Khau Co (Nghĩa tiếng Tày,Thái là “Cửa gió”) là đỉnh đèo cao hiểm trở (1.200 m so với mặt nước biển), nơi có mây phủ và gió lộng bốn mùa, là ranh giới giữa hai huyện Văn Bàn (Tỉnh Lào Cai) và huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu), cả hai huyện trước đây đều thuộc tỉnh Yên Bái.
Đầu năm 1946, thực dân Pháp từ Sơn La, Lai Châu đã tràn ra chiếm đóng huyện Phong Thổ (thuộc Lào Cai), từ tháng 2 năm 1946, chúng đánh chiếm huyện Than Uyên (Yên Bái) rồi nhanh chóng đem một trung đội Âu Phi và một số lính dõng ra chốt giữ đèo Khau Co, đây là vị trí lợi hại về mặt quân sự, địch chốt giữ Khau Co hòng bịt đường liên lạc, vận chuyển giữa Văn Bàn với Than Uyên, với Tây Bắc, làm bàn đạp để đánh chiếm lại Văn Bàn và các huyện tiếp giáp với Văn Bàn.
Địch đóng đồn ở Khau Co, biết thế nào chúng cũng mở rộng địa bàn chiếm đóng nên Ban cán sự Đảng và Huyện bộ Việt Minh Văn Bàn đã chủ động đề xuất với tỉnh đánh chiếm lại Khau Co.
Được sự đồng ý và tăng cường lực lượng của Tỉnh, ngày 26/10/1946, ta bí mật xuất quân đi Khau Co, lực lượng ta có 1 trung đội trên tăng cường và 1 trung đội võ trang địa phương phối hợp. Chỉ huy trận đánh là đồng chí Vạn Lịch và Nguyễn Đình Tấn, Đội Lục. Người dẫn đường là ông Sầm Văn Khèo (ở xã Minh Lương). Nhân dân xã Minh Lương là lực lượng trực tiếp vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm cho trận đánh.
Ngay từ sáng sớm ngày 27/10/1946, quân ta chia làm 3 hướng: Từ 3 phía bí mật áp sát tiến công đồn địch, địch chủ quan chỉ gác phía Nặm Xé, bất ngờ bị ta đánh úp chúng không kịp trở tay đối phó, một số tên chết, một số bị ta bắt, ta thu toàn bộ trang bị, vũ khí, đạn dược, trong đó có 17 khẩu súng trường, 4 tiểu liên, 3 trung liên, 2 Moóc-chi-ê, 1 đại liên.
Đây là trận đánh nhanh gọn, thắng lớn của lực lượng võ trang địa phương phối hợp với lực lượng của trên. Đây cũng là tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp đầu tiên của tỉnh Yên Bái, trước khi có lệnh Toàn quốc kháng chiến (19/12/ 1946).
Sáu mươi năm đã qua đi, dư âm và khí thế chiến thắng của trận Khau Co còn vang mãi, là dấu son trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của Nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn.
Khau Co (Cửa gió), ngày nay đã được rộng mở, đỉnh đèo vẫn hùng vĩ và sừng sững với mây ngàn, gió núi, đường qua Khau Co xưa nhỏ bé gập ghềnh, khúc khuỷu; nay là Quốc lộ 279 đã được nhựa hoá vắt qua đỉnh Khau Co, trông như một tấm thảm nhung chào mời Quý khách, đặc biệt là các nhà doanh nghiệp hãy đến với Khau Co ngắm nhìn vẻ kỳ thú của núi rừng trong cảnh mây giăng ấp núi, núi vờn mây, mờ mờ, ảo ảo, gió se lạnh thổi với cảm giác thích thú như chốn bồng lai, tiên cảnh… Hãy đầu tư, xây dựng làm cho Khau Co trở thành điểm du lịch, nơi nghỉ mát, là điểm đến tương lai của khách du lịch trong và ngoài nước.