Đổi mới hoạt động trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp
Lượt xem: 160
Ngày 1/6, Quốc hội khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ chín của Kỳ họp thứ ba. Buổi sáng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Đại biểu QH tỉnh Hà Giang phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

Tạo điều kiện trợ giúp pháp lý cho những đối tượng yếu thế

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ QH do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định trình bày trước QH đã làm rõ những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), Ủy ban Thường vụ QH đánh giá dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm kế thừa phạm vi điều chỉnh của luật hiện hành và các luật liên quan, đồng thời luật hóa các quy định hiện hành đang được thực hiện có kết quả, bổ sung những quy định nhằm đổi mới hoạt động TGPL theo hướng chuyên nghiệp, mở rộng xã hội hóa, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tinh gọn tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, đáp ứng kịp thời nhu cầu cho người thuộc diện được TGPL...

Tại phiên thảo luận, ý kiến của nhiều đại biểu: Cao Thị Giang (Quảng Bình); Vương Ngọc Hà (Hà Giang); Ngô Sách Thực (Bắc Giang); Nguyễn Mai Bộ (An Giang); Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)... tập trung nêu về bố cục của luật; nguyên tắc hoạt động TGPL; chính sách của Nhà nước về TGPL; quy tắc nghề nghiệp TGPL; nguồn tài chính cho công tác TGPL; hỗ trợ thực hiện vụ việc TGPL phức tạp, điển hình tại các huyện nghèo, xã nghèo… Bên cạnh đó, một số đại biểu tham gia ý kiến về người được TGPL, phạm vi người được TGPL để bảo đảm tính khả thi; đề nghị mở rộng phạm vi để phù hợp các luật liên quan, bổ sung “người thuộc hộ cận nghèo”, “người bị hại thuộc hộ cận nghèo”, 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em, người chấp hành xong án phạt tù, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc có hoàn cảnh khó khăn thuộc đối tượng được TGPL. Đồng thời, đề nghị rà soát và quy định rõ hơn về đối tượng người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn...

Cho ý kiến cụ thể về các nội dung, đề cập dự thảo luật quy định cụ thể về bảy nhóm đối tượng được TGPL, nhiều ý kiến cho rằng quy định này thể hiện chính sách TGPL của Nhà nước được xây dựng trên nguyên tắc tạo điều kiện cho những người yếu thế được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thông qua việc sử dụng TGPL chuyên nghiệp, tin cậy và kịp thời. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) đánh giá, theo quy định như Điều 7 của dự thảo, diện người được TGPL bị thu hẹp hơn so với quy định của các luật chuyên ngành. Theo đại biểu, quy định này không thu hút được tất cả những người được TGPL được quy định tại Điều 4 Luật Người khuyết tật, khoản 1 Điều 36 Luật Phòng, chống mua bán người, khoản 1 Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về quyền được TGPL của các đối tượng này mà không cần phân biệt họ có khó khăn về tài chính hay không...

Với nội dung tại khoản 4 Điều 7, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phân tích: Mục tiêu của chính sách này là nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội đối với người dân ở địa bàn là "lõi nghèo" nhất về trình độ phát triển. Tuy nhiên quy định như dự thảo luật hàm ý hai điều kiện "phải là người dân tộc thiểu số", "phải có hộ khẩu thường trú", tức là loại trừ quyền được TGPL của những người "không có hộ khẩu thường trú" hoặc "không phải người dân tộc thiểu số". Điều này không phù hợp điều cấm "lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân" tại khoản 2 Điều 8 Luật Cư trú, đồng thời tạo ra sự phân biệt đối xử không phù hợp với quan điểm, đường lối về công tác dân tộc. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu quan điểm mở rộng đối tượng đến đâu cần phải có căn cứ, nguồn lực, bảo đảm khả thi, phù hợp với thực tế đất nước; cần phải nghiên cứu thật cẩn thận, bảo đảm nâng cao chất lượng của hoạt động TGPL.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ QH có quan điểm việc xác định diện người được TGPL cần phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật hiện hành và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều đại biểu QH đề nghị khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các đối tượng mới vào Luật TGPL.

Bảo đảm an sinh xã hội khi triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần để triển khai. Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thực hiện trên địa bàn sáu xã thuộc huyện Long Thành (Đồng Nai) là: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn. Mục tiêu là xây dựng Cảng đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Quy mô của Dự án: đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và năm triệu tấn hàng hóa/năm. Diện tích sử dụng đất của Dự án gồm 5.000 ha, khái toán cho toàn bộ Dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014).

Thảo luận nội dung này, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết nhưng lưu ý, từ những dự án quốc gia quan trọng đã thực hiện, đề nghị Chính phủ quan tâm bảo đảm công tác tái định cư ổn định đời sống sản xuất của nhân dân vùng chịu ảnh hưởng, bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, có chính sách, giải pháp chuyển đổi việc làm, đào tạo nghề cho người dân trong vùng thu hồi đất.

Có ý kiến cho rằng, đây là dự án quan trọng quốc gia, do vậy, cần thực hiện theo đúng trình tự của Luật Đầu tư công năm 2014. Ý kiến khác khẳng định, theo Luật Đầu tư công năm 2014 về điều kiện quyết định chủ trương đầu tư thì Dự án không trùng lặp với các dự án khác đã có quyết định chủ trương đầu tư và do Dự án bao gồm cả nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được QH quyết định chủ trương đầu tư, cho nên dự án thành phần này đáp ứng tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia nhưng không phải xin chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, dự án thành phần có nội dung rất quan trọng, liên quan công tác an sinh xã hội, tổng mức đầu tư lớn, cho nên phải có các quy định cụ thể, cơ chế, chính sách đồng bộ để thuận lợi trong quá trình thực hiện và giám sát. Nhiều ý kiến đề nghị QH ra nghị quyết riêng và giao Chính phủ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tư.

Về kinh phí thực hiện, nhiều ý kiến băn khoăn nguồn vốn dành cho công tác giải phóng mặt bằng, cũng như bố trí vốn để thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án có diện tích 5.000 ha theo Nghị quyết số 94/2015/QH13. Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện, nhất là rà soát kỹ các nguồn lực cho đầu tư công và tính đến tính khả thi của các nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ, phương án khai thác đất tạo nguồn thu từ quỹ đất chưa sử dụng của dự án.

Nguyễn Thanh VP.HĐND&UBND huyện (tổng hợp)-Theo Báo Nhân dân

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner