Đánh thức tiềm năng, tạo động lực để bứt phá
Lượt xem: 339

Hôm nay (23/9), cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Văn Bàn tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (27/9/1947 - 27/9/2017), nhân dịp này, đồng chí Phan Trung Bá, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã trả lời phỏng vấn về những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội và những định hướng lớn.

Một góc trung tâm thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn hôm.

Phóng viên: Đồng chí đánh giá khái quát những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội mà Văn Bàn đạt được trong chặng đường đã qua?

Đồng chí Phan Trung Bá: Trước năm 1991, huyện Văn Bàn thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, từ tháng 10/1991 đến nay là một huyện của tỉnh Lào Cai. Từ khi được thành lập, Huyện ủy Văn Bàn đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc tích cực tham gia kháng chiến chống Pháp, tiễu phỉ, giải phóng quê hương. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiều phong trào phát triển kinh tế và là địa phương luôn đi đầu trong huy động sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo đồng bào các dân tộc địa phương thực hiện thành công hai nhiệm vụ: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ những năm đầu thế kỷ XXI, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự nỗ lực vươn lên từ cơ sở, kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển mới. Đặc biệt, từ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, XIX, XX, với các chương trình công tác trọng tâm, bằng sự đoàn kết, thống nhất cao, huyện Văn Bàn đã đạt được những thành tựu rất cơ bản, toàn diện. Các thành phần kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Từ năm 2011 - 2016, kinh tế của huyện tăng trưởng bình quân 14%/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 23,61%.

Từ năm 2010 đến nay, Văn Bàn tập trung mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt tập trung cho vùng xa, vùng cao. Tính đến hết năm 2016, có 23 xã, thị trấn trong huyện được sử dụng điện lưới quốc gia; 254/268 thôn, bản có điện lưới quốc gia, với 95,63% số hộ được sử dụng điện.

Bên cạnh đó, Văn Bàn coi trọng công tác phát triển giáo dục và đào tạo. Đến nay, Văn Bàn duy trì bền vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, chống mù chữ; duy trì phổ cập THCS tại 23 xã, thị trấn; duy trì phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 tại 7 xã, thị trấn; phổ cập THCS mức độ 2 tại 19 xã; phổ cập THCS mức độ 3 tại 4 xã, thị trấn…

Chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân từng bước được nâng lên. Đến nay, đã có 15/23 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (theo tiêu chí mới); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các xã đều đạt 100%; có 85% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từng bước đi vào chiều sâu; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong gần 7 năm qua, nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình này ở Văn Bàn hơn 1.276 tỷ đồng; hệ thống đường giao thông nông thôn được cải thiện, đến nay đã có 668,74 km đường kiên cố; huyện có 4/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Lãnh đạo huyện Văn Bàn kiểm tra quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại xã Khánh Yên Hạ.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Đảng bộ, chính quyền huyện có những giải pháp gì trong chỉ đạo để Văn Bàn phát triển bền vững?

Đồng chí Phan Trung Bá: So với các địa phương khác trong tỉnh, Văn Bàn có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, như nguồn tài nguyên, khoáng sản đa dạng, phong phú; đất sản xuất nông nghiệp rộng và màu mỡ; nguồn nhân lực dồi dào. Văn Bàn cũng có tiềm năng về tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch làng bản… Đặc biệt, tới đây, hệ thống giao thông được nâng cấp và tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai kết nối với tuyến cao tốc đi tỉnh Lai Châu… sẽ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho địa phương. Đó là những lợi thế tạo cho Văn Bàn vị thế mới và sẽ là những “cú hích” để Văn Bàn “bứt phá”.

Mặc dù đạt được nhiều thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, song do xuất phát điểm thấp, cùng với những khó khăn vốn có của một huyện miền núi, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống và những mặt trái trong khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường… đang gây ra những trở ngại khá lớn đối với địa phương.

 Bên cạnh đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở một số nơi còn hạn chế; công tác quản lý, điều hành của chính quyền một số địa phương chưa năng động; đội ngũ cán bộ, công chức có lúc, có nơi chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc, trước nhân dân; một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước… Đây là những vấn đề địa phương phải tháo gỡ trong thời gian tới.

Xác định được lợi thế và nhận diện được những khó khăn, thách thức, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã đề ra những giải pháp trọng tâm, đó là: Tập trung triển khai thực hiện các dự án về đô thị, dự án đầu tư lớn ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, hạ tầng...; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, tạo việc làm, nâng cao đời sống nông dân; khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội, nhận thức đúng và có hành động đối với thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Phóng viên: Vậy, những ưu tiên để phát triển kinh tế mũi nhọn của huyện trong những năm tới là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Trung Bá: Văn Bàn đã và đang hội tụ những yếu tố thuận lợi cũng như tiềm năng để phát triển. Huyện đã xác định được những ngành kinh tế mũi nhọn, đó là: Kinh tế nông nghiệp; khai thác và chế biến khoáng sản; phát triển du lịch, dịch vụ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX nêu rõ: “Coi phát triển nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm, xuyên suốt; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản là quan trọng; thương mại - dịch vụ là mũi nhọn…”.

Để khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, trong thời gian tới, huyện Văn Bàn xác định trọng tâm, trọng điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển là tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu lại hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển dịch vụ; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Văn Bàn sẽ tập trung xây dựng kinh tế - xã hội ở nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; đến năm 2020 có 7/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới; giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng Văn Bàn trở thành huyện phát triển của tỉnh Lào Cai…

Theo Báo Lào Cai

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner