hành các công trình thủy điện và đã có tổng số 19 kiến nghị đối với cấp có thẩm quyền, các đơn vị liên quan, cụ thể: Có 03 kiến nghị với UBND tỉnh, 01 kiến nghị với Liên Đoàn Lao động tỉnh; 05 kiến nghị với UBND huyện; 04 kiến nghị với UBND cấp xã và 06 kiến nghị với các chủ đầu tư các dự án, nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Đoàn giám sát đã chỉ ra.
Trong đó, các kiến nghị tập trung vào các nội dung: Đề xuất cấp có thẩm quyền đưa ra khỏi quy hoạch đối với các dự án thủy điện không nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, không đảm bảo hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và kết cấu hạ tầng; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư trong quá trình thi công xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác các dự án thủy điện trên địa bàn; Tăng cường các biện pháp thực hiện việc phát triển thủy điện an toàn, hiệu quả, bền vững gắn với quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi và phát triển rừng; Tích cực triển khai công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, an toàn hồ đập; Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân trên địa bàn tích cực phối hợp với chính quyền thực hiện giám sát việc duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập của các dự án thủy điện; Giải quyết hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân địa phương, có giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, đời sống dân sinh và kết cấu hạ tầng để phát triển bền vững, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh vừa có các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn, để người dân và địa phương được thụ hưởng nhiều hơn những lợi ích mà các dự án thủy điện đem lại...