(KIN KHẨU MẢU)
Lượt xem: 463
Tháng cuối thu, khi cái nắng trải vàng trên khắp bản làng, đồng ruộng, đồi nương. Con chim sáo tụ hội trên cây dổi để tìm những hạt đỏ tươi có mùi thơm đặc biệt để ăn – loại hạt này cũng là một trong những loại gia vị quen thuộc dùng để chế biến các món ăn của đồng bào miền  núi Văn Bàn (Lào Cai). Ấy là lúc vào mùa cốm của đồng bào Tày trong huyện “Bươn cẩu, kin khẩu mẩu’’ (Tháng 9 ăn cốm) là phong tục truyền thống rất đẹp và rất riêng của đồng bào Tày nơi đây.

Các dân tộc trên đất nuớc Việt Nam đều biết và từng đã được ăn cốm nhưng riêng đồng bào Tày ở Văn Bàn lại có nét riêng biệt. Cốm muốn thơm, dẻo phải chọn dúng loại nếp, thường là những loại nếp của địa phương như: khẩu bằng hanh, khẩu tan lương (Nép vàng) khẩu tan khao (nếp trắng), khảu bằng hành có mùi thơm đặc biệt, loại nếp bằng hành bây giờ rất hiếm. Còn khẩu tan lương và tan khao, hiện nay các gia đình vẫn trồng, hạt nếp loại này có mùi thơm từ chân mạ thơm về, khi chọn nếp làm cốm  thường chọn hai loại này.

Nhìn  bông lúa đến độ vào cốm, người phụ nữ trong bản vai đeo ớp, đựng hép, tay cầm đòn sóc pay tan khẩu mẩu (hái lấy bông lúa về làm cốm). Tuỳ hộ nhiều hay ít người mà hái nhiều hay ít cụm. Nam giới ở nhà đào lò hoặc sửa lò, đan mê, chọn củi cháy đượm để nướng cốm. Cụm lúa hái về được chia làm nhiều mít nhỏ để nướng trên lửa lò cháy rực cho hạt chín đều là được. Thường là nướng cốm bằng lửa lò nhưng cũng có người lấy bát cào hạt lúa rồi rang chín thóc xanh bằng chảo gang.

          Đồng bào thường giã cốm bằng cối, hay bằng loỏng (loại cối dài như áng để giã tập thể). Xưa các gia đình thường nhờ lục thao (con gái ), lục báo (con trai) đến giã cốm. Từ chập tối, lục báo , lục thao riu rít đến giã cốm bằng loỏng theo từng đôi một. Một loỏng (múa chày) đêm chày gõ vào thành loỏng theo nhịp đến khuya mới thôi. Chủ nhà đãi bữa cháo cốm và thịt vịt và nói chuyện vui vẻ thâu đêm.

Ngày nay, vẫn giã cốm bằng loỏng, nhưng lục thao, lục báo các loỏng đã mai một đi nhiều. Cốm giã xong để đấy, chủ nhà chọn ngày để mời họ hàng, thông gia, bạn bè đến ăn cốm. Nhưng dù khách mời nhiều hay ít, cốm muốn ngon, không thể thiếu thịt vịt và hạt dổi làm gia vị. Tuỳ lượng cốm nhiều hay ít mà thịt theo số lượng vịt để có nước suýt làm cháo cốm cho ngon. Mâm cúng tổ tiên và cúng thần bếp nhất thiết phải có bát cháo cốm thơm lừng mùi hành, mùi hạt dổi, béo ngậy với nước luộc vịt cộng với mùi thơm của nếp non đầu mùa.

Thủ tục làm lễ khá đơn giản nhưng chất chứa đầy tính nhân văn: Chủ nhà khấn tạ ơn tổ tiên khai khẩn đất hoang làm ruộng, báo cáo về mùa màng, mời ông bà, cha mẹ về xơi cốm đầu mùa và phù hộ cho con cháu được mùa. Sau đó khấn cảm ơn thần bếp phù hộ cho gia đình no đủ.

Trong mâm cơm mời họ hàng, bạn bè, thông gia, có rưọu nếp ngon, có cháo cốm và các món ăn đồng quê, có bát thăm (tiết canh vịt). Nếu làm thịt lợn thì phải có má lợn nướng cho các cụ và xương sống nướng cho thanh niên. “Bươn cẩu kin khẩu mẩu” (tháng chín ăn cốm), cốm để cúng tổ tiên, cúng thần bếp, đãi họ hàng, bạn bè. Đây  là bữa cơm không thể thiếu vào tháng 9 âm lịch hàng năm. Bên bếp lửa hồng, chung vui chén rượu ngon với anh em, bạn bè, họ hàng, thầm ước những điều tốt đẹp sẽ đến. Đây chính là nét đẹp văn hoá ẩm thực của đồng bào dân tộc Tày huyện Văn Bàn. 

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĂN BÀN TỈNH LÀO CAI
Cơ quan chịu trách nhiệm: UBND huyện Văn Bàn
Địa chỉ: Thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn
Điện thoại: 02143.822.170| Fax: 02143.822.170
Email: contact-vanban@laocai.gov.vn
image banner