Đội quân xe thồ lên Điện Biên
Lượt xem: 108

Sau tết Giáp Ngọ 1954, ngày mồng 5 tháng Giêng, xã đội triệu tập hơn 40 anh em biết đi xe đạp trong đại đội dân quân thường trực của xã họp khẩn cấp. Ai cũng cho là có chuyện tổng động binh. Sau khi nghe lời tuyên bố lý do của ông xã đội trưởng, chúng tôi mới rõ: "Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) ra lệnh điều động một trung đội dân quân xe thồ của Thiệu Đô tập trung tại huyện để thành lập đại đội dân công tiếp vận đường dài phục vụ chiến dịch đánh lớn".

anh tin bai

Hàng dài xe thồ trên đường ra chiến dịch.

Tất cả chúng tôi không một ai từ chối nhiệm vụ, nhưng cũng còn một số thắc mắc vì nhiều người tuy biết đi xe đạp nhưng hiện tại không có xe, nhà lại nghèo lấy gì mà mua. Ông xã đội trưởng nói: "Ai đã có xe thì sửa soạn lại cho tốt mà đi, trường hợp khó khăn xã sẽ hỗ trợ ít nhiều tiền mua sắm phụ tùng. Còn ai chưa có xe, sẽ có. Xã chủ trương vận động những nhà giàu bỏ tiền ra mua xe và họ sẽ được miễn đi dân công. Như vậy là người có của góp của, người có công góp công: "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả để đánh thắng giặc Pháp xâm lược". Mọi người đều yên tâm, phấn khởi.

Vậy là sau buổi họp chỉ trong vòng 5 ngày, 45 anh em chúng tôi đã có đủ xe đạp để lên đường phục vụ. Tôi được nhận một chiếc "lanh côn" mới toanh của ông chú họ góp với xã.

Tất cả đều là lính mới nên phải tập dượt, từ cách buộc tay ngai cọc thồ, đóng hàng rồi thồ thử trên sân gạch, trên đường làng, ngõ xóm cho quen chân, quen tay. Ban đầu thồ được vài bước là xe đã đổ kềnh, mà nào có nặng nề gì đâu, tối đa không quá 80kg hàng. Nhưng rồi cũng quen dần. Ngoài việc tập thồ, sửa sang xe cộ cho tốt, chuẩn bị đem theo một số phụ tùng cần thiết, mọi người còn phải học tập chủ trương chính sách, mục đích yêu cầu, kế hoạch vận chuyển, nội quy hành quân, tầm quan trọng của chiến dịch,...

Đoàn thồ Thiệu Đô chúng tôi qua cầu phao Vạn Vạc vào lúc chập tối, các cô gái làng tiễn đoàn bằng những câu hò:

"Cả làng em chẳng yêu ai

Chỉ yêu anh chiến sĩ tay ngai cọc thồ

Mấy lời nhắn nhủ người thương

Làm tròn nhiệm vụ tiền phương mới về".

Dừng lại ở thôn Chí Cẫn để tổ chức biên chế thành trung, đại đội của huyện và đóng hàng. Trung đội Thiệu Đô có nhiệm vụ chuyển hơn ba tấn gạo ra tiền phương. Gạo được đóng vào dó, mỗi dó có trọng lượng từ 30, 40 đến 50 cân. Đóng hàng xong là hành quân theo hướng Tây Bắc.

 

anh tin bai

Binh đoàn xe đạp thồ trên đường ra chiến dịch.

Con đường tỉnh lộ Thanh Hóa - Hồi Xuân hằng ngày xe chở khách, chở hàng vẫn thường xuyên qua lại, còn lúc này thì những chặng đường đồng bằng, trung du đã bị băm nát, đào bới, chặt ra từng khúc, từng đoạn lại mọc đầy những ụ đất chắn ngang đường, trên từng ụ mọc lên những cây đa, những bụi tre gai. Đường thẳng, giờ đây trở thành ngoằn ngoèo, gồ ghề chỉ đủ cho người đi bộ, còn đi xe đạp rất khó khăn.

Hằng ngày, máy bay giặc Pháp bay lượn rà soát. Ban ngày, con đường rất ít người qua lại nhưng khi mặt trời vừa xuống núi là từng đoàn gồng gánh, từng đoàn xe thồ ùn ùn từ trong các lũy tre làng kéo ra. Ban đêm nếu như ai đó đếm được sao trên trời thì mới đếm được bao nhiêu ánh đèn chai lấp ló, chao đảo của đoàn dân công gánh bộ rồng rắn lượn trên đường. Còn cánh xe thồ chúng tôi thì đi "đèn gầm" do chúng tôi tự chế, buộc vào càng xe phía trước; chụp đèn là nửa trên vỏ chai trắng cắt đôi, phao đựng dầu, bấc là vỏ lọ mực; chụp và phao được đặt vào một ống luồng cắt hổng một lỗ tròn bằng nắm tay để ánh sáng ló ra phía trước, đủ soi đường cho bánh xe lăn vì phải đề phòng máy bay.

Đêm đi ngày nghỉ, một tuần sau chúng tôi mới tới trạm Cành Nàng (Bá Thước). Tính ra mỗi ngày chúng tôi chỉ đi được 10km, đến Cành Nàng, chúng tôi được tin đoàn thồ thị xã Thanh Hóa đang tổ chức vượt sông La Hán. Trạm Cành Nàng nằm ở hậu tuyến, nơi tập trung dân công các huyện trong tỉnh Thanh Hóa cùng một số dân công tỉnh Nghệ An.

Phố Cành Nàng, huyện lỵ Bá Thước, là nơi tụ hội các đoàn dân công gánh bộ, dân công xe thồ, thuyền nan, dân công cầu đường, dắt trâu bò...

Từ sáng đến chiều, phố xá im lìm, đêm đến thì thực là tưng bừng, nhộn nhịp, đèn đuốc sáng trưng, "Người xe chật đất, gánh gồng như nêm". Tiếng hò, tiếng hát chen lẫn tiếng gọi nhau vang lên thâu đêm suốt sáng. Chúng tôi gặp được những người thân từ quê nhà đi tải đạn, tải lương. Dân công gánh bộ tập trung ở đây để rồi vượt qua Eo Gió lên trạm Phú Nghiêm. Dân công xe thồ thì vượt sông La Hán và cũng từ La Hán đi Phú Nghiêm, Hồi Xuân. Hơn chục chiếc đò ngụp ngoạp từ đầu hôm đến sáng mới đưa được đoàn thồ Thiệu Hóa qua sông. Đơn vị chúng tôi phải hành quân gấp để đuổi kịp đoàn thồ thị xã Thanh Hóa. Chúng tôi đến Phú Nghiêm vừa kịp giấu xe thồ thì hai chiếc máy bay Hen-cát nhào tới bắn phá. Cũng may chúng tôi đã kịp chui nấp vào hang đá. Ở Phú Nghiêm nhiều hang đá, có hang rộng chứa hàng trăm người, rất kiên cố. Thế là trong 10 ngày hành quân, đơn vị chúng tôi bị ba phen hú vía; lần này nếu chậm một ít phút thì thế nào cũng bị địch đánh giữa đường và khó tránh khỏi thương vong. Đoàn thị xã Thanh Hóa đi trước, đoàn Thiệu Hóa đi sau, vừa đi khỏi thì hai máy bay B.26 đến trút xuống hàng chục quả bom, rốc két. Tuy nhiên, trong cái may của chúng tôi cũng có cái rủi ro của đồng chí, đồng bào: Trận bom ở Chiềng Vạc có tới chục người chết, trận bắn phá ở Phú Nghiêm cũng thiệt mất hai anh chị dân công đang ngồi nấu nướng ở bờ khe.

Lác đác trong hai đoàn xe thồ đã có người thoái lui vì chịu không nổi gian khổ. Đoàn Thiệu Hóa nghỉ lại một ngày ở Phú Nghiêm để "rèn cán chỉnh quân", chủ yếu là củng cố tinh thần anh em trong đơn vị, đề cao cảnh giác, chấp hành nội quy hành quân. Phải làm như vậy bởi có những anh em dân công không chấp hành nội quy hành quân để lộ mục tiêu. Hơn nữa, thằng địch đã đánh hơi biết ta đang mở chiến dịch đánh lớn lên Tây Bắc nên hằng ngày chúng cho máy bay rà soát con đường hành quân của ta, gặp chỗ nào nghi ngờ là chúng bắn phá.

"Rèn cán chỉnh quân" xong, đoàn chúng tôi vượt dốc Yên Ngựa lên trạm Hồi Xuân. Dốc Yên Ngựa chạy dài 5km. Có tới 10 bậc dốc, gọi là bậc vì lên dốc là cứ như leo thang, người gánh bộ cứ ì à ì ạch trèo từng bước, còn xe thồ thì trời nắng phải 3 người đẩy một xe lên dốc, trời mưa, dốc trơn phải từ 5 đến 7 người xúm vào vừa kéo vừa đẩy. Đúng là vã mồ hôi hột, thở ra đằng tai mới đẩy được xe lên khỏi dốc, chẳng có cái mệt nào bằng, thế nhưng, nghỉ ngơi một lát lại khỏe như thường. Còn xuống dốc, lao dốc mới thật nguy hiểm, không những xảy ra nhiều trường hợp gãy xe mà còn có cả thương vong.

Đoàn thị xã Thanh Hóa đã có người đập mũi xuống đường, dập bã mía chết; đoàn Thiệu Hóa đã có dăm bảy anh gãy tay, dập đầu gối nằm lại điều trị dọc đường rồi đành lui về hậu phương. Cho xe xuống dốc, nếu là dốc thường thì cứ việc thả phanh mà chạy, còn dốc cao, muốn được an toàn phải có 3 thứ phanh: Đằng trước, một anh tay trái nắm chặt ghi đông xe đẩy ngược, tay phải bóp chặt bánh xe trước cho lăn từ từ; đằng sau, một anh buộc thừng vào gác-ba-ga kéo lại, còn chủ xe cầm tay ngai, cọc thồ điều khiển xe, điều khiển cả phanh xe. Phanh xe là một khúc gỗ nhỏ chặt vát một nửa chèn vào lốp sau; qua những lần thử nghiệm thấy loại phanh này có tác dụng tốt nhưng rất hại lốp, về sau có anh nảy ra sáng kiến bọc lốp cũ vào gỗ chèn đỡ hại lốp xe hơn.

Ban đêm hành quân, ban ngày dừng lại ở các lán dọc đường để ăn ngủ. Ngủ thì thoải mái, còn ăn thì phải thật chắc bụng. Ở trung tuyến, gạo, muối, cá khô được cung cấp đầy đủ, thỉnh thoảng còn có đường, sữa, thịt bò, bánh kẹo. Riêng cái khoản rau rừng thì chẳng cần phải phân phối: Rau bấn, rau tàu bay, lạc tiên, lá lốt, mùi tàu, môn nước... chẳng thiếu.

Trải qua những chặng đường thử thách, từ quê nhà hành quân lên trạm Hồi Xuân, trung đội Thiệu Đô mất 3 chiến sĩ tay ngai: Một người bị sốt rét, một người gãy khung xe, và một anh vì không chịu được gian khổ đã "vù" từ khi mới đến trạm Cành Nàng. Số còn lại hòa nhập với hơn trăm tay thồ của đại đội dân công xe thồ thị xã Thanh Hóa và Thiệu Hóa vượt qua những đêm mưa và dốc dựng với lòng quyết tâm:

"Trời mưa ướt áo ướt quần,

Ướt sao cho được tinh thần dân công".

Và:

"Trèo lên dốc núi cao cao

Có đi tiếp vận mới biết công lao Bác Hồ".

Hành quân đến trạm Suối Rút đúng vào ngày mà quân ta nã phát súng đầu tiên vào đồi Him Lam mở màn chiến dịch, chúng tôi mới hay mình đang phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nếu như Cành Nàng là nơi hội tụ của dân công các huyện trong tỉnh Thanh Hóa, thì ở đây cũng là nơi gặp gỡ dân công của một số tỉnh Sơn La xuống, Ninh Bình, Nam Định ngược lên. Tuy không quen biết mà như đã biết tự bao giờ:

Dân công lại gặp dân công

Như chim loan phượng, ngô đồng gặp nhau...

Dân công lại gặp dân công

Như vợ gặp chồng như hạn gặp mưa.

Đơn vị xe thồ Thiệu Hóa được lệnh đưa hàng vào kho. Thế là hạt gạo của quê hương tôi niêm phong từ nhà chở lên đây đã nằm gọn trong kho và có thể chỉ lát nữa, hoặc đêm nay, ngày mai được chuyển tiếp ra tiền phương cùng với hạt gạo của mọi miền quê khác trên miền Bắc.

Đưa hàng vào kho xong chúng tôi được lệnh rút về trạm Hồi Xuân và lại từ Hồi Xuân chuyển hàng lên Suối Rút. Hồi Xuân - Suối Rút - Hồi Xuân hay gọi tắt là trạm V.C.5, V.C.4, cứ thế chúng tôi đi lại như thoi đưa, vui mừng với những chiến công dồn dập từ Điện Biên Phủ báo về.

Đường từ trạm V.C.4 lên trạm V.C.5 dọc theo sông Mã nhiều đoạn đi tắt qua đường mòn của dân bản nay được phát quang mở rộng, có đoạn chỉ đủ chỗ cho xe thồ lăn bánh trên những gốc cây con vừa mới chặt. Có những đoạn đường mở sát vào vách núi đã bị sạt lở phải bắc sàn gỗ, trải thêm nứa áp vào vách núi cho người và xe đi. Đẩy xe trên những đoạn đường này tôi hình dung như mình đang đi trên đường sạn đạo ở Ba Thục trong truyện Tam Quốc mà tôi đã được đọc; sẩy chân, sẩy tay một chút là có thể lao cả người và xe xuống sông xuống vực.

Dốc ở đây không dài, không cao nhưng phần nhiều là dốc dựng đứng bởi con đường phải qua nhiều khe suối, và mỗi khe suối là dốc xuống rồi lên. Nếu như ở những đoạn đường Hồi Xuân, La Hán phải ba, bốn người mới đưa được một xe xuống dốc thì ở đây phải bảy, tám người; vì dốc đã dựng đứng lại trơn. Có khi phải mất nửa ngày, cả đơn vị mới qua được dốc. Bởi thế nên mỗi ngày chúng tôi chỉ đi được năm, bảy cây số và không phải đi đêm vì đoạn đường này máy bay địch chưa hề biết đến.

Đêm về không có lán, trại, anh em chúng tôi dựa xe đóng cọc, che áo mưa nằm trên bao gạo mà ngủ. Gặp những đêm mưa thì cứ việc đội áo tơi, ngồi chờ trời sáng. Từ V.C.4 đến V.C.5, chúng tôi nhận được 5 ngày gạo ăn. Chiều hôm ấy, sau ba ngày hành quân, chúng tôi dừng chân, dựng xe nghỉ bên bờ sông Mã, vừa kịp bắc bếp nấu thì trời đổ mưa rào, mọi người phải nhanh tay, mỗi bếp cử hai anh căng nilon che mưa cho lửa cháy đến lúc cơm chín.

Trời mưa rả rích cả đêm, sáng mai vẫn không tạnh; mọi người bàn nhau dựng lều lán đề phòng mưa kéo dài. Dựng xong lều thì trời tạnh. Nhìn lại con đường phía trước, không còn đường mà là con sông, bởi vì đây là con đường mới mở đi dưới bãi ven sông sát vào vách núi. Nằm đợi một ngày mà nước vẫn không rút, có lẽ nơi thượng nguồn vẫn còn mưa, chúng tôi nghĩ thế, và ai nấy đều sốt ruột, lo lắng. Quay về trạm V.C.4 hay chờ nước rút chuyển tiếp? Câu hỏi được đặt ra và được giải đáp. Tôi và anh trung đội trưởng đi làm nhiệm vụ dò đường. Hai chúng tôi lội ào xuống nước, dựa vào vách núi dò từng bước, đi ngược dòng. Rất may, đoạn đường quanh vách núi dài không đầy 1km có thể lội được, nước chỉ ngập lên đến bụng, đến ngực, chúng tôi quay về triệu tập một cuộc họp khẩn cấp. Mọi người đều nhất trí: "Bằng giá nào cũng phải đưa được hàng lên trạm V.C.5 càng sớm càng tốt, tiền tuyến đang chờ chúng ta, tất cả cho tiền tuyến!".

Một kế hoạch được vạch ra, chỉ vài giờ sau chúng tôi đã đóng xong hơn chục mảng bè nứa, chuyển hàng lên bè thả xuống nước kéo ngược dòng, nhưng không ổn, vì có nhiều đoạn nước chảy mạnh. Tưởng phải bó tay, bỗng anh trung đội trưởng nảy ra sáng kiến, đóng cáng kiểu tải thương để chở hàng. Cứ bốn anh một cáng, mỗi cáng đặt hai dó gạo, nhấc cáng lên vai dò dẫm lội ngược dòng: Hoan hô tải gạo như tải thương! Gần trọn một ngày dầm mình dưới nước, đơn vị đã đưa được hơn ba tấn gạo qua đoạn đường ngập nước và chuyển kịp lên trạm V.C.5. Lúc này ở trạm V.C.5 có tới hàng trăm anh chị em dân công đang nằm chờ gạo. Hạt gạo đến trạm lúc này quý giá nhường nào.

Nước rút, chúng tôi quay về trạm V.C.4 và rồi lại từ V.C.4. lên V.C.5. Ngày cả nước reo vui mừng chiến thắng Điện Biên Phủ, 40 tay thồ chúng tôi trở về quê hương hãnh diện đeo trên ngực chiếc huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên".

 

Theo Báo Quân đội nhân dân (Nguyễn Huy Thanh tổng hợp)
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner