Dòng sông Hồng là đường thủy lợi hại nhất cho
quân xâm lược phương Bắc thôn tính nước ta. Đoạn chảy qua huyện Văn Bàn, bên tả
ngạn là xã Bảo Hà huyện Bảo Yên (trước 9/1965 thuộc huyện Văn Bàn) dải núi con Voi
tiến sát bờ sông, bên hữu ngạn là xã Tân An nhánh núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn
tiến sát bờ sông, dòng sông hẹp, độ dốc cao chảy xiết. Tại vị trí này là địa
điểm đắc địa, các triều đại phong kiến đã lập lũy chặn đánh sự tiến quân đường
thủy của quân giặc phương Bắc. Lần lượt các tướng quân tài giỏi, mưu lược cao
đã được triều đình điều lên cầm quân xây thành lũy trấn ải đặt tên là Lũy Trấn
Hà. Ảnh hưởng của Đạo Mẫu, văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, các thế hệ tướng quân
cùng binh sỹ, nhân dân đã xây dựng Đền phụng thờ Thượng Ngàn Công Chúa, tên gọi khác là Mẫu Thượng Ngàn. Bà được Ngọc Hoàng
Thượng Đế giao trông coi 81 cửa rừng, núi non, hang động khắp cõi Nam Giao.
Ngôi Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, ngay tại bờ sông
thuộc thôn Tân An 2 ngày nay,
là chỗ dựa tinh thần cho các thế hệ tướng lĩnh và nhân dân
làm lên những chiến công hiển hách bảo vệ biên cương tại điểm Lũy Trấn Hà. Tướng quân họ Nguyễn, một trong những tướng
tài giỏi được triều đình phái lên trấn ải tại Lũy Trấn Hà này. Ông đã giao con
gái là Bà Nguyễn Hoàng Bà Sa giúp ông đèn nhang tại Đền, khẩn cầu Thượng Ngàn
Công Chúa linh ứng phù hộ binh sỹ, nhân dân. Tài thao lược, lợi thế vị trí đắc
địa, sức mạnh vô hình Thượng Ngàn Công Chúa, Ông đã tập hợp quân sỹ, nhân dân
nơi đây lập nhiều chiến công oanh liệt. Hy sinh Ông được nhân dân tôn phụng lập
Đền thờ tại xã Bảo Hà và liên tưởng là vị Thánh con trai thứ bảy Đức Vua Cha
Ngọc Hoàng giáng trần, từ đó Đền có tên Đền Ông Hoàng Bảy.
Bà Nguyền Hoàng Bà Sa vốn đức độ, có công
phụng thờ, đèn nhang tại Đền Thượng Ngàn Công Chúa và giúp đỡ nhân dân. Cùng
Cha ra trận, hy sinh được nhân dân nơi đây đưa bải vị Bà vào thờ tại một ban
trong Đền Thượng Ngàn Công Chúa. Do vậy ngôi Đền nhân dân nơi đây còn có tên
gọi khác là Đền Cô.
Vua Khải Định, ngày 25 tháng 7 năm 1924 đã sắc phong về Ngôi Đền,
như sau:
“Sắc phong cho xã Bảo Hà phụng sự
Thượng Ngàn Công Chúa tôn thần có công bảo hộ đất nước, che chở cho dân, khi
cầu linh ứng, tấm lòng ngay thẳng. Nhân dịp trẫm vào tứ tuần đại khánh 40 tuổi,
ban chiếu chỉ viết sổ vàng, phong thần làm Trang vi dực bảo Thượng đẳng thần.”
Năm 1971, xảy ra trận lũ cuốn trôi ngôi Đền. Năm 2006, ngôi Đền đã
được phục dựng lại ngay trên nền cũ xưa kia. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã
ra Quyết định số 3743/QĐ-BVHTTDL ngày 28/10/2016 xếp hạng là di tích Quốc gia.
Hằng năm, ngày 17 tháng Giêng là ngày lễ chính của Đền. Hiệp Hội
UNESCO đã cấp Bằng chứng nhận Đền Công Chúa Thượng Ngàn xã Tân An là Đền thờ có
giá trị văn hóa, kiến trúc và ý nghĩa về mặt tâm linh theo thuần phong mỹ tục,
theo nghi lễ thờ cúng của người Việt.
Đền Mẫu Thượng Ngàn xã Tân An và Đền Bảo Hà
thờ Đức thánh Hoàng Bảy là hai di tích lịch sử -văn hóa được xếp hạng Cấp Quốc
Gia. Hai di tích cùng với di tích Lũy Trấn Hà là ba di tịch lịch sử-văn hóa gắn
với truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm phương Bắc của dân tộc ta.
Di tích Lũy Trấn Hà dấu tích còn lại là bức
tường thành bằng đất sét trộn với phụ gia, trình tường cao trên 4 mét rộng
khoảng 5 mét dày khoảng 0,8m, phơi mưa nắng nhiều thế kỷ nay vẫn còn vững trãi,
địa điểm tại thôn Tân An 1 xã Tân An. Di tích đang được cơ quan chuyên môn tham
mưu UBND tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê và kế hoạch khảo sát, thám sát, lập hồ
sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử -
văn hóa cấp quốc gia.
Quần thể di tích lịch sử -văn hóa Bảo Hà –
Tân An là địa chỉ thu hút đông đảo du khách thập phương đến hành hương
Tạ Minh Khuê- Trưởng phòng Văn
hóa và Thông tin